Tuần 4 - 6/5: Khối ngoại đảo chiều bán ròng trước nhịp chỉnh dài của thị trường song vẫn gom mạnh dòng ngân hàng, BĐS
Ngay trong phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, thị trường đã sụt giảm mạnh khi lực bán dâng cao ở hầu hết các nhóm ngành từ bluechip đến midcap, penny. VN-Index có phiên hồi phục sau đó, nhưng lại bị thổi bay hơn 30 điểm và thủng mốc 1.330 điểm.
Mặc dù chỉ giao dịch 3 phiên trong tuần, VN-Index đã giảm tổng cộng 37,5 điểm, tương đương 2,75%, xuống còn 1.329 điểm. HNX-Index giảm 22,37 điểm, tương đương 6,11% và kết thúc tuần ở 343,5 điểm.
Thanh khoản trên toàn cả 3 sàn giảm mạnh so với phiên giao dịch trước đó và ở quanh mức thấp nhất một năm. Theo quan sát, thị trường vẫn xuất hiện lực cầu bắt đáy nhưng dòng tiền không đủ lớn do tâm lý thận trọng. "Đâu là đáy?" vẫn là câu hỏi thường trực và khả năng phục hồi phục của thị trường vẫn chưa sáng tỏ làm giới đầu tư nản lòng, kể cả nhà đầu tư giá trị.
Trước nhịp chỉnh dài của thị trường, khối ngoại cũng quay đầu bán ròng gần 90 tỷ đồng trên sàn HOSE trong khi tiếp tục xu hướng mua ròng trên sàn HNX và thị trường UPCoM.
Theo thống kê, mặc dù dòng tiền NĐT nước ngoài rút khỏi phần lớn các nhóm ngành như sản xuất thực phẩm (90,5 tỷ đồng), bán lẻ (62 tỷ đồng), bảo hiểm (59 tỷ đồng), nước và khí đốt (46 tỷ đồng), vận tải (35 tỷ đồng)... nhưng vẫn ghi nhận lực cầu hướng đến cổ phiếu bất động sản (152 tỷ đồng) và ngân hàng 95,5 tỷ đồng).
NLG ngược dòng bất động sản trên sàn HOSE
Mặc dù ghi nhận xu hướng bán ròng trong cả tuần giao dịch nhưng lực cung của khối ngoại tại các cổ phiếu không quá 100 tỷ đồng. VCB là cổ phiếu đứng đầu Top 10 mã chịu áp lực xả nhưng giá trị cũng chỉ đạt gần 79 tỷ đồng. Theo sau là mã VNM với 69 tỷ đồng.
Như đã đề cập, tính chung trên toàn thị trường, mặc dù NĐT ngoại mua ròng tới 152 tỷ đồng nhóm bất động sản, nhưng khối này vẫn thực hiện thoái vốn tại nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn như NVL (60,5 tỷ đồng), KDH (57,5 tỷ đồng), KBC (57 tỷ đồng), VIC (43 tỷ đồng) và BCM (39 tỷ đồng).
DGW và BVH cũng bị chốt lời nhẹ với giá trị tương ứng 59 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Cuối cùng, E1VFVN30 là chứng chỉ quỹ duy nhất lọt danh mục bán ròng, tương ứng quy mô chỉ 37 tỷ đồng.
Ngược dòng cổ phiếu bất động sản, NVL là cổ phiếu địa ốc hiếm hoi được khối ngoại mua gom tuần qua. Mã này đứng đầu danh sách các cổ phiếu được gom với giá trị vượt trội gần 330 tỷ đồng, tương đương 6,9 triệu đơn vị. Theo sau, VHM và CII cũng được gom ròng nhẹ với giá trị tương ứng 80 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.
Mới đây, Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của CTCP Đầu tư Nam Long sau khi chi khoảng 65 tỷ đồng mua vào 1,4 triệu cổ phiếu NLG trong ngày 28/4. Sau giao dịch, nhóm quỹ này tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 19,5 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu 5,1%.
Mặc dù giao dịch không mấy tích cực tuần qua, khối ngoại vẫn gia tăng lực cầu tại nhiều cổ phiếu ngân hàng với mức giá chiết khấu hấp dẫn như TPB (66 tỷ đồng), CTG (62,5 tỷ đồng) hay STB (46 tỷ đồng). Ngoài ra, MSN và VRE cũng ngược dòng ngành bán lẻ và được khối ngoại gom lần lượt 61 tỷ đồng và 58 tỷ đồng.
Đẩy mạnh gom PVS trên sàn HNX
Tuần qua tiếp tục ghi nhận xu hướng mua gom của khối ngoại trên sàn HNX với quy mô gần 21 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu PVS đóng góp đáng kể vào giá trị toàn sàn với giá trị gần 26 tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu đơn vị.
Một số mã khác cùng chiều như SHS (4,6 tỷ đồng), TA9 (2,4 tỷ đồng), PSW (1,4 tỷ đồng) hay DNM (0,8 tỷ đồng).
Trong khi đó, chiều bán ròng diễn ra ảm đạm tuần qua. Mã bị xả nhiều nhất là VCS chỉ với 6 tỷ đồng. Theo sau là các cổ phiếu BVS (3,5 tỷ đồng), PVI (1,6 tỷ đồng), PLC (1,1 tỷ đồng), TVD (1 tỷ đồng)...
Mua ròng trở lại trên UPCoM
Sau hai tuần bán ròng, khối ngoại đã trở lại gom nhẹ gần 11 tỷ đồng trên thị trường UPCoM. Trong đó, BSR vượt QNS trở thành mã được mua nhiều nhất với giá trị 7 tỷ đồng. Kế đến là một số cổ phiếu như QNS (5 tỷ đồng), ACV (2 tỷ đồng), CSI (1 tỷ đồng), CLX (1 tỷ đồng)...
Ngược lại, dòng tiền rút khỏi các mã QTP (4,6 tỷ đồng), BDG (1,9 tỷ đồng), TCW (1,5 tỷ đồng), GHC (1,1 tỷ đồng), MPC (0,6 tỷ đồng)...