|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khốc liệt thị trường bán lẻ có quy mô hơn 160 tỉ đô la

04:29 | 30/01/2020
Chia sẻ
Với mức tăng trưởng 2 con số trong 5 năm vừa qua, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có bước phát triển ấn tượng trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên cạnh tranh của thị trường có quy mô hơn 160 tỉ đô la Mỹ này được cho là ngày càng khốc liệt với nhiều doanh rời bỏ cuộc chơi.
Khốc liệt thị trường bán lẻ có quy mô hơn 160 tỉ đô la - Ảnh 1.

Doanh số thị trường bán lẻ hàng hóa từ năm 2015 đến năm 2019. Ảnh: Lê Hoàng

Thị trường tăng trưởng quy mô vượt dự báo

Kể từ mốc doanh số hơn 100 tỉ đô la vào năm 2014 (103 tỉ đô la), thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam 5 năm sau đó tiếp tục phình to với mức tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Năm 2019 ghi mốc kỷ lục đạt 3.751,3 ngàn tỉ đồng (tương đương 161,7 tỉ đô la Mỹ - quy đổi), tức tăng gần 18,9 tỉ đô la so với năm 2018.

Như vậy so với năm liền kề trước đó, thị trường bán lẻ hàng hóa năm qua tăng đến 12,7%, một mức tăng khá cao so với những năm trước đó. Cụ thể kết thúc năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa Việt Nam ước tính đạt 3.306,1 ngàn tỉ đồng (tương đương 142,8 tỉ đô la), tăng 12,4% so với năm trước. 

Năm 2017 đạt mốc 129,56 tỉ đô la, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Năm 2016 doanh thu bán lẻ đạt khoảng 118 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,2% so với năm 2015 (gần 110 tỉ đô la Mỹ).

Đây được xem là một bước tăng trưởng khá ngoạn mục, vượt xa dự đoán của các công ty nghiên cứu thị trường trước đó. Cụ thể, khoảng 5 năm trước, Deloitte dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2016 mới đạt được gần mốc 100 tỉ đô la Mỹ và phải đến năm 2017 mới đạt được 109 tỉ đô la Mỹ. 

Tuy nhiên với những kết quả như hiện tại, thị trường bán lẻ trong nước đang tăng trưởng nhanh và có quy mô doanh số vượt trội so với dự báo của nhiều nhà bán lẻ và các công ty tư vấn quốc tế đánh giá.

Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam tiếp tục là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng. Và nếu duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao này thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam có thể cán được mốc 200 tỉ đô la.

Khốc liệt thị trường bán lẻ có quy mô hơn 160 tỉ đô la - Ảnh 2.

Chuỗi Auchan (Pháp) đã phải chuyển nhượng 18 điểm bán của mình cho Saigon Co.op, rút khỏi thị trường Việt Nam. Ảnh: Hùng Lê

Cục diện M&A xoay chuyển

Thị trường bán lẻ Việt Nam lớn nhanh  được xem là mãnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp ngoại tiến hành chiến lược mở rộng thông qua các thương vụ thâu tóm. Trong nhiều năm qua, thị trường này chứng kiến nhiều thương vụ đình đám có giá trị lên đến cả tỉ đô la Mỹ mà bên "kích hoạt" đều là các doanh nghiệp ngoại. 

Có thể kể đến là thương vụ Central Group (Thái Lan) chi hơn một tỉ đô la để sở hữu chuỗi bán lẻ Big C năm 2016. Hay Berli Jucker (BJC) một tập đoàn khác cũng đến từ Thái Lan đã mua lại hệ thống siêu thị Metro từ tay một doanh nghiệp Đức để tham gia vào mảng bán buôn ở thị trường Việt Nam...

Tuy nhiên bước sang 2019, cục diện giao dịch M&A thị trường bán lẻ được xoay chuyển khi dòng vốn được doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt. Trong đó Saigon Co.op nhận tiếp quản hệ thống 18 siêu thị mang thương hiệu Auchan của một nhà bán lẻ Pháp sau khi đơn vị này rời đi. Giữa năm 2019, liên doanh giữa Tập đoàn Sơn Kim (nắm 70%) và GS Retail - nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc (30%) cũng mua lại 49 cửa hàng thuộc chuỗi Zakka Mart.

Hay Công ty Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ hồi tháng 4 đã nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Shop&Go. Chưa đầy nửa năm sau đó, 8 siêu thị thuộc hệ thống Queenland Mart cũng chuyển thành siêu thị VinMart.

Đình đám nhất vẫn là thương vụ Vingroup và Tập đoàn Masan thỏa thuận sáp nhập VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp (VinEco) vào Công ty Hàng tiêu dùng Masan cuối năm ngo. Ngoài mảng sản xuất, công ty mới sở hữu mạng lưới 122 siêu thị VinMart và 2.600 cửa hàng VinMart + tại 50 tỉnh thành.

Điều này hoàn toàn trái ngược với dự báo của các chuyên gia ở thời điểm 10 năm trước, khi Việt Nam mở cửa thị trường, một số ý kiến lo ngại sẽ đe dọa hệ thống phân phối bán lẻ nội địa còn non trẻ. Một số người còn lo doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống và kinh nghiệm thương trường dễ giành được phần thắng. Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng những năm gần đây đã xóa tan những lo ngại này.

Bán lẻ ngoại có thoái lui?

