|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại dứt chuỗi mua ròng 9 tuần liên tục, đảo chiều bán ròng gần 1.400 tỷ đồng với giao dịch thỏa thuận đột biến EIB

08:00 | 14/01/2023
Chia sẻ
Trong tuần vừa qua, khối ngoại trong tuần đã bán ròng gần 1.520 tỷ đồng trên HOSE, nguyên nhân chính là do khối này giao dịch thỏa thuận bán hơn 132,7 triệu EIB trong phiên giao dịch cuối tuần với giá trị gần 3.400 tỷ đồng.

Dòng tiền bắt đầu có dấu hiệu “nghỉ Tết sớm” khi thanh khoản trung bình mỗi phiên trong tuần 9 - 13/1 đạt khoảng trên 7.500 đồng mỗi phiên. Mức tăng giảm của từng phiên cũng chỉ dao động trong biên độ hẹp, tín hiệu tích cực là VN-Index đã có 4/5 phiên tăng điểm trong tuần và chốt tuần tại 1.060,17, tăng 8,7 điểm, tương đương 0,83%.

Một số nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động hơn so với phần còn lại của thị trường, nổi bật là nhóm cổ phiếu liên quan đến đầu tư công như VCG, PLC, HHV, KSB.

Ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số trong tuần là VHM với mức đóng góp 2,3 điểm cho VN-Index. Nhóm ngân hàng với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022 cũng được nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào, trong đó các bluechip như VCB, ACB, VIB, VPB, CTG và STB đều thuộc Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số, nhóm này đã giúp VN-Index tăng đến 5,6 điểm trong tuần.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Trong tuần vừa qua, khối ngoại trong tuần đã bán ròng gần 1.520 tỷ đồng trên HOSE, nguyên nhân chính là do khối này giao dịch thỏa thuận bán hơn 132,7 triệu EIB trong phiên giao dịch cuối tuần (13/1) với giá trị gần 3.400 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch đột biến trên, khối ngoại đã mua ròng gần 1.900 tỷ đồng trong tuần.

Giao dịch bán 132 triệu EIB tương đương gần 11% tổng số lượng cổ phần của ngân hàng này có thể đã đến từ cổ đông lớn nhất của EIB là Ngân hàng Sumitomo (SMBC), sau quyết định chấm dứt thoả thuận liên minh chiến lược với Eximbank.

Trở lại với giao dịch của NĐT nước ngoài, loạt cổ phiếu ngành hóa chất là DGC, DCM và DPM cũng bị bán ròng với quy mô 20 - 60 tỷ đồng. Nối tiếp, lực bán được ghi nhận ở một số cổ phiếu ngân hàng như VCB (55,5 tỷ đồng), BID (30,5 tỷ đồng), HDB (13,8 tỷ đồng), ...

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Bên phía mua ròng, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục được NĐT ngoại giải ngân mạnh mẽ nhất với quy mô 334,8 tỷ đồng. Thống kê cho thấy xu hướng mua ròng HPG những tuần gần đây trái ngược hoàn toàn với đà bán ròng mạnh mẽ trong hai năm qua.

Năm 2021, HPG là cổ phiếu bị khối ngoại xả nhiều nhất với giá trị lên tới hơn 18.900 tỷ đồng, cao gấp đôi cổ phiếu đứng sau là VPB của VPBank. Năm 2022, HPG xếp thứ hai trong danh sách bán ròng với giá trị gần 4.200 tỷ, chỉ sau EIB của Eximbank.

Danh mục top10 mã được mua ròng nhiều nhất trong phiên còn có sự góp mặt của CTG (137 tỷ đồng), VHM (126,2 tỷ đồng), VCI (102,8 tỷ đồng), VIC (102,4 tỷ đồng), PVD (100,4 tỷ đồng), VNM (86,2 tỷ đồng), ...

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND, E1VFVN30 và FUESSVFL được gom ròng với quy mô 80 - 193 tỷ đồng.

Tại HNX, khối ngoại nâng quy mô mua ròng lên hơn 111 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên gần 200 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt gần trăm tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như CEO (14,2 tỷ đồng), TNG (10,6 tỷ đồng), PVI (8 tỷ đồng), PVS (5,9 tỷ đồng), ...

Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn không có nhiều điểm nhấn khi không mã nào có giá trị trên 1 tỷ đồng. Cổ phiếu PGT của PGT Holdings dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô hơn 464 triệu đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư bán ròng nhẹ hơn các mã như ONE, BCC, IVS, PGS với giá trị dưới 300 triệu đồng.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Tương tự, trên thị trường UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị hơn 28 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 12,4 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Đây cũng là mã duy nhất bị rút ròng trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của VEA (2,8 tỷ đồng), LTG (1,7 tỷ đồng), OIL (1,6 tỷ đồng), QNS (0,3 tỷ đồng), ...

Ở phía ngược lại, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 37,7 tỷ đồng. Theo thông báo mới đây của BSR, tổng sản lượng cả năm 2022 đạt 7 triệu tấn, về đích sớm so với kế hoạch 23 ngày.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của doanh nghiệp với tổng doanh thu gần 167.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 12.200 tỷ đồng, công ty nộp ngân sách nhà nước khoảng 18.300 tỷ đồng. Với kết quả nêu trên, BSR ước tính đóng góp 17,8% doanh thu, 18,8% lợi nhuận sau thuế và 10,6% nộp ngân sách nhà nước trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như ABI (2,7 tỷ đồng), SIP (2,2 tỷ đồng), ACV (1,7 tỷ đồng), MCH (0,9 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.