|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng trong tuần đỏ lửa nhờ thỏa thuận khủng mã MWG

21:30 | 17/04/2022
Chia sẻ
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng gần 1.500 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, trong đó cổ phiếu MWG hút tiền với giá trị mua ròng dẫn đầu toàn thị trường, bỏ xa các cổ phiếu còn lại trong Top10 với 1.471 tỷ đồng.

Trong tuần 12 - 15/4, VN-Index chịu áp lực điều chỉnh về sát 1.450 điểm, áp lực bán tập trung tại nhóm bluechips và đầu cơ. Trong khi đó, nhóm midcaps chiếm ưu thế về dòng tiền, đặc biệt nhóm kỳ vọng xuất khẩu tích cực như thủy sản, dệt may,...

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 21.377 tỷ đồng, giảm 19,3% so với tuần trước đó và hụt 20% so với trung bình 5 tuần gần đây. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền chuyển hướng tăng vào nhóm hóa chất, bán lẻ, ngân hàng, trong khi giảm vào nhóm bất động sản, chứng khoán, hàng & dịch vụ công nghiệp.

Một điểm cộng tích cực cho thị trường là việc khối ngoại trở lại mua ròng 1.525 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng gần 1.500 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tuy nhiên nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ bán ròng hơn 154 tỷ đồng.

 Khối ngoại mua ròng gần 1.500 tỷ đồng trong tuần đỏ lửa nhờ thỏa thuận khủng mã MWG. (Ảnh: Thu Thảo).

Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu MWG hút tiền với giá trị mua ròng dẫn đầu toàn thị trường, bỏ xa các cổ phiếu còn lại trong Top10 với 1.471 tỷ đồng. Phiên 13/4 xuất hiện một loạt thỏa thuận cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với tổng khối lượng gần 9,4 triệu đơn vị. Giá bình quân khoảng 160.000 đồng/cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), 19,2 triệu cổ phiếu MWG phát hành thêm sẽ được giao dịch bổ sung từ ngày hôm nay 13/4. Việc niêm yết bổ sung khiến room ngoại của MWG hở đúng 9,4 triệu cổ phiếu và khối ngoại đã lập tức mua vào ngay khi "hở room".

Hoạt động giải ngân mạnh mẽ của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của Thế Giới Di Động miệt mài leo lên các đỉnh cao mới bất chấp các phiên lúc lắc của thị trường. Đóng cửa phiên thứ Sáu, thị giá MWG dừng tại 160.200 đồng/cp, vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 114.300 tỷ đồng.

Cùng với MWG, FPT cũng là một trong các bluechips âm thầm lập đỉnh mới thời gian gần đây và xếp vị trí thứ hai trong danh mục mua ròng tuần này. Cụ thể, NĐT nước ngoài gom ròng 370 tỷ đồng cổ phiếu FPT bất chấp xu hướng bán ròng của NĐT cá nhân.

Bên cạnh nhóm bất động sản vẫn thuộc khẩu vị ưa thích của khối ngoại với hai đại diện lọt Top mua ròng như NVL (176 tỷ đồng), VIC (111 tỷ đồng). Lực cầu còn còn hường đến nhiều mã ngành hóa chất như DPM (121 tỷ đồng), DGC (113 tỷ đồng),  DCM (57 tỷ đồng).

Tại thị trường chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 và FUEVFVND được mua ròng với giá trị lần lượt là 76 tỷ và 55 tỷ đồng.

 (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Chiều ngược lại, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoá Phát với giá trị bán ròng hơn 464 tỷ đồng, tương đương 10,3 triệu đơn vị.

Mơi đây, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế quý I của Tập đoàn Hòa Phát đạt khoảng 8.200 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu tăng mạnh trong quý, với tổng sản lượng tiêu thụ thép ước tính tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó thép xây dựng và HRC tăng với tốc độ cao hơn lần lượt là 57% và 15%.

Trái với những con số kinh doanh tích cực, cổ phiếu HPG lại khiến cổ đông chán nản với các nhịp điều chỉnh liên tục. Đóng cửa phiên cuối tuần, thị giá HPG dừng tại 44.200 đồng/cp, giảm 5% so với phiên trước.

Cùng chiều, ông lớn bất động sản Vinhomes cũng bị xả ròng 190 tỷ đồng. Theo sau là loạt cổ phiếu chứng khoán như VND (133 tỷ đồng), SSI (102 tỷ đồng), HCM (90 tỷ đồng), VCI (57 tỷ đồng). "Ông lớn" quốc doanh VCB xếp cuối Top10 bán ròng với 52 tỷ đồng và là đại diện duy nhất ngành ngân hàng nằm trong danh mục bán ròng.

Chưa dừng xả NVB trên HNX

Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên mua với giá trị vào ròng đạt trên 49 tỷ đồng.

Trong đó, mã được gom nhiều nhất là SHS của Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội với 32,1 tỷ đồng. Cùng chiều PVS và IDC cũng được mua ròng với giá trị lần lượt là 22,8 tỷ và 12,7 tỷ đồng. Danh mục Top5 mua ròng cũng gọi tên IVS, TA9 với giá trị không đáng kể.

 

  (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Trong khi đó, NVB là cổ phiếu bị xả nhiều nhất với hơn 17,3 tỷ đồng. Sau thời gian dài đi ngang, cổ phiếu NVB bắt đầu tăng mạnh từ giữa tháng 3 từ vùng 30.000 đồng/cp lên 38.600 đồng/cp, tương đương gần 27%. Đáng nói đà tăng của NVB gần như đừng ngoài xu hướng điều chỉnh của các cổ phiếu nhà băng khác trong thời gian gần đây như TCB, VCB, BID, CTG,...

Các mã còn lại trong danh mục rút vốn của khối ngoại có giá trị dưới 4 tỷ đồng như VCS, BCC, THD, TNG.

Khối ngoại tiếp đà mua ròng trên thị trường UPCoM

 

Xu hướng mua ròng trên thị trường UPCoM tiếp tục kéo dài sang tuần này, tuy nhiên quy mô giải ngân tiếp tục giảm xuống hơn 24 tỷ so với giá trị 60 tỷ đồng tuần trước đó.Tâm điểm mua ròng là hai mã MPC và QNS với quy mô lần lượt là 12,8 tỷ và 12,6 tỷ đồng. Lực cầu cũng hướng đến nhiều mã quen thuộc khác như LTG, QTP, VEA với giá trị dưới 12 tỷ đồng.

Giao dịch tại chiều bán tập trung tại VTP với gần 34 tỷ đồng. Hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của Vietel Post tăng mạnh trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, với mức tăng gần 27%, qua đó đẩy vốn hóa lên xấp xỉ 8.500 tỷ đồng.

Kế đó, dòng tiền ngoại chỉ rút nhẹ trên dưới 1 tỷ đồng khỏi một vài mã trên UPCoM nhưACV, PVP, MML và VGI.

 

   (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Thu Thảo