|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khó cứu kinh tế Trung Quốc

20:45 | 04/02/2020
Chia sẻ
Việc Ngân hàng trung ương bơm 174 tỉ USD được cho là không thể bù đắp hoạt động kinh tế sụt giảm do doanh nghiệp đóng cửa và thành phố bị phong tỏa.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), đều phải cứu các nền kinh tế và thị trường tài chính sau khủng hoảng 2008. 

Tăng in tiền cùng chính sách hạ lãi suất mạnh tay đã trở thành công cụ chính giúp các nước này ngăn nền kinh tế trượt dốc.

Khi Trung Quốc đang vật lộn với virus corona, Ngân hàng Trung ương (PBOC) cuối tuần trước thông báo bơm tới 1.200 tỷ nhân dân tệ (174 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ, đi kèm với hạ lãi suất ngắn hạn. 

Dù vậy, giới phân tích cho rằng lần này, kể cả cắt giảm lãi suất hay các biện pháp nới lỏng mạnh tay khác cũng có thể là không đủ.

"Chúng tôi nghi ngờ các biện pháp này không đủ để kéo kinh tế Trung Quốc về lại quỹ đạo cũ", Hubert de Barochez - nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận định trong một thông báo gửi khách hàng.

"Đợt cắt giảm lãi suất mới nhất không thể bù đắp trực tiếp hoạt động kinh tế sụt giảm do các doanh nghiệp đóng cửa và chính sách phong tỏa của giới chức. 

Và kể cả trong kịch bản lạc quan nhất - khi bệnh dịch được kiểm soát nhanh và mọi thứ sớm trở lại bình thường, chúng tôi cho rằng PBOC sẽ vẫn cần hạ thêm lãi suất năm nay".

Khó cứu kinh tế Trung Quốc - Ảnh 1.

Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Thông báo kích thích của PBOC cũng không xoa dịu được đà bán tháo trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm qua. Chốt phiên, Shanghai Composite mất hơn 7%.

Nhà kinh tế học Mohamed El-Erian thì cảnh báo nhà đầu tư về việc mua vào cổ phiếu hiện tại với kỳ vọng giá sau này sẽ tăng. 

"Quy tắc này thường rất hiệu quả, vì người ta tin rằng thanh khoản bơm thêm có thể hỗ trợ thị trường trong thời gian dài, dù các yếu tố kinh tế nền tảng không tốt. 

Tuy nhiên, đó là trong trường hợp cú sốc đó là tạm thời, có thể kiểm soát và đảo ngược. Mà với tình hình hiện tại, điều đó rất khó", ông nói.

Các ngân hàng trung ương có thể chạm đến điểm mà các chính sách của họ sẽ "không hiệu quả, nếu không muốn nói là phản tác dụng" khi giải quyết các vấn đề hiện tại. 

Dịch bệnh là thách thức khó đoán với các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh Trung Quốc vốn đã tăng trưởng chậm lại. Đây có thể là một ví dụ cho thấy trong nhiều trường hợp, nới lỏng chính sách tiền tệ cũng là không đủ.

Citigroup đã hạ dự báo GDP của Trung Quốc năm nay. Tuy nhiên, nhà băng này cũng cho rằng trong dài hạn, các chính sách tài khóa và tiền tệ của Trung Quốc sẽ hạn chế được thiệt hại và "chặn lại vòng xoáy đi xuống của các hoạt động kinh tế", Xiangrong Yu - nhà kinh tế cấp cao tại Citi cho biết.

"Chúng tôi dự báo ảnh hưởng kinh tế của virus nCoV sẽ tập trung trong ngắn hạn, sau đó virus mới được kiềm chế và chính phủ bắt đầu khôi phục nền kinh tế", Yu nhận định. Dù vậy, ông cũng cảnh báo tăng trưởng quý I có thể xuống 4,8%.

Hà Thu