'Khó thu hút đầu tư nước ngoài với tư duy quản lý vốn công'
Nội dung được Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nêu tại phiên họp Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 chiều 27/8, khi đề cập những rào cản khi thu hút nhà đầu tư chiến lược, huy động vốn cho dự án trên địa bàn.
Nghị quyết 98 về thí điểm 44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM. Sau một năm, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội như hỗ trợ cho vay giảm nghèo, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, người lao động; thành lập sở an toàn thực phẩm; lãnh đạo huyện, xã đông dân...
Tuy nhiên, nhiều chính sách vẫn còn chậm, đặc biệt các chính sách về huy động nguồn lực giúp thành phố phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh như: chính sách thí điểm TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông), ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược...
Theo ông Hoan, các chính sách chỉ mới khâu đầu tiên, chưa khơi gợi thu hút được các giá trị cụ thể. "Các giải pháp đưa ra là để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, tư nhân nhưng cơ chế chính sách lại quản lý theo kiểu đầu tư công thì doanh nghiệp không tham gia được", ông Hoan nói và dẫn ví dụ bệnh viện tự chủ tài chính, vốn công chỉ một đồng, 99 đồng của tư nhân nhưng cách quản lý 100 đồng đó theo kiểu công. Bệnh viện tự chủ hết, tạo ra giá trị, chăm lo đời sống cho nhân viên nhưng muốn nâng cấp, sửa chữa, thêm biên chế một phó giám đốc cũng phải xin ý kiến như vốn đầu tư công.
Phó chủ tịch TP HCM cho hay khi xây dựng các chính sách kêu gọi nhà đầu tư nên để doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu. Ví dụ TP HCM muốn làm một cây cầu nên mời doanh nghiệp tham gia từ khi lên ý tưởng, thiết kế... để có được sản phẩm tốt nhất, phù hợp với khả năng đầu tư sẽ hiệu quả hơn là thành phố có sẵn mọi thứ chỉ thiếu vốn rồi mời gọi.
Một ví dụ khác được lãnh đạo UBND thành phố đưa ra là gói kích cầu cơ chế quản lý vẫn không khác gì 10-15 năm trước khi chính sách mới ra đời. Hàng tháng, hàng quý, hàng năm doanh nghiệp phải báo cáo, đặt yêu cầu, bổ sung thêm thì mới làm còn không báo cáo, không bổ sung thì không làm.
"Bị quản lý như thế thì sắp tới cũng chẳng có dự án nào tham gia, nghe nói kích cầu nhưng doanh nghiệp không ai muốn kích", ông Hoan nói.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng tốc độ điều chỉnh, thay đổi cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược chậm thì doanh nghiệp sẽ đi hết. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước đang có nhiều chính sách thu hút các doanh nghiệp đến đặt nhà máy.
Ông Vũ nêu nước Đức hỗ trợ 5 tỷ USD và EU miễn trừ các quy tắc về trợ cấp nhà nước để thu hút "gã khổng lồ" sản xuất chip TSMC đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Việc này giúp mở nhà máy chuyên làm chất bán dẫn cho ngành công nghiệp ôtô đang trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất xe điện.
"Các chính sách phải được điều chỉnh nhanh để thu hút được nhà đầu tư trong cuộc cạnh tranh này", ông Vũ nói. Theo ông, trong bối cảnh bộ máy của TP HCM đang quá tải và dự án mới theo cơ chế đặc thù lại khó sẽ là thách thức. Do đó, việc có một "bộ máy chuyên trách 98" cho các vấn đề mới, sáng tạo, huy động được chuyên gia, tư vấn sẽ giúp thành phố thuận lợi hơn.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng Nghị quyết 98 được kỳ vọng mở ra cơ chế để thành phố huy động được nguồn lực và tăng cường phân cấp phân quyền, tăng tính chủ động, song "cả hai việc này đều chưa đạt được kết quả như mong muốn".
Hiện, thành phố tập trung xin cơ chế làm các dự án BT, BOT, PPP. Thời gian qua dự án PPP (đối tác công tư) trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao đã thông qua các tiêu chí, danh mục đầu tư. Tổng vốn kêu gọi các dự án này khoảng một tỷ USD nhưng đến giờ gần như chưa triển khai được dự án nào hoàn thiện. Lý do là các sở chuyên ngành và các địa phương còn chậm.
Một vướng mắc nữa được ông Mãi nêu ra là xác định danh mục, lĩnh vực ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược. Trước khi TP HCM trình HĐND thành phố thông qua danh mục phải tham khảo và có sự đồng thuận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Để tháo gỡ và thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư chiến lược vào các dự án, người đứng đầu chính quyền thành phố nói với các dự án BT và BOT, PPP đã có danh mục, cơ bản hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi. Trong tháng 9, thành phố sẽ mở hội nghị tiếp xúc nhà đầu tư và chuẩn bị các bước đầu tư sau đó.
Thành phố đặt mục tiêu ngay trong quý này sẽ gỡ được vướng mắc để có thể thu hút nhà đầu tư cho Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu công nghệ cao...
Theo ông Mãi, một vài doanh nghiệp FDI hoạt động trong ngành điện tử đang muốn mở rộng đầu tư ở thành phố với giá trị vài tỷ USD nếu có chính sách phù hợp. Do đó, thành phố đang tích cực vận dụng Nghị quyết 98, tạo các chính sách đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược để hấp dẫn họ.
Về lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, TP HCM dự kiến sẽ trình HĐND thành phố miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho các trường hợp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/