|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khó nhất vẫn là thủ tục đấu giá nợ xấu

17:38 | 10/11/2016
Chia sẻ
Không thống nhất được giá khởi điểm, khó thu giữ TSĐB là những nút thắt” khi thực hiện bán đấu giá nợ xấu.

Thời gian qua, việc Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đưa vào quy định cho phép Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được bán đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo (TSĐB) của nợ xấu trở thành vấn đề được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, việc có đưa quy định trên vào Luật ĐGTS hay không không phải là yếu tố quyết định đến tiến độ xử lý nợ xấu mà các nút thắt chính vẫn nằm ở sự chồng chéo ở nhiều văn bản luật.

Quyền đương nhiên, không cần luật hóa

Những ý kiến phản đối việc đưa quy định cho phép VAMC được bán đấu giá nợ xấu và TSĐB của nợ xấu vào Luật ĐGTS cho rằng, nếu đưa quy định này vào luật thì VAMC sẽ được trao “đặc quyền vừa đá bóng vừa thổi còi”. Bởi tài sản nợ xấu VAMC đã mua từ các TCTD là tài sản của Nhà nước, không thể để cho một DN được độc quyền tổ chức đấu giá, sẽ dễ dàng dẫn đến các tình huống rủi ro, lợi dụng quyền hạn để thông đồng, dìm giá, gian lận trong quá trình xử lý nợ và không bình đẳng với các tổ chức xử lý nợ khác.

Để thúc đẩy VAMC xử lý các khoản nợ xấu đã mua là gỡ bỏ sự chồng chéo của các luật liên quan

Tuy nhiên, đứng ở góc độ pháp luật, lập luận nói trên không có tính thuyết phục. Bởi thực tế, dù có đưa vào Luật ĐGTS hay không thì với các quy định hiện nay, VAMC đã nghiễm nhiên có quyền được bán đấu giá tài sản đã mua từ các TCTD.

Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, quyền đòi nợ được xem là một loại tài sản được mua bán trong giao dịch dân sự. Bản chất việc mua bán nợ xấu của VAMC là việc mua bán quyền đòi nợ. Do vậy, khi VAMC đã mua nợ xấu từ các TCTD thì DN này hoàn toàn có thể áp dụng Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015 để bán đấu giá tài sản của mình mà không vi phạm pháp luật về dân sự.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 53/2013, VAMC được quyền kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ. Như vậy, sau khi mua nợ, VAMC là chủ sở hữu đối với khoản nợ xấu được mua và VAMC đương nhiên có các quyền của chủ sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, quyền chủ nợ đối với khoản nợ xấu đã mua, trong đó có quyền bán khoản nợ xấu.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 19/2015/TT-NHNN thì TCTD có quyền lựa chọn một trong hai phương thức mua bán nợ đó là thỏa thuận hoặc thông qua bán đấu giá. Vì thế, nếu luật hóa quy định bắt buộc VAMC phải dùng phương thức bán đấu giá để xử lý các khoản nợ xấu và TSĐB mà đơn vị này đã mua từ các TCTD thì vô tình Luật ĐGTS sẽ hạn chế quyền đương nhiên của VAMC và họ không còn được xử lý tài sản theo phương thức thỏa thuận đáng ra đã phù hợp với các quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Nên gỡ từ đầu mối phát mãi

Nhận định rằng, việc đưa quy định bán đấu giá nợ xấu của VAMC vào Luật ĐGTS là không cần thiết như phân tích ở trên, nhiều chuyên gia kinh tế - luật cho rằng công việc chính để thúc đẩy VAMC xử lý các khoản nợ xấu đã mua là gỡ bỏ sự chồng chéo của các luật liên quan đến quá trình xử lý nợ.

Theo Luật sư Trần Quang Vinh (Công ty Luật Tindona), hiện nay Thông tư 18/2014 của Bộ Tư pháp đã hướng dẫn khá chi tiết về thủ tục xử lý TSĐB thông qua bán đấu giá theo cơ chế xử lý của VAMC. Tuy nhiên, do Khoản 3, Điều 4 của Thông tư này quy định rằng: “Trường hợp VAMC tổ chức bán đấu giá TSĐB đối với khoản nợ xấu thì phải đạt được thỏa thuận với bên bảo đảm về giá khởi điểm của tài sản” nên VAMC luôn vấp phải vướng mắc khi đưa ra phương án đấu giá tài sản.

Ông Vinh cho rằng, hầu hết các khoản nợ xấu VAMC đã mua từ các TCTD là những khoản nợ được thế chấp bằng tài sản bất động sản, chủ sở hữu bất động sản này nhiều trường hợp là tài sản thuộc sở hữu của bên thứ 3. Nếu bất cứ chủ sở hữu của TSĐB nào bất hợp tác trong việc thỏa thuận thì VAMC sẽ không thể thực hiện được các quy trình như gửi thông báo hợp lệ, thỏa thuận giá khởi điểm.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch VAMC cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay sở dĩ VAMC mới chỉ xử lý được khoảng 7% trong tổng số gần 25.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua từ các TCTD là vì mặc dù VAMC được phép thu hồi nợ và TSĐB, tuy nhiên thực tế, việc thu hồi nợ sẽ không thể diễn ra nếu không có được sự đồng thuận của khách hàng.

Ngay cả trường hợp VAMC thống nhất được phương án thu hồi với khách hàng thì công tác xác định giá trị TSĐB để đấu giá cũng không dễ thực hiện. Bởi lẽ khách hàng mong muốn xác định giá trị TSĐB phải trả được nợ gốc, nhưng giá trị đấu giá khởi điểm luôn ở mức rất cao so với thực tế.

Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (CTCP Đấu giá Minh Pháp) cho rằng hiện nay đa số các tài sản bán đấu giá (kể cả các tài sản nợ xấu, TSĐB nợ xấu của VAMC) đều dính líu đến các vụ án. Một tài sản đã được đấu giá thành công mà chủ tài sản không bàn giao cho bên trúng đấu giá thì cũng không thể hoàn tất thương vụ.

Dẫn chứng thực tế này, ông Hùng cho rằng, trong năm 2016 vừa qua có khoảng 260 vụ bán đấu giá đã được các đơn vị thực hiện thành công nhưng các chủ tài sản không bàn giao nên không hoàn tất được.

Để cởi mở những nút thắt về đấu giá tài sản, đấu giá nợ xấu, theo ông Hùng trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thiện Luật ĐGTS, Việt Nam cần phải sửa đổi ít nhất 9 luật liên quan, đặc biệt là Luật Thi hành án dân sự với những quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan, quy định về kê biên, thẩm quyền xử lý tài sản.

Trong một chừng mực có thể xem xét ban hành một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu thì mới có thể xử lý dứt điểm được. Nếu chưa thể ban hành một đạo luật riêng thì cũng cần phải thành lập tổ liên ngành với các cơ quan Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, chính quyền địa phương để tham gia cùng VAMC xử lý nợ xấu thông qua thu giữ TSĐB và thực hiện các trình tự bán nợ theo cách thỏa thuận hoặc đấu giá.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thạch Bình