|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại đảo chiều bán ròng gần 1.030 tỷ đồng trong tháng 7, tập trung xả FUEVFVND, HPG, VHM

18:00 | 31/07/2022
Chia sẻ
Đà rơi của VN-Index đã tạm ngưng trong tháng 7 nhưng khối ngoại lại có tháng giao dịch không mấy tích cực khi họ chuyển hướng bán ròng gần 1.030 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 chịu áp lực điều chỉnh nhẹ sau 2 phiên tăng liên tiếp do ảnh hưởng từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nội. Tuy vậy, tuần vừa qua này đã là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của VN-Index, qua đó khép lại tháng 7 ở mốc 1.206,33 điểm, tăng nhẹ 0,73% sau 3 tháng giảm liên tiếp. 

 

Sau quý II giảm sâu, thị trường chứng khoán Việt Nam cho tín hiệu tạo đáy quanh vùng 1.200 điểm. Điểm sáng trong tháng vừa qua là VN-Index đã rất nỗ lực lấy lại vùng điểm 1.200 sau nhiều lần lỡ hẹn.

Tuy nhiên liên quan đến giao dịch của nhóm NĐT nước ngoài, khối này đã đảo chiều bán ròng hơn 405 tỷ đồng trên sàn HOSE sau khi mua ròng hơn 2.070 tỷ đồng trong tháng 6. Trong đó, khối ngoại duy trì mua ròng cổ phiếu niêm yết trên sàn này với gần 333 tỷ đồng. Tháng trước đó ghi nhận giá trị vào ròng gần 1.913 tỷ đồng.

Quy mô rút vốn tại chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội ghi nhận hơn 737 tỷ đồng dù tháng 6 khối ngoại vẫn mua ròng gần 157 tỷ đồng.

Xét theo nhóm ngành, dòng tiền ngoại chủ yếu rút khỏi các quỹ đầu tư, nhóm bất động sản, thép và hóa chất,... song các NĐT nước ngoài lại xuống tiền hom cổ phiếu các ngành sản xuất thực phẩm, ngân hàng, chứng khoán, vận tải, bán lẻ,...

Khối ngoại tập trung bán ròng ccq FUEVFVND trên HOSE

Thống kê giao dịch cụ thể trên HOSE, tính riêng kênh khớp lệnh thì giá trị rút ròng là 442 tỷ đồng. Cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido dẫn đầu về quy mô mua ròng trong tuần với 914 tỷ đồng. Lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện vào những phiên cuối tháng 7 trong bối cảnh giá cổ phiếu KDC bứt phá lên các vùng cao mới.

Kế đến, ông lớn ngành sữa VNM tiếp tục nằm trong tâm điểm hút tiền của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị 521 tỷ đồng.

Trong nhóm tài chính - ngân hàng, cổ phiếu STB của Sacombank cũng có giá trị mua ròng gần 260 tỷ đồng. Tương tự, VND, CTG, LPB cũng được rót ròng lần lượt 168 tỷ, 146 tỷ và 139 tỷ đồng. Lực mua còn xuất hiện tại các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như MWG (236 tỷ đồng), NLG (145 tỷ đồng), FPT (139 tỷ đồng) và KBC (135 tỷ đồng).

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

 

Chiều bán ra, chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị rút ròng mạnh nhẩt với 753 tỷ đồng, tiếp đến là HPG (558 tỷ đồng).

Danh mục rút vốn của khối ngoại còn có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu địa ốc như VHM (493 tỷ đồng), NVL (413 tỷ đồng), DXG (225 tỷ đồng), VIC (104 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, hai cổ phiếu ngân hàng lọt Top10 mã bị xả mạnh là MBB (237 tỷ đồng) và VCB (220 tỷ đồng). Cùng chiều, khối ngoại bán ròng lần lượt hai đại diện ngành hóa chất là DCM và DPM với giá trị lần lượt là 142 tỷ và 104 tỷ đồng.

Sàn HNX bị bán ròng gần 150 tỷ đồng

Giao dịch trên sàn HNX, khối ngoại chuyển bán ròng gần 147 tỷ đồng trong tháng 7 sau 2 tháng mua ròng liên tiếp. Theo đó, khối này mua ròng hơn 168 tỷ đồng kể từ đầu năm nay.

Trong tháng 7, cổ phiếu IDC của IDICO được mua ròng mạnh nhất với 21,3 tỷ đồng, theo sau là SD5 (3,3 tỷ đồng) và PVI (3 tỷ đồng). Hai mã khác là PVG và L14, lần lượt đạt 2,1 tỷ và 1,7 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, Top5 mã bị bán ròng mạnh nhất đều ghi nhận giá trị trên 10 tỷ đồng. Trong đó, mã SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội dẫn đầu với 81,1 tỷ đồng. Kế đến, khối ngoại bán ròng theo thứ tự NVB (17,3 tỷ đồng), PMC (16,9 tỷ đồng), PVS (15,8 tỷ đồng), BVS (14 tỷ đồng),... 

 

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

 

Rút ròng hơn 475 tỷ đồng trên thị trường UPCoM, tâm điểm BSR

Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài tạm dứt chuỗi mua ròng 5 tháng liên tục. Khối này đảo chiều bán ròng hơn 475 tỷ đồng trong tháng vừa qua, tuy nhiên nếu tính từ đầu năm NĐT ngoại vẫn rót ròng hơn 1.142 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.

Trái với hoạt động xuống tiền giải ngân trong giai đoạn trước, cổ phiếu BSR bị chốt lời mạnh mẽ trong tháng 7 với giá trị lên tới 318,2 tỷ đồng. Quy mô xả ròng bỏ xa các mã còn lại trong danh mục khi giá cổ phiếu có nhịp giảm 14% trong tháng. Cùng chiều, dòng tiền ngoại lần lượt rút khỏi các cổ phiếu như VEA (82 tỷ đồng), ACV (62,3 tỷ đồng), ACV (62,3 tỷ đồng), VTP (26,9 tỷ đồng) và QTP (5 tỷ đồng).

Trong khi đó, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời dẫn đầu với giá trị mua ròng 7,4 tỷ đồng. Nhóm được mua vào còn có MCH, AAS, FOC vầ FOC với giá trị quanh 4 tỷ đồng. 

 

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

 

 

Thu Thảo