|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Hơn 200 triệu USD 'bơm' vào TTCK Việt Nam quý I, tự doanh công ty chứng khoán tranh thủ bán ra nghìn tỉ đồng

11:19 | 06/04/2019
Chia sẻ
Thống kê giao dịch trong quý I, khối ngoại ‘bơm’ khoảng 4.700 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mua ròng tập trung trên HOSE, bán ròng tại HNX và UPCoM. Khối tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng gần 1.300 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Khối tự doanh 'xả' 1.296 tỉ đồng trong quý I, tập trung vào E1VFVN30

Thống kê giao dịch trong quý I, bộ phận tự doanh CTCK bán ròng 1.296 tỉ đồng với khối lượng 74,4 triệu đơn vị. Cụ thể, khối này đã bán ròng 27/58 phiên giao dịch trong quý I.

Hơn 200 triệu USD bơm vào TTCK Việt Nam quý I, tự doanh công ty chứng khoán tranh thủ bán ra nghìn tỉ đồng - Ảnh 1.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp từ FiinPro

Tại giao dịch cổ phiếu, bộ đôi cổ phiếu 'họ Vingroup' là VHM – VIC đứng đầu về giá trị mua vào và bán ra. Cụ thể, cổ phiếu VHM bị khối tự doanh bán ra mạnh nhất (2.306 tỉ đồng) nhưng đồng thời ghi nhận giá trị mua vào cao nhất (1.420 tỉ đồng). Như vậy, cổ phiếu VHM bị khối tự doanh bán ròng 886 tỉ đồng trong quý I. Cùng chiều bán ra, Một số cổ phiếu cũng chịu áp lực bán mạnh từ khối này như VIC (745 tỉ đồng), HPG (387 tỉ đồng), MSN (323 tỉ đồng)…

Chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 cũng bị khối tự doanh bán ra với giá trị 1.634 tỉ đồng.

Ở chiều mua vào, bên cạnh việc mua vào mạnh nhất VHM và VIC, khối tự doanh còn mua vào một số mã như HPG (505 tỉ đồng), MBB (448 tỉ đồng). Một số cổ phiếu khác cũng được mua vào như MSN, VNM, GTN, MWG, TCB, PLX.

Khối ngoại mua ròng hơn 5.170 tỉ đồng trên HOSE, mua mạnh MSN, 'xả' cổ phiếu Vietjet

Trên HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tổng cộng 5.172 tỉ đồng trên HOSE trong quý I với khối lượng hơn 173 triệu đơn vị. Hoạt động mua ròng trọng tâm vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Hơn 200 triệu USD bơm vào TTCK Việt Nam quý I, tự doanh công ty chứng khoán tranh thủ bán ra nghìn tỉ đồng - Ảnh 2.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Cụ thể, MSN dẫn đầu top mua ròng với 2.188 tỉ đồng, theo sau là VCB với 1.185 tỉ đồng. Hai mã cổ phiếu nhóm ngân hàng khác là CTG và STB cũng được mua ròng với giá trị lần lượt 419 tỉ đồng và 310 tỉ đồng. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng được mua ròng với giá trị 612 tỉ đồng. Hai cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ là MWG và VRE được khối ngoại mua vào 566 tỉ đồng và 354,3 tỉ đồng. Được biết, VRE là cổ phiếu duy nhất thuộc 'họ Vingroup' được khối ngoại mua ròng trong quý I.

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.497 tỉ đồng. Hoạt động mua ròng tập trung vào chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 với giá trị 1.498 tỉ đồng mua ròng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VJC của Hàng không Vietjet đứng đầu về giá trị bán ròng với 1.388 tỉ đồng. Cổ phiếu HDB cũng bị khối ngoại bán ròng 315 tỉ đồng, đây là cổ phiếu ngân hàng duy nhất nằm trong Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất trong quý I. Hai cổ phiếu thuộc 'họ Vingroup' là VHM và VIC bị bán ra với giá trị lần lượt là 471 tỉ đồng và 315 tỉ đồng trong quý đầu tiên của năm 2019.

Hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ tập trung vào những cổ phiếu vốn hóa lớn. Một số cổ phiếu Midcap cũng bị 'xả' mạnh trong quý I như NBB (349 tỉ đồng), HBC (235 tỉ đồng), GTN (173 tỉ đồng), YEG (138 tỉ đồng), DQC (135 tỉ đồng).

Khối ngoại bán ròng trên HNX và UPCoM, Dragon thoái vốn khỏi nhóm khu công nghiệp

Thống kê giao dịch trên HNX trong quý I, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 127 tỉ đồng.

Hơn 200 triệu USD bơm vào TTCK Việt Nam quý I, tự doanh công ty chứng khoán tranh thủ bán ra nghìn tỉ đồng - Ảnh 3.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Giao dịch bán ròng tập trung vào cổ phiếu VGC với giá trị gần 907 tỉ đồng, những mã còn lại bị bán ròng với giá trị dưới 40 tỉ đồng như SHS, NTP, TNG, HUT…

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất cổ phiếu dầu khí là PVS với giá trị 532 tỉ đồng, theo sau là CDN với giá trị 397 tỉ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng một số cổ phiếu khác như NRC, SHB, CEO…

Giao dịch trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng tổng cộng 337 tỉ đồng.

Hơn 200 triệu USD bơm vào TTCK Việt Nam quý I, tự doanh công ty chứng khoán tranh thủ bán ra nghìn tỉ đồng - Ảnh 4.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Hoạt động bán ròng tập trung vào các mã cổ phiếu IDC (608 tỉ đồng), BSR (139 tỉ đồng), GEG (22,1 tỉ đồng). Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng một số cổ phiếu khác như LPB, ACV, MSH, LTG…

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài lại mua ròng mạnh nhất VTP (230 tỉ đồng), HVN (147 tỉ đồng). Một số cổ phiếu được mua ròng với giá trị từ 10 đến 57 tỉ đồng như QNS, OIL, BCM, MPC, NTC.

Hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên HNX và UPCoM tập trung vào hai mã cổ phiếu là VGC và IDC. Đây là hai cổ phiếu liên quan đến giao dịch thoái vốn của nhóm quỹ Dragon Capital. Được biết, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã bán ra 28,1 triệu cổ phiếu IDC trong phiên giao dịch ngày 22/2 với mức giá 21.500 đồng/cp. Sau giao dịch, nhóm quỹ này thu về hơn 604 tỉ đồng. Về cổ phiếu của Viglacera, phiên giao dịch ngày 26/2, nhóm Dragon Capital đã bán ra 27 triệu cổ phiếu VGC tại mức giá 20.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị thu về 540 tỷ đồng.

Tổng hợp lại, trong quý I, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 4.700 tỉ đồng (tương đương 204 triệu USD) trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, so với một số thị trường khác trong khu vực, khối ngoại mua ròng ở thị trường chứng khoán Việt Nam có sự yếu hơn. Cụ thể, giá trị mua ròng tại một số thị trường như Indonesia (844 triệu USD), Philippines (623 triệu USD), Thái Lan 407 triệu USD). Ngược lại, khối ngoại bán ròng khoảng 328 triệu USD tại thị trường Malaysia.

Phan Quân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.