|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khối ngoại đổ xô vào bất động sản nghỉ dưỡng

06:20 | 23/04/2017
Chia sẻ
Sự xuất hiện đều đặn của các thương hiệu khách sạn và resort quốc tế mới trong vòng 5 năm trở lại đây cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
khoi ngoai do xo vao bat dong san nghi duong
Sức hút của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam là rất mạnh mẽ.

Đủ mặt anh tài

Tập đoàn Route Inn Group Nhật Bản vừa đưa vào vận hành khách sạn Grandvrio City Đà Nẵng, tiêu chuẩn 4 sao, với vốn đầu tư 400 tỷ đồng. Dự án được xem là bước khởi động cho tiến trình đổ bộ của tập đoàn khách sạn hàng đầu Nhật Bản này vào phân khúc thị trường khách sạn tầm trung tại Việt Nam. Theo kế hoạch, giữa năm 2017, Route Inn Group sẽ tiếp tục khai trương Grandvrio Ocean Resort Đà Nẵng và năm 2018 sẽ là một dự án khác tại Huế.

Cuối năm 2016, một thương hiệu bình dân trong ngành khách sạn Nhật Bản là Super Hotel cũng đã mở 2 khách sạn tại Hà Nội, sau khi Azumaya Hotel đã đưa vào vận hành 9 khách sạn quy mô nhỏ tại Việt Nam.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội, Grandvrio City, Super Hotel, Azumaya Hotel là 3 trong số hàng chục thương hiệu khách sạn quốc tế có mặt tại Việt Nam trong vòng 5 năm trở lại đây. Sự xuất hiện của các thương hiệu khách sạn mới, xếp hạng 3 - 4 sao, là sự bổ sung hợp lý khi mà ngày càng có nhiều chi nhánh của các tập đoàn nước ngoài, các công ty đa quốc gia có nhân viên làm việc định kỳ tại Việt Nam, với nhu cầu lưu trú kéo dài nhiều tuần.

Trong khi đó, ở phân khúc khách sạn 5 sao, thị trường chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu khách sạn mới như: Intercontinental, JW Marriott, Lotte hotels & resort, Pullman hotels & resorts, Four Seasons hay Le Meridien… Tổng cộng có 57 dự án khách sạn với rất nhiều thương hiệu lần đầu gia nhập thị trường.

Về triển vọng thị trường, bà Đỗ Thu Hằng cho rằng, với nỗ lực cải thiện hạ tầng, dịch vụ bao gồm: nâng cấp các sân bay, xây dựng các điểm trung chuyển quốc tế mới và đầu tư các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng tiếp tục mang đến nhiều cơ hội mới cho nhà đầu tư trong vòng 3 - 5 năm tới.

Ưu thế của “đại gia” ngoại

Một trong số các thương vụ về quản lý khách sạn được nhắc đến thời gian gần đây là việc Empire Group ký hợp tác chiến lược với hai tập đoàn quản lý khách sạn là Dream Hotel Group (Mỹ) và Louvre Hotels Group (Pháp), đồng thời chính thức ra mắt Empire Hospitality – Hệ thống quản lý vận hành khách sạn tại Dự án Cocobay Đà Nẵng (quy mô vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng).

Tại Cocobay Đà Nẵng, Empire Hospitality sẽ áp dụng tối ưu hóa mô hình quản lý thông minh, bao gồm các thông tin về tỷ lệ khách đi - đến, dịch vụ, tiện ích và bảo vệ môi trường. Từ đây công tác quản lý sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Theo ông Trịnh Việt Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Empire, với công nghệ quản lý từ Dream Hotel Group và Louvre Hotels Group, khách lưu trú ở các khách sạn tại Cocobay được thỏa sức tận hưởng những dịch vụ và tiện ích hàng đầu. Tất cả các thông tin được tích hợp để việc quản trị kỳ nghỉ đạt hiệu quả tối ưu.

Thị trường quản lý khách sạn sôi động đến mức, giữa năm 2016, Công ty quản lý quỹ Warburg Pincus cùng với Quỹ đầu tư VinaCapital và ông Don Lam (CEO của VinaCapital) đã thành lập một liên doanh chuyên về đầu tư và quản lý khách sạn, với số vốn đầu tư tối thiểu là 300 triệu USD. Một trong những khoản đầu tư giá trị nhất của liên doanh này là 100% cổ phần của công ty quản lý khách sạn Serenity Holding, cũng như một số khách sạn và resort tại Việt Nam. Liên doanh giữa 3 nhà đầu tư này dự kiến tập trung vào việc phát triển các dự án, mua lại, cũng như quản lý khách sạn tại Việt Nam và tiến tới mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á.

Theo ông Erik Billgren, Giám đốc Savills Đà Nẵng, nhìn vào sự xuất hiện đều đặn của các thương hiệu khách sạn và resort quốc tế mới trong vòng 5 năm qua, có thể thấy sức hút của thị trường du lịch - nghỉ dưỡng Việt Nam là rất mạnh mẽ.

Hà Quang