|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đấu giá nợ xấu ế ẩm

07:37 | 06/04/2018
Chia sẻ
Nhiều vụ đấu giá nợ xấu không thành công nên việc đấu giá tòa nhà Saigon One Tower (TP.HCM) với mức khởi điểm 6.110 tỉ đồng được dự báo cũng sẽ khó khăn.
dau gia no xau e am 'Khó đấu giá Saigon One Tower với mức khởi điểm 6.110 tỷ đồng'
dau gia no xau e am Đấu giá tòa tháp đôi ngàn tỷ Sài Gòn One Tower khởi điểm 6.110 tỷ đồng

Nhà đầu tư không hào hứng

Từ cuối năm 2017, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) đã có 3 lần rao bán đấu giá dự án cao ốc văn phòng V-Ikon (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhưng chưa thành công. Đây là tài sản do Công ty TNHH Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư nhưng do không có khả năng tài chính hoàn thiện dự án nên Agribank AMC buộc phải thu giữ và xử lý. Mức giá đầu tiên Agribank AMC rao bán dự án này là 373,5 tỉ đồng, tới cuộc bán đấu giá lần 3 vào cuối tháng 10.2017, giá còn 299,05 tỉ đồng, giảm gần 20% nhưng vẫn không có nhà đầu tư nào tham gia.

Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) trong tháng 12 cũng phải 3 lần tổ chức bán đấu giá gần 923 ha đất tại Khu công nghiệp Đức Hòa 3 (tỉnh Long An). Từ giá bán khởi điểm hơn 10.000 tỉ đồng được đưa ra khi thông báo bán lần đầu và đến lần thứ 3, giá bán giảm xuống còn hơn 9.000 tỉ đồng. Trong Báo cáo tài chính năm 2017, Sacombank công bố đã đấu giá thành công tài sản đảm bảo tại Khu công nghiệp Đức Hòa 3 (Long An) với tổng giá trị hợp đồng là 9.200 tỉ đồng và NH đã nhận đầy đủ tiền đặt cọc là 920 tỉ đồng. Số tiền còn lại 8.280 tỉ đồng sẽ được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm.

Với tình trạng trên, mức giá khởi điểm 6.110 tỉ đồng để bán cao ốc Saigon One Tower do Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) công bố được đánh giá là khó thanh khoản vì giá trị quá lớn.

dau gia no xau e am
Dự án Saigon One Tower đang được rao bán hơn 6.000 tỉ đồng. ẢNH: Đ.N.THẠCH

Cho rằng mức giá 6.110 tỉ đồng là có cơ sở dựa trên giá trị sổ sách hơn 7.000 tỉ đồng nhưng ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thừa nhận sẽ có nhiều khó khăn để thu hút các nhà đầu tư tham gia mua dự án. Thứ nhất, giá trị dự án quá cao. Nếu tỷ lệ đặt cọc chỉ ở mức 5% thì nhà đầu tư cũng phải bỏ ngay ra số tiền hơn 300 tỉ đồng nộp cho VAMC. Đồng thời, nhà đầu tư phải chứng minh nguồn tài chính ở đâu để đảm bảo trả đủ số tiền sau khi trúng đấu giá. Trong khi đó, các NH vẫn đang trong lộ trình hạn chế cho vay bất động sản thì để huy động được số tiền hơn 6.000 tỉ đồng không dễ. Thứ hai, hiện dự án mới chỉ xong một phần thô và ngưng xây dựng đã lâu nên bị xuống cấp. Nếu để hoàn thành và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải bỏ ra nhiều chi phí để hoàn thiện, chỉnh trang. Chưa kể, dự án này vẫn còn khoảng 4 - 5 nhà không giải tỏa được. “Số doanh nghiệp nội có đủ tiềm lực tài chính chỉ đếm trên một bàn tay. Như vậy việc tham gia đấu giá dự án Saigon One Tower sẽ có nhiều khả năng chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Khó quyết giá thấp

Theo TS Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dù Nghị quyết 42 đã cho phép bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách nhưng bản thân các đơn vị thực hiện như VAMC hoặc các NH vẫn rất thận trọng khi đưa ra giá bán. Bởi để đưa ra được giá bán thấp phải thông qua tổ chức định giá độc lập và chờ được phê duyệt. Cả quy trình đó sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí. “Chưa có các hướng dẫn rõ ràng thì việc bán nợ xấu vẫn khó diễn ra đại trà như mong muốn. VAMC, các NH, thậm chí bản thân các công ty định giá cũng không đưa ra giá bán lần đầu quá thấp vì ai sẽ chịu trách nhiệm nếu thanh tra hay kiểm toán nhà nước chỉ rõ làm thất thoát vốn nhà nước? Có chăng là chỉ chờ giảm giá xuống cho những lần bán sau đó thì mới tìm được người mua”, TS Lê Đạt Chí nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bản thân VAMC chỉ là bên thứ ba, trong khi chủ nợ thật sự vẫn là các NH. Do vậy trong việc định giá bán các tài sản đang cầm cố cho khoản nợ xấu, VAMC cần có sự đồng thuận của chủ nợ thật sự. "Nghị quyết 42 chỉ mới mở đường phần nào cho các vướng mắc thời gian qua. Nhưng để giải quyết nhanh nợ xấu thì cơ quan quản lý nên nghĩ đến việc trao quyền tự quyết ngay cho các NH là những chủ nợ thật sự. VAMC có thể bán lại nợ cho các NH sau khi trừ chi phí cho các hoạt động liên quan. Bản thân các NH sẽ chủ động hơn để tìm người mua và định giá mà hội đồng quản trị chấp thuận được. Quy trình đó sẽ nhanh hơn việc để VAMC thực hiện bán ra như hiện nay”.

Mai Phương