|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khởi nghiệp với tư duy của một hacker

08:21 | 01/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016, dự án DesignBold gây tiếng vang lớn ở Việt Nam và thế giới. Chưa đến bảy ngày ra mắt, DesignBold - một ứng dụng thiết kế của người Việt đã đạt được doanh thu hơn 80.000 USD.

Là dân “ngoại đạo” nhưng Đinh Viết Hùng lại gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) - ngành vốn dĩ không dễ cho các startup.

“Dân ngoại đạo IT” khởi nghiệp

“Dễ dàng nhận thấy làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT đang rất nóng. Nhưng thật sự hệ sinh thái khởi nghiệp CNTT của Việt Nam vẫn còn đang thiếu rất nhiều mắt xích quan trọng. Trong đó, kinh nghiệm thực tế và tính đột phá trong sản phẩm là hai điều đặc biệt dễ cảm nhận được. Tư tưởng của cộng đồng đã thoáng và cởi mở hơn trước rất nhiều. Người Việt đã sẵn sàng khởi nghiệp, ủng hộ khởi nghiệp và trải nghiệm những sản phẩm mới hơn. Tuy nhiên, năm 2016 startup Việt Nam phát triển chủ yếu theo chiều rộng mà thiếu đi chiều sâu. Những startup thực sự tạo ra doanh thu thực, khách hàng thực… chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các bạn khởi nghiệp vẫn chưa có được chất xúc tác đủ lớn để đem lại những sản phẩm tốt nhất. Giá trị mà các startup đem lại cho xã hội, cộng đồng còn khá khiêm tốn” - chia sẻ của anh Đinh Viết Hùng, CEO JoomlArt, cha đẻ của dự án DesignBold.

Năm 2005 Đinh Viết Hùng rời bỏ công việc ổn định, mức thu nhập cao để thành lập Công ty Joom Solutions (JS), hoạt động trong mảng gia công CNTT (outsourcing IT). Ngành này vốn dĩ trước đó với anh chẳng chút liên quan. “Tôi biết nhiều người có cách nhìn khác về tôi, gọi tôi là khác người. Nhưng bất kỳ hình thức kinh doanh nào, những nhà lãnh đạo cũng cần có một tư duy khác biệt. Cũng giống như chúng ta không thể đoán trước tương lai nhưng chúng ta có thể tạo ra nó”.

Anh chia sẻ thêm: “Vì là “dân ngoại đạo” nên tư duy của tôi hơi khác so với các bạn làm startup xuất phát từ khối CNTT. Tôi cho rằng để hình thành một startup không nhất thiết phải biết lập trình nhưng cần có tư duy của một hacker”. Đó cũng là lý do mà trong suốt hơn 10 năm qua, anh luôn dành hàng ngàn giờ đọc và nghiên cứu các bài viết trên Quora, Stackoverflow, HackerNews để trau dồi cho mình thói quen, suy nghĩ và cách đặt vấn đề theo tư duy của một hacker hơn là một entrepreneur.

Xuất phát điểm ngoài ngành đã cho Hùng một góc nhìn khác về chính sản phẩm mà anh làm ra. “Tôi sẽ nhìn và hiểu sản phẩm của mình dưới con mắt của người dùng chứ không phải một người lập trình ra nó. Tôi tin rằng để đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho cộng đồng thì bản thân tôi cũng sử dụng được sản phẩm mình làm ra đã là một điểm cộng”.

Anh Đinh Viết Hùng (người ngồi thứ hai từ trái qua): Cơ hội không hẳn chỉ mang tính chất may mắn. Để có được cơ hội, mỗi chúng ta đều đã phải trả giá theo một cách nào đó. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chẳng có con đường nào bằng phẳng

Hỏi Hùng liệu có hay không cái giá phải trả cho một startup ngoài ngành, khá thẳng thắn, Hùng chia sẻ: “Không có con đường nào là bằng phẳng trong giới startup. Chẳng qua chúng tôi là những người tâm niệm mình đang mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm mới và đem lại hướng thay đổi tích cực cho cộng đồng. Việc này cũng giống như tìm đường giữa một khu rừng lớn”.

Thế mới thấy startup như một cuộc chạy việt dã mà các sáng lập viên gần như không có khái niệm về đích. Đặc biệt, với một startup công nghệ lại càng không tồn tại khái niệm này. Bởi lẽ họ luôn phải làm mới chính mình, làm mới sản phẩm, nắm bắt các xu hướng đang và sẽ xuất hiện trên toàn cầu… Dừng lại đồng nghĩa với việc họ chấp nhận thua cuộc vì xã hội làm gì có chuyện dừng lại để chờ đợi ai.