Tuy nhiên, theo giới phân tích việc một số thương hiệu bán lẻ nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam trong thời gian qua, đáng chú ý là vào năm 2019 rồi như chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go, chuỗi siêu thị Auchan (Pháp),... được cho là do mô hình kinh doanh chưa phù hợp hoặc nhà đầu tư các chuỗi này chưa thích nghi, thay đổi cho phù hợp với tình hình, thị hiếu tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh hiện nay.

Bởi trên thực tế thị trường tiêu dùng Việt Nam chuẩn bị đón các chuỗi bán lẻ ngoại mới gia nhập thị trường này. Tập đoàn bán lẻ BGF công bố sẽ nhảy vào thị trường Việt Nam bằng việc mở cửa hàng tiện lợi đầu tiên với thương hiệu CU (Hàn Quốc) vào giữa năm 2020.

Trong khi đó, sớm hơn là Ryohin Keikaku, công ty mẹ của thương hiệu bán lẻ Nhật Bản Muji, đang gấp rút để tham gia vào thị trường Việt Nam trong năm nay. Chuỗi cửa hàng bán lẻ này nổi tiếng bởi đa dạng các loại sản phẩm từ đồ gia dụng, nội thất cho đến quần áo, mỹ phẩm... 

Chia sẻ về kế hoạch này, lãnh đạo Keikaku cho rằng Việt Nam là thị trường trọng điểm tại Đông Nam Á với dân số đông thứ ba và kinh tế đang tăng trưởng, ở mức 7,1% trong năm 2018.

Cùng với Muji và CU, các thương hiệu nổi tiếng ngành thời trang, mỹ phẩm, F&B và giải trí như JD, Champion, Sephora, Hakwer Chan, Din Tai Fung, SM Entertainment hứa hẹn cũng sẽ sớm có mặt tại Việt Nam trong năm nay hoặc năm tới.

Trong khi đó, những nhà bán lẻ đang hoạt động như Aeon, Central Group, E-mart hay các chuỗi cửa hàng tiện lợi như MiniStop, Family Mart, 7-Eleven, GS25... không ngừng mở rộng điểm bán.

Theo đánh giá của giới phân tích, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực, mang trong mình tiềm năng phát triển của một thị trường bán lẻ còn non trẻ, thu nhập người dân đang tăng lên,... sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư cũng như bán lẻ trong khu vực và cả thế giới.

Trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ năm 2020 của công ty Chứng khoán VCBS, khi nhìn lại năm 2019 cũng nhìn nhận thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tăng trưởng chính đến từ nhóm sản phẩm văn hóa - giáo dục, thực phẩm và gia dụng.

Khốc liệt thị trường bán lẻ có quy mô hơn 160 tỉ đô la - Ảnh 3.

Mô hình cửa hàng tiện lợi đang phát triển nhanh, nhưng để tồn tại nhà đầu tư phải điều chỉnh theo xu hướng tiêu dùng địa phương. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Với kết quả tăng trưởng của năm 2019 cho thấy thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định và là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ nước ngoài, bởi lẻ nhiều nước trên thế giới trong những năm qua luôn trong tình trạng bảo hòa hoặc có dấu hiệu sụt giảm.

Do đó, giới phân tích dự báo thị trường trong thời gian tới sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn đòi hỏi chủ các kênh thương mại hiện đại (hệ thống đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh...) phải thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với xu thế tiêu dùng. Bởi nếu không sớm chuyển đổi theo xu thế hoặc thực hiện chuyển đổi số, họ sẽ bị kênh thương mại điện tử xâm lấn, giành mất thị phần và biến thành truyền thống, đúng như cách bán lẻ hiện đại đã và đang làm với chợ.

Đơn cử như mô hình siêu thị đơn thuần hay siêu thị tổng hợp đứng riêng lẻ một mình đã phát triển mạnh ở các thành phố lớn và một số tỉnh thành, tuy nhiên, hơn ba năm nay, mô hình này được đánh giá không còn phù hợp.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng đang có xu hướng đến các trung tâm thương mại (TTTM) theo mô hình “one-stop shopping” (cung cấp tất cả dịch vụ tại một điểm đến). Mô hình này đáp ứng đầy đủ các loại nhu cầu, tiện ích, từ mua sắm đến ăn uống, vui chơi, xem phim, tập thể dục, học tập...; đồng thời kích thích được sức mua, mở rộng được nhóm khách hàng cho nhà kinh doanh. 

Trên thực tế, trong những năm qua, các nhà bán lẻ có mô hình kinh doanh tương tự Auchan vào Việt Nam đều chọn đứng trong các TTTM “one-stop shopping, chứ không đứng riêng lẻ một mình.

Đơn cử như trường hợp chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go phải rút khỏi thị trường vì vì xoay chuyển không kịp với mức độ tiến hóa của thị trường và người tiêu dùng.  

Trong năm năm gần đây, khi mô hình này được nhiều người tiêu dùng chấp nhận thì hàng loạt chuỗi cửa hàng mới nhảy vào với chiến lược phát triển nhanh điểm bán, đáp ứng khá tốt nhu cầu của khách, cung cấp wifi miễn phí, có không gian cho khách ăn uống tại chỗ, phục vụ cả bữa trưa và tối cũng như tạo sự khác biệt bằng những món ẩm thực và thức uống riêng. Trong khi đó, các cửa hàng Shop&Go vốn nhỏ hẹp, khó mở rộng không gian cung cấp dịch vụ tại chỗ cho khách,...

Hùng Lê

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.