|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khó thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm TP HCM

06:49 | 13/11/2024
Chia sẻ
Tỷ lệ lấp đầy gần 100%, không có nguồn cung mới trong khi nhu cầu thuê cao khiến mặt bằng bán lẻ ở trung tâm TP HCM ngày càng khan hiếm.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy hầu hết trung tâm thương mại lâu năm trên địa bàn quận 1 như Saigon Center, Parkson Lê Thánh Tôn, Vincom, Diamond Plaza... đều trong trạng thái lấp đầy gần 100% khách thuê. Một số nơi còn vài chỗ trống thì có diện tích thuê nhỏ, vị trí tầng hầm hay khu vực tầng cao.

Đại diện một thương hiệu F&B nổi tiếng tại TP HCM cho biết có kế hoạch mở thêm một cửa hàng tại trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi và mở rộng diện tích thuê tại một địa điểm trên đường Lê Lợi. Tuy nhiên, cả hai nơi này đều không đáp ứng yêu cầu về diện tích thuê.

"Chúng tôi cần mở rộng không gian kinh doanh nhưng đang gặp khó với các dự án ở trung tâm quận 1", đại diện doanh nghiệp cho hay.

Tương tự, một thương hiệu cà phê lớn mới đây cũng phải thay đổi kế hoạch kinh doanh vì không tìm được mặt bằng thuê phù hợp. "Các trung tâm thương mại ở khu vực đắc địa hiện rất khó tìm mặt bằng. Chúng tôi cần thuê nơi rộng rãi nhưng phần lớn đều kín chỗ", đại diện chuỗi cà phê nói.

Trung tâm thương mại Diamond Plaza quận 1, TP HCM. (Ảnh: Phong Anh).

Báo cáo thị trường mới đây của Công ty tư vấn bất động sản Avison Young Việt Nam cũng cho thấy khối đế bán lẻ tại các khách sạn lớn ở quận 1 như Rex Arcade, MPlaza Saigon, Times Square, Terra Royal... đang có tỷ lệ lấp đầy là 100%, không còn mặt bằng trống. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các trung tâm thương mại cao cấp như Diamond Plaza, Saigon Center, Vincom Center Đồng Khởi...

Theo đơn vị này, tổng nguồn cung bán lẻ của TP HCM đến hết quý III đạt gần 1,5 triệu m2, trong đó 75% ở khu vực ngoại thành. Khu trung tâm (quận 1) không có nguồn cung mới.

Số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE cũng chỉ ra ba năm qua, khu CBD TP HCM (khu trung tâm hành chính, thương mại) không có dự án bán lẻ mới nào triển khai. Tính đến tháng 10, tổng diện tích bán lẻ của thành phố vào khoảng 1,2 triệu m2, trong đó khu trung tâm chiếm chưa đến 10% nguồn cung.

Ít chịu sự cạnh tranh về nguồn cung trong khi danh sách khách chờ thuê từ nhóm "hàng hiệu" lại khá đông, điều này khiến các chủ đầu tư dự án bán lẻ khu vực trung tâm thành phố luôn tự tin neo giá cao.

Theo Avison Young, quý vừa qua, giá thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm quận 1 khoảng 275-300 USD mỗi m2 một tháng (tương đương 7 triệu đồng mỗi m2). Còn số liệu của Savills cho rằng giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của trung tâm thương mại trọng điểm khu quận 1, quận 3 đang ở mức 230 USD mỗi m2 một tháng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về sức hút của các trung tâm thương mại, ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, cho biết các nơi này luôn là điểm đến được lựa chọn đầu tiên của nhiều nhãn hàng danh tiếng khi đặt chân vào thị trường TP HCM. Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu để có được không gian tại khu vực trung tâm rất khốc liệt, hầu như đều phải đăng ký khá lâu để có chỗ thuê.

Ông David Jackson dẫn chứng, mới đây thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cao cấp là Longchamp, Lush và thương hiệu đồ chơi Popmart đều cùng chọn một trung tâm thương mại ở quận 1 để mở cửa hàng đầu tiên dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn hơn tại các dự án ngoại thành.

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Phương Mai, Trưởng phòng dịch vụ mặt bằng bán lẻ CBRE Việt Nam, nhận định khu CBD nói riêng và TP HCM nói chung đều thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung bán lẻ. Nhiều năm qua, thành phố hầu như không có dự án mới và chỉ cải thiện phần nào trong năm nay.

Riêng khu vực quận 1 không có dự án mới nào. Quỹ đất để phát triển dự án ở đây cũng đã cạn dần nên tình trạng khan hiếm sẽ còn tiếp diễn. Sắp tới chỉ có 1-2 khối đế đưa vào vận hành và phần lớn đều đã có khách đặt thuê trước. Vì vậy sẽ ngày càng khó tìm thuê một mặt bằng bán lẻ tại khu vực quận 1, ngay cả các khu lân cận như trung tâm quận 7, quận 3 cũng không còn dễ kiếm.

Mặc dù thị trường bán lẻ trung tâm TP HCM đang được hưởng lợi từ nguồn cung khan hiếm, bà Võ Thị Phương Mai nhìn nhận việc thiếu dự án mới đang khiến các mặt bằng bán lẻ này có tính trải nghiệm kém hơn so với những dự án mới triển khai.

Nhiều thương hiệu lớn về mảng thời trang, ẩm thực, phong cách sống đang bắt đầu dịch chuyển dần ra các dự án ở vùng ngoại thành, nơi đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng thuê diện tích lớn nhằm tăng tính trải nghiệm cho khách hàng.

Dự báo về giá thuê bất động sản bán lẻ thời gian tới, bà Mai cho rằng vẫn khó giảm vì nguồn cung không có sự cải thiện trong khi các thương hiệu lớn có kế hoạch tham gia vào thị trường Việt Nam vẫn muốn giữ chỗ ở những nơi đắc địa. Dẫu vậy, theo bà, mức giá không tăng quá nhiều do thị trường đã ở ngưỡng bão hòa và ngành bán lẻ đang đối mặt với nhiều thách thức.

Phương Uyên

Nghiên cứu giảm thuế phí năm 2025, kéo dài thời gian giảm 2% VAT đến tháng 6/2025
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm tổng kết, đánh giá, đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025, nhất là việc tiếp tục gia hạn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025.