Lão Tử có nói: “Hiểu người là khôn, hiểu được mình mới là khôn thật sự”. Tôi nhận thấy Hùng là người rất hiểu mình muốn gì và cần gì. Phải chăng con đường khởi nghiệp của anh cũng khá bằng phẳng? “Những ngày đầu thành lập JoomlArt đối với tôi rất gian nan. Năm 2005-2006, nhận 314 USD tiền thanh toán của khách hàng nước ngoài về Việt Nam là cả vấn đề, chúng tôi phải trả lời rất nhiều câu hỏi mới được nhận số tiền vốn dĩ là của mình. Hồi đó, sản phẩm mình làm ra, để bán được ở thị trường nước ngoài, tôi phải nhờ một người bạn Mỹ đứng ra làm đại diện, họ mở tài khoản, họ nói chuyện với khách hàng nước ngoài, họ nhận tiền và chuyển cho mình sau. Giờ đây mọi việc đã đơn giản hơn rất nhiều cho các bạn khởi nghiệp. Nhưng mỗi khó khăn đều mang những giá trị riêng của nó” - Đinh Hùng nhớ lại.

DesignBold không chỉ là một hiện tượng

Trở lại với DesignBold, sản phẩm đang gây bão trong thời gian qua, chỉ chưa đến bảy ngày ra mắt, dự án đã đạt được doanh thu hơn 80.000 USD. Khá lạ ở chỗ khi nói về “hiện tượng DesignBold” của mình, Hùng lại khá cẩn trọng. “Thành thực mà nói, hiện tại tôi chưa thể hài lòng với DesignBold. Nói như vậy không phải vì DesignBold là một sản phẩm kém, những nền móng đầu tiên mà DesignBold đạt được trong thời gian qua đã là đáng kể so với một tên tuổi mới trong cộng đồng khởi nghiệp. Nhưng DesignBold vẫn đang còn rất nhiều “đất” để phát triển trong tương lai, rất nhiều phương án để “nâng cấp” trải nghiệm của người dùng. Tôi cảm thấy sẽ rất khó để dùng từ hài lòng khi bản thân mình còn cảm thấy tính năng của DesignBold vẫn còn cần tinh chỉnh thêm để đảm bảo một trải nghiệm thiết kế đồ họa có tính đột phá cho người sử dụng” - Hùng chia sẻ thêm về dự án.

Việt Nam có gần 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng bốn triệu hộ làm ăn cá thể, Ngân hàng Thế giới năm 2015 ước tính trên thế giới có khoảng 455 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tất cả đều có thể là khách hàng của DesignBold trong tương lai gần và khá nhiều tính năng độc đáo khác sẽ được nâng cấp ngay trong năm sau.

Hiện tại thị trường chính mà DesignBold hướng đến vẫn ưu tiên là Mỹ nên Design Bold sẽ chú trọng đưa vào mô hình kết nối những người làm thiết kế với khách hàng trên toàn thế giới, giúp khách hàng có được sản phẩm thiết kế trong thời gian ngắn, đồng thời cũng tạo sàn giao dịch cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.

Nói thêm về mục tiêu sắp tới, anh hào hứng: “Tới đây, Design Bold còn tung ra một chiêu nữa là liên kết với các nhà in địa phương để cung cấp cho người sử dụng một vòng khép kín: Thiết kế trên DesignBold được gửi thẳng đến nhà in một cách thuận tiện với giá tốt nhất và sản phẩm in sẽ được đem tới tận nơi khách hàng yêu cầu. Qua đó, khách hàng chỉ cần vài click chuột là đã có thể hoàn thành cả một quá trình từ thiết kế tới việc ra nhà in vốn mất nhiều thời gian theo cách cũ”.

Nếu được chọn lại con đường khởi nghiệp, anh sẽ giữ điều gì và thay đổi điều gì? “Có rất nhiều điều bạn cảm thấy làm như vậy là chưa hoàn hảo, là chưa tốt. Tôi cho rằng từ những điều chưa hoàn hảo đó, tôi sẽ biết được rằng đâu sẽ là lựa chọn đúng đắn nhất, thất bại luôn cho ta bài học. Trên con đường startup đã đi, có những lựa chọn đem lại cho tôi thành công, cũng có lựa chọn đã cho tôi trải nghiệm những bài học cay đắng nhưng nếu chọn lại có lẽ tôi sẽ vẫn giữ vững con đường mình đã đi. Khởi nghiệp nếu không dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm những thời khắc đó thì có lẽ sẽ còn rất lâu nữa tôi mới có được chỗ đứng như ngày hôm nay” - Hùng cho biết.

Tranh Quỳnh