|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng trên HOSE tuần VN-Index mất mốc 1.040 điểm

07:00 | 25/02/2023
Chia sẻ
Việc thị trường trong nước điều chỉnh giảm trong tuần vừa qua có thể do yếu tố nội tại hơn là đến từ sự tác động của thị trường chứng khoán thế giới. Trong đó, một trong các lực cản khiến thị trường trượt dốc là việc khối ngoại bán ròng mạnh. Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều bán ròng cả 5 phiên trên HOSE với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.

Tưởng như nhà đầu tư đã có một tuần giao dịch thuận lợi khi VN-Index bước vào tuần mới với phiên tăng 27 điểm, tương đương 2,5%, tuy nhiên liên tiếp những ngày sau đó nhà đầu tư đã đón nhận những thông tin về việc các doanh nghiệp chậm thanh toán lãi trái phiếu.

VN-Index liên tiếp giảm trong 4 phiên sau đó, tính chung cả tuần chỉ số chình sàn HOSE để mất 19,75 điểm, giảm 1,86% so với tuần trước để chốt tuần tại 1.039,56 điểm.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

VCB, HVN và SAB trở thành các bluechip hiếm hoi giúp VN-Index tăng điểm với mức ảnh hưởng lần lượt 0,56 điểm, 0,53 điểm và 0,3 điểm. Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index có HQC với mức tăng 37,3% đã giúp VN-Index tăng 0,13 điểm. Chiều giảm điểm dẫn đầu bởi các cổ phiếu VHM, MSN, CTG và BID kéo VN-Index giảm 7,3 điểm trong tuần.

Nhìn chung, thị trường đã khép lại một tuần giảm điểm cùng xu hướng với chứng khoán thế giới. Với 3 tuần giảm liên tiếp, đa phần các thị trường trên thế giới đang trong nhịp điều chỉnh kỹ thuật để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA50.

Việc thị trường trong nước điều chỉnh giảm trong tuần vừa qua có thể do yếu tố nội tại hơn là đến từ sự tác động của thị trường chứng khoán thế giới. Trong đó, một trong các lực cản khiến thị trường trượt dốc là việc khối ngoại bán ròng mạnh. Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều bán ròng cả 5 phiên trên HOSE với tổng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng.

Dẫn đầu danh sách bán ròng là cổ phiếu VHM với giá trị 243,3 tỷ đồng. Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, tính đến cuối năm 2022, doanh số bán hàng chưa ghi nhận củ Vinhomes đạt 107.600 tỷ đồng (tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái) với The Empire và The Crown chiếm 71%.

Dự án The Empire khởi công xây dựng từ đầu năm 2022, bàn giao cho khách hàng từ tháng 9/2022, còn và The Crown được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng để bàn giao từ quý III/2023.

VCSC dự phóng, việc bàn giao hai dự án này giúp lợi nhuận ròng của Vinhomes đạt 33.000 tỷ đồng trong năm nay (tăng 15% so với cùng kỳ). The Empire và The Crown dự báo cũng sẽ đóng góp chính vào lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2024 của doanh nghiệp này, đạt 61.500 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu họ Vingroup còn lại là VIC và VRE cũng nằm trong Top10 bán ròng với giá trị lần lượt là 105,2 tỷ và 101,4 tỷ đồng.

Chiều mua ròng, NKG và HSG đã dẫn đầu danh sách mua của khối ngoại với giá trị lần lượt đạt 56 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Các đại diện còn lại trong danh mục bán ròng gọi tên các đại diện của ngành hóa chất (DCM, DGC, DPM), tài chính ngân hàng (VND, CTG), thép (HPG), ...

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Mặc dù bán ròng HPG nhưng dòng tiền ngoại lại ưu tiên mua ròng hai cổ phiếu khác của ngành thép là NKG và HSG. Cụ thể, bộ đôi NKG và HSG đã dẫn đầu danh sách mua của khối ngoại với giá trị lần lượt đạt 57 tỷ đồng và 38,8 tỷ đồng.

Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu như PC1 (32 tỷ đồng), PVD (25,7 tỷ đồng), NVL (24,3 tỷ đồng), POW (21,5 tỷ đồng), HCM (18,8 tỷ đồng), ...

Tại HNX, khối ngoại duy trì mua ròng hơn 109 tỷ đồng, qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên hơn 650 tỷ đồng.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu IDC tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại với quy mô mua ròng đạt hơn 65,1 tỷ đồng. Ngoài ra, hoạt động giải ngân tìm đến một số cổ phiếu như PVS (46,1 tỷ đồng), TNG (16 tỷ đồng), SHS (6,5 tỷ đồng), CEO (4 tỷ đồng), ...

Tại chiều bán ròng, giao dịch rút vốn tập trung ở cổ phiếu PMC của Dược phẩm Dược liệu Pharmedic dẫn đầu danh mục rút vốn với quy mô hơn 31,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bán ròng 2,5 tỷ đồng cổ phiếu PVI, 1,1 tỷ đồng mã SLS, trước khi rút ròng nhẹ hơn các mã như NVB, DAD, ... với giá trị dưới 1 tỷ đồng.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thị trường UPCoM chứng kiến giao dịch của khối ngoại nghiêng nhẹ về bên mua với giá trị vào ròng đạt gần 7 tỷ đồng.

Tại chiều mua, cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn dẫn đầu danh mục rót ròng với quy mô 13,4 tỷ đồng. Danh mục giải ngân của khối ngoại còn có các đại diện như QNS (11 tỷ đồng), MML (2,6 tỷ đồng), CST (2 tỷ đồng), CNC (1 tỷ đồng), ...

Ở phía ngược lại, khối ngoại chủ yếu bán ròng hơn 18,4 tỷ đồng cổ phiếu VTP của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post). Ngoài ra, danh mục rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài còn có sự góp mặt của CLX (3,3 tỷ đồng), VGT (2,3 tỷ đồng), ACV (1,7 tỷ đồng), OIL (1,4 tỷ đồng), ...

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thu Thảo