|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt và tham vọng 'mang chuông đi đánh xứ người'

16:02 | 18/11/2024
Chia sẻ
Xây dựng Hoà Bình, Coteccons, MWG, May Sông Hồng... lần lượt tiến ra thị trường nước ngoài để tìm kiếm thêm cơ hội và đa dạng hoá nguồn thu. Thậm chí, một số đơn vị còn coi việc mở rộng ở thị trường nước ngoài là động lực và chiến lược quan trọng trong dài hạn.

Thời gian gần đây, loạt doanh nghiệp Việt rục rịch đầu tư tại các thị trường nước ngoài khi nhận thấy tiềm năng ở các "sân chơi" mới.

Nhóm xây dựng chinh chiến thị trường nước ngoài

Mới đây, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) đã tổ chức Lễ ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Công ty Glenvill Developments (Australia) nhằm phát triển các dự án bất động sản và mở rộng hoạt động xây dựng tại quốc gia này.

Thông tin từ Tạp chí Công thương, phía Glenvill Developments cho biết sẽ cùng Xây dựng Hòa Bình triển khai các dự án lớn tại Australia, trước mắt là tại dự án YarraBend. Dự án YarraBend là khu dân cư nằm cách Melbourne, thành phố lớn nhất Australia, khoảng 6,5 km.

Tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào tháng 10/2023, Xây dựng Hòa Bình xác định một trong những mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn 2024 – 2028 là tập trung phát triển ở thị trường nước ngoài. Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 2 tỷ USD vào năm 2028, trong đó thị trường nước ngoài chiếm 50%, thị trường dân dụng và công nghiệp trong nước chiếm 50% còn lại. 

Hồi tháng 4, Xây dựng Hoà Bình đã khởi công dự án The Grove Apartments tại California (Mỹ). Ngoài các dự án tiềm năng mà tập đoàn đang tham gia ở nhiều quốc gia, sắp tới đây tập đoàn sẽ triển khai thi công hai dự án hạ tầng lớn ở Campuchia trong năm 2024.

Tháng trước, HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) đã phê duyệt việc thành lập công ty con, văn phòng đại diện, chi nhánh, góp vốn và mua cổ phần doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài. Điều này bao gồm nhưng không giới hạn ở Singapore, Kazakhstan, Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác nhằm thực hiện chiến lược mở rộng thị phần kinh doanh.

Trong buổi trao đổi với nhà đầu tư hồi tháng 9,  ông Trần Ngọc Hải - Giám đốc điều hành Coteccons thông tin, năm 2024 Coteccons cũng có một số chủ đầu tư làm dự án ở nước ngoài và mong muốn Coteccons theo chủ đầu tư làm thầu xây dựng.

Coteccons sẽ không chỉ dừng lại ở các thị trường nước ngoài do chủ đầu tư chỉ định mà tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác. Coteccons đang làm một dự án của VinFast ở Ấn Độ. Đồng thời, Coteccons cũng đang tham gia đấu thầu ở nước ngoài và lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng thời gian tới sẽ có kết quả cụ thể.

Một số dự án Coteccons tự đấu thầu, một số khác doanh nghiệp liên doanh với công ty ở địa phương đó để tham gia. 

Chia sẻ về đóng góp vào doanh thu của công ty, Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov cho biết quy mô các dự án nước ngoài vẫn còn khiêm tốn. Để mở rộng và phát triển ở nước ngoài, Coteccons có thể mất tới 1-2 năm thậm chí lâu hơn.

Tuy nhiên rào cản pháp lý, mô hình kinh doanh, cạnh tranh nội địa là những khó khăn mà các nhà thầu phải đối mặt. Đặc biệt với Xây dựng Hoà Bình, nguồn vốn hạn chế hiện tại tạo ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp thực hiện chiến lược thâm nhập qua M&A.

Mở rộng sân chơi

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cổ đông của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em  - CEO của chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động cho biết, chuỗi EraBlue (tại Indonesia) vừa đạt điểm hòa vốn và bắt đầu mang tiền về MWG.

Ông Hiểu Em dự báo kết thúc năm nay, chuỗi điện máy này sẽ cán mốc 86 cửa hàng và năm sau đặt mục tiêu lên 150 cửa hàng. Theo ông, EraBlue có thể trở thành động lực tăng trưởng mạnh cho MWG trong 3-5 năm tới.

MWG đặt mục tiêu mở rộng EraBlue lên 500 cửa hàng vào năm 2027. Nếu doanh thu mỗi cửa hàng duy trì mức tăng trưởng tốt, EraBlue có thể mang lại doanh thu 1 tỷ USD và trở thành ứng viên tiềm năng cho kế hoạch IPO.

Trong một thông báo đầu tháng 11, Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF) cho biết công ty con - Đồ gỗ Casadora đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư ra Dubai, đánh dấu hướng phát triển chiến lược của TTF sang thị trường Trung Đông với nhiều dự án bất động sản cao cấp.    

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài lần đầu cho Đồ gỗ Casadora vào ngày 5/6 với tên thành lập ở nước ngoài là Belmonte Design Services L.L.C bằng hình thức mua cổ phần của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức đó.

Vốn đầu tư ra nước ngoài là 500.000 USD (hơn 12 tỷ đồng) bằng tiền mặt và là vốn chủ sở hữu. Mục tiêu hoạt động là kinh doanh dịch vụ thiết kế sản phẩm nội thất mang thương hiệu lớn thế giới, mở rộng sự hiện diện thiết kế sản phẩm nội thất tại Việt Nam mang tên các thương hiệu lớn của thế giới ở khu vực Trung Đông.

Gỗ Trường Thành hiện nắm 60% cốn tại Đồ gỗ Casadora.

Tương tự, giữa năm nay, CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) đã phối hợp cùng Giza For Upper Egypt Development (Ai Cập) để thành lập một công ty liên doanh tại nước này. Dự kiến, quá trình sẽ hoàn tất trong năm nay.

Trong báo cáo phân tích, Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng, quyết định đầu tư sang Ai Cập của dự kiến đem lại cơ hội lớn và là bước phát triển mới cho May Sông Hồng khi là công ty thứ 2 của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại đây.

Đơn vị phân tích chỉ ra các lợi thế bao gồm: Chi phí nhân công thấp hơn Việt Nam (đây là yếu tố quan trọng thứ 2 đứng sau yếu tố nguyên vật liệu đầu vào); Hiệp định tự do ký với Israel theo đó miễn thuế 100% hàng xuất từ Ai Cập đi Mỹ; Thời gian vận chuyển đường biển sang Châu Âu và Mỹ ngắn hơn.

Lâm Anh