|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại chưa hẹn ngày giải ngân trở lại Việt Nam

13:21 | 02/07/2021
Chia sẻ
Tiếp tục xu thế bán ròng của năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài vẫn gia tăng áp lực bán trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổng giá trị bán từ đầu năm 2020 vào khoảng 2,2 tỷ USD. Sau khi bán ròng nhiều bluechip, khối ngoại rót lượng tiền lớn vào ETF nội.
Khối ngoại chưa hẹn ngày trở lại Việt Nam - Ảnh 1.

Dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khóa Việt Nam. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Khối ngoại bán ròng hơn 1,3 tỷ USD nửa đầu 2021, nhưng vẫn gom ETF nội

Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch cuối tháng 6 ở 1.408,55 điểm, tăng 27,6% so với cuối năm 2020. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 56,74% và 21,22%. Như vậy, thị trường đã có 5 tháng tăng liên tiếp sau khi điều chỉnh mạnh vào giữa tháng 1.

Bối cảnh thị trường giao dịch khởi sắc, các nhà đầu tư trong nước liên tiếp đổ tiền vào thị trường. Lực cầu từ khối nội đối ứng toàn bộ giá trị bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của người viết, khối ngoại bán ròng hơn 31.400 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. Lũy kế kể từ đầu năm 2020, tổng giá trị bán ròng vào khoảng 50.700 tỷ đồng (2,2 tỷ USD).

Nói thêm về giao dịch của khối ngoại, hoạt động bán ròng nửa đầu năm nay tập trung trên sàn HOSE với giá trị 29.875 tỷ đồng. Cùng chiều với HOSE, sàn HNX cũng ghi nhận giá trị bán ròng 1.853 tỷ đồng từ khối ngoại trong nửa đầu năm nay. Duy nhất thị trường UPCoM được mua ròng hơn 300 tỷ đồng.

Riêng tại giao dịch cổ phiếu sàn HOSE, giá trị bán ròng của khối ngoại vượt 35.200 tỷ đồng. Đối lập với cổ phiếu, các chứng chỉ quỹ ETF nội trở thành điểm sáng, hút tiền từ khối ngoại với giá trị 5.558 tỷ đồng. Cụ thể, chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF được mua ròng nhiều nhất trong nửa đầu năm nay với giá trị gần 4.200 tỷ đồng, theo sau là SSIAM VNFin Lead ETF (708 tỷ đồng) và VFMVN30 ETF (697 tỷ đồng).

Tập trung bán ra các bluechip trên đỉnh lịch sử bất chấp kết quả kinh doanh khởi sắc

Hai nhóm ngành bị khối ngoại chốt lời mạnh nhất nửa đầu năm nay đó là thép và ngân hàng. Bất chấp lực bán từ các nhà đầu tư nước ngoài, hai nhóm này đóng vai trò "dẫn sóng" thị trường.

Quan sát giao dịch trên từng cổ phiếu thấy rằng hoạt động chốt lời của nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Đây đều là những mã đã được khối ngoại nắm giữ lâu năm và đang giao dịch trên vùng đỉnh lịch sử. Dường như kết quả kinh doanh khởi sắc với mức lợi nhuận cao kỷ lục không còn đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị "xả" mạnh nhất 6 tháng đầu năm nay với gần 13.000 tỷ đồng (hơn 500 triệu USD). Không thuộc trường hợp báo lãi đậm và giá tăng phi mã như HPG, VNM của Vinamilk vẫn bị bán ròng gần 6.200 tỷ đồng. Lực bán từ khối ngoại khiến VNM rớt giá mạnh, rời khỏi nhóm "ba chữ số" khi mất hơn 15% giá trị so với cuối năm 2020.

Đáng chú ý, VNM cũng là đại diện hiếm hoi trong Top10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường có giá cổ phiếu giảm trong 6 tháng đầu năm nay.

Tại nhóm ngân hàng, bất chấp việc báo lãi khủng, các mã trong ngành này bị bán ròng mạnh, đơn cử như CTG (6.050 tỷ đồng), VPB (4.529 tỷ đồng), MBB (2.398 tỷ đồng). Giá trị bán nghìn ty đồng còn có BID của BIDV.

Ở chiều mua, chỉ có 6 cổ phiếu ghi nhận giá trị mua ròng trên 1.000 tỷ đồng nửa đầu năm nay, dẫn đầu là VHM (2.980 tỷ đồng) và NVL (1.652 tỷ đồng). Theo sau đó, mã MWG của Thế Giới Di Động cũng được mua ròng 1.533 tỷ đồng. Theo quan sát, khối ngoại luôn canh mua cổ phiếu MWG mỗi khi mã này hở "room" ngoại. Mặc dù vậy, việc hạn chế tỷ lệ sử hữu nước ngoài khiến Thế Giới Di Động không còn hấp thụ được dòng tiền ngoại.

Khối ngoại chưa hẹn ngày trở lại Việt Nam - Ảnh 2.

Khối ngoại không thể mua thêm cổ phiếu MWG của Thế giới Di động vì hết "room". Ảnh: Hoàng Linh.

Lí do khối ngoại bán ròng

Trở lại vấn đề, việc khối ngoại bán ròng ròng rã hơn một năm gần đây khiến giới đầu tư trong nước luôn sốt sắng với câu trả lời tại sao, bởi khối ngoại luôn đưa đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam rồi tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận các công ty. Song, lời nói không đi đôi với hành động, họ đã bán mặc dù không ít tổ chức quốc tế "khen hay, khen tốt". Vậy thì lý do vì sao khối ngoại đã bán?

Qua theo dõi, các nhà đầu tư Hàn Quốc góp phần không nhỏ trong hoạt động bán ròng. Hiện chưa có một số liệu cụ thể là nhóm này đã bán ra bao nhiêu. Song, mọi chuyện không quá khó hiểu khi Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm 6 thị trường tăng điểm mạnh nhất trong 1 năm trở lại đây. Dù Việt Nam dẫn đầu danh sách này, nhưng quy mô còn kém xa thị trường phát triển như Hàn Quốc.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Chứng khoán SSI, động thái bán ròng của khối ngoại diễn ra sau thời gian dài nắm giữ cổ phiếu và đạt được lợi nhuận. Đây cũng là thời điểm tốt về mặt thanh khoản để khối này bán ra.

Không thể phủ nhận rằng vị thế của khối ngoại đã có phần lu mờ khi dòng tiền từ cá nhân trong nước đang áp đảo. Dữ liệu thống kê của người viết, các cá nhân thường xuyên chiếm hơn 83% thanh khoản của thị trường. Chính vì lý do đó, Chủ tịch SSI cho rằng nhà đầu tư không nên quá quan tâm đến dòng tiền vào – ra của khối ngoại giai đoạn hiện tại.

Cùng quan điểm, khối phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam cũng cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại hiện nay không có tác động đáng kể đến thị trường do dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế vượt trội.

Trong hai tuần cuối tháng 6, hoạt động bán ròng của khối ngoại có phần thu hẹp. Đáng chú ý, các phiên mua và bán ròng đan xen, không còn bán áp đảo như trước. Dự báo nửa cuối năm nay, các nhà phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam vẫn cho rằng áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ duy trì. Nguyên nhân là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường phát triển, rủi ro khi FED gửi đi tín hiệu tăng lãi suất.

Lợi Hoàng