|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khối ngoại bán ròng tháng thứ 4 liên tiếp, tập trung xả SSI, VPB cùng loạt cổ phiếu bluechips

07:34 | 02/12/2021
Chia sẻ
Giữa lúc thị trường vươn lên vùng đỉnh mới, dòng vôn ngoại vẫn miệt mài rút ròng trong tháng thứ 4 liên tiếp với quy mô hơn 8.600 tỷ đồng. SSI, VPB dẫn đầu về giá trị rút vốn ròng trong tháng 11, theo sau bởi danh mục cổ phiếu gồm HPG, NLG, PAN.

Khối ngoại có tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp, xả hơn 2,3 tỷ USD kể từ đầu năm

Trong tháng 11, thị trường chứng khoán Việt nam tiếp tục ghi nhận bước tiến dài khi có lúc bứt phá khỏi ngưỡng 1.500 điểm. Mặc dù vậy, áp lực điều chỉnh đã xuất hiện trở lại trong những phiên cuối tháng trước lo ngại về biến thể COVID-19 mới.

Đóng cửa tháng 11, VN-Index vẫn tăng 34,17 điểm, tương đương 2,37%, lên mức 1.478,44 điểm. Hai chỉ số của sàn HNX và thị trường UPCoM cũng tăng lần lượt 11,14% và 8,27% so với phiên đầu tháng.

Đồng thuận với đà tăng của chỉ số, thanh khoản tại HOSE được cải thiện tích cực khi tăng 53,6% so với tháng trước đó và tăng 64% so với mức trung bình cả năm. Đà tăng điểm của thị trường chứng khoán trong tháng 11 phần lớn đến từ việc các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán đồng loạt nhuộm sắc xanh trước lực đẩy mạnh mẽ từ dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường.

Tuy vậy, điểm kém tích cực giữa lúc các chỉ số đồng loạt vươn lên vùng đỉnh mới là dòng vốn ngoại vẫn "miệt mài" rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng vừa qua.

Thống kê trên tràn HOSE, khối ngoại bán ròng 8.677 tỷ đồng trong tháng 11, tăng hơn 65% so với tháng 10. Trong đó, nhóm dịch vụ tài chính bị bán ròng mạnh nhất với hơn 3.307 tỷ đồng. Theo sau, nhóm kim loại bị bán ròng với giá trị 1.978 tỷ đồng, còn các cổ phiếu bất động sản bị xả ròng 1.831 tỷ đồng.

Tương tự diễn biến trên sàn HOSE, khối ngoại đẩy mạnh quy mô rút ròng lên gần 420 tỷ đồng tại HNX trong tháng vừa qua. Ngược lại, thị trường UPCoM ghi nhận giao dịch tích cực hơn khi nhóm này quay lại mua ròng hơn 192 tỷ đồng.

Lũy kế kể từ đầu năm đến hết tháng 11, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 53.870 tỷ đồng (tương đương 2,3 tỷ USD) trên sàn HOSE. Giá trị rút ròng trên HNX và UPCoM lần lượt là 581 tỷ đồng 1.602 tỷ đồng.

Cổ phiếu nào được khối ngoại mua bán mạnh nhất trong tháng 11?

Trở lại xu hướng dòng vốn ngoại trong tháng 11 tại HOSE, nhóm này có động thái rút ròng khỏi hầu hết các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường. Chiều ngược lại, khối ngoại chỉ mua gom nhẹ các chứng chỉ quỹ đầu tư (418 tỷ đồng), cổ phiếu ngành bán lẻ (380 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng (274 tỷ đồng).

Khối ngoại bán ròng trong tháng thứ 4 liên tiếp, tập trung xả SSI, VPB cùng loạt cổ phiếu bluechips - Ảnh 1.

10 cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng nhiều nhất trên sàn HOSE. (Ảnh: Thảo Bùi).

Xét giao dịch theo từng cổ phiếu, SSI của Chứng khoán SSI dẫn đầu trong top 10 cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất với giá trị vượt 2.000 tỷ đồng trong tháng 11.

Nối tiếp, nhóm này cũng rút ròng mạnh khỏi cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với quy mô 1.989 tỷ đồng, theo sau bởi HPG của Hòa Phát khi tiếp tục bị xả ròng 1.305 tỷ đồng.

Dòng vốn ngoại có động thái rút ròng nhẹ hơn khỏi NLG và PAN với giá trị lần lượt là 909 tỷ đồng và 849 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh trong tháng 11 còn có NVL (800 tỷ đồng) và VIC (695 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhóm 10 mã bị bán mạnh nhất còn có VND, HCM, HSG với giá trị hàng trăm tỷ đồng.

Chiều ngược lại, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được mua vào mạnh nhất, đạt giá trị 1.150 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu duy nhất được khối ngoại mua vào với giá trị trên 1.000 tỷ đồng trong tháng qua.

Mặc dù bán ròng VIC, khối ngoại lại có động thái rót ròng 750 tỷ đồng mua gom cổ phiếu VHM của Vinhomes. Cũng thuộc nhóm ngân hàng, cổ phiếu của một số nhà băng như STB, VCB, MSB ghi nhận giá trị mua ròng lần lượt đạt 553 tỷ, 536 tỷ và 320 tỷ đồng.

Top10 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF dẫn đầu danh mục thu hút lực cầu trong tháng 11 của khối ngoại còn có FUEVFVND, DGW, GAS, KBC, KDC...

Khối ngoại - Ảnh 2.

10 cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng nhiều nhất trên sàn HNX. (Ảnh: Thảo Bùi).

Tại sàn HNX, cổ phiếu CEO là mã đóng góp phần lớn giá trị bán ròng với hơn 350 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những cái tên có mức tăng lớn nhất tại HNX, lên đến 229% chỉ trong tháng 11.

Nối tiếp, hai cổ phiếu PVS và HUT bị xả ròng lần lượt 65,9 tỷ đồng và 45,6 tỷ đồng. Các mã khác bị bán ròng nhẹ hơn còn có IVS, NVB.

Ở chiều mua, SHS là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất, đạt trên 82 tỷ đồng. Theo sau, khối ngoại chỉ mua ròng dưới 50 tỷ đồng các cổ phiếu như THD, PVI, BCC, BAX...

Khối ngoại - Ảnh 3.

10 cổ phiếu được khối ngoại mua/bán ròng nhiều nhất trên thị trường UPCoM. (Ảnh: Thảo Bùi).

Tại thị trường UPCoM, hai cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi và NTC của Khu công nghiệp Nam Tân Uyên thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại khi được mua ròng lần lượt 111 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như CTR (49 tỷ đồng), IDP (48,6 tỷ đồng), ACV (25,5 tỷ đồng)...

Chiều ngược lại, cổ phiếu HHV của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả dẫn đầu danh mục bán ròng tại UPCoM với giá trị 109 tỷ đồng. Các mã khác bị bán ròng dưới 50 tỷ đồng có VEA, LTG, theo sau bởi lực xả khiêm tốn hơn tại các mã RGC, HTG...

Thảo Bùi

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến bằng 75% hàng không là đắt hay rẻ?
Không phải mất thời gian di chuyển đến sân bay, chờ cất hạ cánh mà chỉ vẫn làm việc bình thường trên tàu điện nhờ có kết nối internet là lợi ích vượt trội đường sắt cao tốc. Vì vậy, giá vé đường sắt cao tốc dù cao vẫn có thể cạnh tranh được với hàng không.