Cần lập Hội đồng đấu giá cho khoản nợ xấu từ 100 tỷ đồng trở lên
Thông tin trên nằm trong dự thảo Nghị định liên quan đến việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến.
Hơn 21.000 khoản nợ VAMC nắm giữ có giá trị trên 278.900 tỷ đồng | |
2 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo |
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến ngày 14/2/2017, số lượng khoản nợ xấu của Công ty Quản lý Tài sản Các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) dư nợ gốc hạch toán nội bảng từ 100 tỷ đồng trở lên có hơn 470 khoản, với tổng giá trị lên đến 159.744 tỷ đồng.
Đồng thời, có 816 tài sản bảo đảm của các khoản nợ tại thời điểm định giá gần nhất có giá trị từ 100 tỷ đồng.
Dựa trên kết quả thống kê trên, NHNN đề xuất giá trị khoản nợ xấu cũng như tài sản bảo đảm từ 100 tỷ đồng trở lên thì cần thành lập Hội đồng đấu giá. Việc này nhằm giảm thiểu rủi ro khi VAMC thực hiện bán đấu giá.
Căn cứ để xác định giá trị 100 tỷ đồng trở lên là dựa trên giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Về hoạt động của Hội đồng đấu giá, theo dự thảo, số lượng thành viên Hội đồng từ 3 thành viên trở lên. Trong đó, 1 đại diện lãnh đạo VAMC là Chủ tịch Hội đồng, 1 đại diện tổ chức tín dụng bán nợ trong trường hợp bán đấu giá khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt; 1 thành viên là đấu giá viên.
Ngoài ra, còn có đại diện của các đơn vị liên quan thuộc VAMC, các thành viên khác (nếu có).
Cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thực hiện phải có ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số thông qua hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp kết quả biểu quyết hoặc số phiếu bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng có quyền quyết định cuối cùng.