|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ đông Nhật Bản liên tiếp tăng sở hữu tại Dược phẩm Hà Tây

07:54 | 16/01/2025
Chia sẻ
ASKA Pharmaceutical nâng tỷ lệ nắm giữ tại Dược phẩm Hà Tây lên gần 40% tại 9/1.

ASKA Pharmaceutical đã mua 1,41 triệu cp CTCP Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT) như đăng ký trước đó. Thời gian giao dịch từ 20/12/2024 đến 9/1. DHT dao động trong khoảng 90.600 - 96.300 đồng/cp giai đoạn này, nên ước tính giá trị giao dịch của cổ đông lớn trên dưới 130 tỷ đồng.

Khối lượng sở hữu tăng từ 31,5 triệu cp (38,2% vốn) lên 32,9 triệu cp (39,9%), duy trì vị thế cổ đông lớn nhất. Trước đó, ASKA để mua gần 2,2 triệu cp DHT trong thời gian từ 3 - 10/12/2024, ước chi hơn 172 tỷ đồng.

ASKA là hãng dược Nhật Bản, ra đời từ năm 1920, chuyên về các sản phẩm cho nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu. Từ tháng 4/2020, công ty thành lập bộ phận kinh doanh quốc tế để bắt đầu đẩy mạnh tăng trưởng và phát triển thông qua hoạt động ở thị trường nước ngoài.

ASKA bắt đầu rót vốn vào Hataphar từ năm 2020 khi mua 6,6 triệu cp chào bán riêng lẻ, sở hữu 24,9% vốn điều lệ. Đến cuối 2023, tổ chức này tiếp tục mua 8,4 triệu cp trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,9% lên 32,56%. Mức giá chào mua khi đó là 21.500 đồng/cp, và số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong ba năm.

Hai thành viên hội đồng quản trị Dược phẩm Hà Tây gồm ông Hiroyasu Nishioka và ông Keisuke Oshio đồng thời là đại diện phần vốn góp của ASKA.

Ngoài hàng dược Nhật Bản, hai cổ đông lớn còn lại là Chủ tịch Lê Văn Lớ (5,6% vốn) và Thành viên Hội đồng quản trị Lê Việt Linh (đồng thời là con ông Lớ). Ngoài ra, một số người thân ông Lớ cũng đang nắm giữ cổ phần.

Với cơ cấu sở hữu tương đối cô đặc, DHT ghi nhận khối lượng khớp lệnh bình quân phiên qua một năm khoảng 110.000 đơn vị. Thị giá đã gấp 3,7 lần so với cách đây một năm, kết phiên 15/1 tại 86.000 đồng/cp. Vốn hóa thị trường đạt 7.081 tỷ đồng.

Dược phẩm Hà Tây có tổng tài sản gần 1.800 tỷ đồng tại 30/9/2024, không quá thay đổi so với đầu năm. Phần lớn tài sản ghi nhận tại chi phí xây dựng cơ bản dở dang dự án nhà máy dược phẩm công nghệ cao Hataphar gần 770 tỷ đồng. Cùng với đó, giá trị hàng tồn kho cuối kỳ đạt khoảng 400 tỷ đồng.

Doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 đi ngang so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.500 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm 24% về 53 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí quản lý.

 Diễn biến cổ phiếu DHT qua hai năm (đến 15/1). (Biểu đồ: TradingView).

Xuân Nghĩa