|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng tuần VN-Index vượt mốc 1.200, thỏa thuận khủng cp KDC trên đỉnh lịch sử

08:00 | 30/07/2022
Chia sẻ
Khối ngoại trong tuần vừa qua đã mua vào và bán ra lần lượt 5.605 tỷ và 4.090 tỷ, qua đó ghi nhận giá trị vào ròng đạt 1.515 tỷ đồng.

Sau khi thông tin tăng lãi suất của Fed được công bố vào sáng ngày 28/7, nhà đầu tư như rũ bỏ được sự lo lắng, qua đó đã giúp VN-Index có phiên giao dịch rất khả quan, đóng cửa vượt mốc cản quan trọng tại 1.200 điểm.

Sau khi VN-Index vượt 1.200, đà hưng phấn tiếp tục được duy trì, chỉ số tiếp tục tăng lên mức 1.217 trước khi hạ nhiệt bởi áp lực chốt lãi. Kết thúc tuần VN-Index đã tăng 11,57 điểm, tương đương 0,97% và đóng cửa ở 1.206,33.

Ngân hàng và bất động sản có đóng góp chính cho đà tăng của thị trường trong tuần, 2 nhóm này có tới 9/10 đại diện ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số. Dẫn đầu là 2 cổ phiếu ngân hàng VCB và BID với mức tác động 2,6 điểm và 2,3 điểm. SAB là cổ phiếu duy nhất không thuộc 2 nhóm trên, cổ phiếu này trong tuần đã giúp VN-Index tăng 2,3 điểm.

Liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại trong tuần đã mua vào và bán ra lần lượt 5.605 tỷ và 4.090 tỷ, qua đó ghi nhận giá trị vào ròng đạt 1.515 tỷ đồng. 

Thỏa thuận khủng KDC trên đỉnh lịch sử 

Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu KDC hút tiền với giá trị mua ròng dẫn đầu toàn thị trường, bỏ xa các cổ phiếu còn lại trong Top10 với hơn 986 tỷ đồng. Phiên 27/7 và 28/7 xuất hiện một loạt thỏa thuận cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido với tổng khối lượng gần 15 triệu đơn vị. Giá bình quân khoảng 65.400 đồng/cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 980 tỷ đồng.

Hoạt động giải ngân mạnh mẽ của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của KDC miệt mài leo lên các đỉnh cao mới bất chấp các phiên rung lắc của thị trường. Đóng cửa phiên thứ Sáu, thị giá KDC dừng tại 70.500 đồng/cp, vốn hóa thị trường tương ứng đạt hơn 16.154 tỷ đồng.

SSI xếp vị trí thứ hai trong danh mục mua ròng tuần này. Cụ thể, NĐT nước ngoài gom ròng 257 tỷ đồng cổ phiếu SSI bất chấp xu hướng bán ròng của NĐT cá nhân. Bên cạnh SSI, khối này cũng rót vốn vào loạt cổ phiếu tài chính ngân hàng như STB (135 tỷ đồng), LPB (60 tỷ đồng) và CTG (52 tỷ đồng).

Cùng nhiều, các cổ phiếu nhóm bất động sản vẫn thuộc khẩu vị ưa thích của khối ngoại với hai đại diện lọt Top mua ròng như KBC (I130 tỷ đồng) và NLG (58 tỷ đồng) Lực cầu còn còn hường đến nhiều mã ngành bán lẻ, công nghệ như MWG (129 tỷ đồng), FPT (98 tỷ đồng) và MSN (71 tỷ đồng). 

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Chiều ngược lại, tâm điểm bán ròng thuộc về cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoá Phát với giá trị bán ròng hơn 352 tỷ đồng, tương đương hơn 16,4 triệu đơn vị.

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát vừa cho biết doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu 37.714 tỷ đồng trong quý II vừa qua, nhỉnh hơn cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 4.023 tỷ đồng, giảm gần 59%. Thống kê cho thấy đây là mức lãi thấp nhất của Hòa Phát kể từ quý III/2020.

Tính chung nửa đầu năm, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2022, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 160.000 tỷ đồng, lãi sau thuế khoảng 25.000 - 30.000 tỷ. Sau 6 tháng, Hòa Phát đã thực hiện khoảng 51% kế hoạch doanh thu và 41% - 49% kế hoạch lợi nhuận. 

Cùng chiều, ông lớn bất động sản nhà Novaland và Vinhomes cũng bị xả ròng với giá trị tương ứng là 287 tỷ và 47 tỷ đồng. Theo sau là loạt cổ phiếu ngành hóa chất như DGC (82 tỷ đồng), DPM (37 tỷ đồng) và DCM (33 tỷ đồng). Các mã giao dịch cùng chiều còn có NKG (21 tỷ đồng) và IJC (18 tỷ đồng).

 Tại thị trường chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 và FUEVFVND bị rút ròng với cùng giá trị là 17 tỷ đồng. 

Khối ngoại mua ròng nhẹ trên HNX

Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX tương đối cân bằng khi không có sự chênh lệch lớn giữa hai phe mua bán. Theo đó, NĐT nước ngoài mua ròng nhẹ hơn 1 tỷ đồng.

Trong đó, mã được gom nhiều nhất là IDC của IDICO với 9,1 tỷ đồng. Cùng chiều SHS và PVI cũng được mua ròng với giá trị lần lượt là 2,6 tỷ và 2 tỷ đồng. Danh mục Top5 mua ròng cũng gọi tên VCS và SD5  với giá trị không đáng kể.

Trong khi đó, PVS là cổ phiếu bị xả nhiều nhất với hơn 11,1 tỷ đồng. Mã này nối dài hành trình đi ngang quanh vùng giá 23.000 đồng/cp trong tuần vừa qua. Kế đến, cổ phiếu APS cũng bị bán ròng với gần 3 tỷ đồng. Mới đây, Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APEC Securities) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động.

Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo tài chính quý II của Chứng khoán APEC đó là khoản mục lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVPTL) lên đến gần 490 tỷ đồng. Kết quả đột biến do chênh lệch giảm đánh giá lại FVPTL gần 461 tỷ đồng.

Thực tế đó là những khoản “lỗ kỹ thuật”, trong quý II công ty bán cắt lỗ khoản đầu tư và chịu mức lỗ thật gần 29 tỷ đồng. Kết quả là, Chứng khoán APEC báo lỗ trước thuế 442 tỷ đồng trong quý II, trong đó lỗ chưa thực hiện là hơn 445,2 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất trong ngành chứng khoán quý II.

Các mã còn lại trong danh mục rút vốn của khối ngoại có giá trị dưới 1 tỷ đồng như NVB, THD, MCF.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Xả mạnh BSR trên thị trường UPCoM

Xu hướng mua ròng trên thị trường UPCoM không thể duy trì sang đến tuần nay. Thay vào đó, khối ngoại có tuần xả ròng mạnh lên tới gần 253 tỷ đồng.

Tâm điểm rút vốn là cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn với giá trị hơn 197 tỷ đồng. Cùng chiều, mã ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng bị bán ròng 61,5 tỷ đồng.  Kế đó, dòng tiền ngoại chỉ rút ròng dưới tỷ đồng khỏi một vài mã trên UPCoM như VEA, VTP, QNS.

Chiều ngược lại, hoạt động xuống tiền giải ngân tương đối ảm đạm khi không mã nào được mua ròng trên 10 tỷ đồng. Mặt khác, các đại diện nằm trong Top mua ròng không phải các mã quen thuộc, điển hình như AAS (3,8 tỷ đồng), MCH (2,1 tỷ đồng), VGG (2 tỷ đồng), WSB (1,9 tỷ đồng), ABI (1,5 tỷ đồng)....

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.