Khi vị thế thống trị của Google bị thách thức
Từ một công cụ tìm kiếm trên mạng Internet thời kỳ sơ khai, sau hơn 20 năm, Google đã phát triển thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất thế giới bằng cách tận dụng công cụ tìm kiếm của mình cho một mạng lưới các dịch vụ như bản đồ, email, mua sắm và du lịch.
Nhưng, giống như từng xảy ra với những “người khổng lồ” khác, vị thế thống trị thị trường của Google đã làm dấy lên những câu hỏi và cáo buộc về hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Để rồi vào ngày 20/10, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức kiện Google dựa trên các cáo buộc về hành vi giảm khả năng phát triển và cạnh tranh của các công ty sáng tạo mới.
Đây là động thái pháp lý lớn nhất của Mỹ đối với một công ty công nghệ kể từ năm 1998, khi Bộ Tư pháp nước này khởi kiện Microsoft với cáo buộc tương tự.
Sự “bành trướng” lặng lẽ của Google
Nếu trong thời gian đầu, người dùng yêu thích giao diện nhanh, gọn, nhẹ của Google. Thì hai thập kỷ sau, trải nghiệm của họ với Google đã khác đi đáng kể. Giao diện của Google vào năm 2020 về cơ bản vẫn đơn giản như ngày trước, nhưng người dùng đang dành nhiều thời gian hơn trong “vũ trụ” của tập đoàn này.
Khi sử dụng Internet, người dùng có thể đang tương tác với Google mà không hề nhận ra. Đó là bởi vì hầu hết các trang web đều chứa các công nghệ quảng cáo của Google và âm thầm theo dõi quá trình lướt web của người dùng.
Khi họ tải một bài báo trên web có chứa quảng cáo do Google đính kèm, tập đoàn sẽ lưu giữ hồ sơ về trang web đó - ngay cả khi người dùng không nhấp vào quảng cáo.
Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, trong năm 2019, Google và Facebook nhận 59% khoản tiền mà các doanh nghiệp chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số. Trong “miếng bánh” đó, Google chiếm 63%.
Công nghệ quảng cáo của Google cũng bao gồm các mã phân tích vô hình chạy trong nền của nhiều trang web có tên Google Analytics. Theo một phân tích của một công ty chuyên về công cụ tìm kiếm trực tuyến khác là DuckDuckGo, khoảng 74% các trang web đều chạy công cụ này.
Với những người dùng các thiết bị di động, sự thống trị của Google là không thể bàn cãi, đặc biệt là Android - hệ điều hành di động phổ biến nhất trên thế giới.
Các thiết bị Android chắc chắn phải tải xuống ứng dụng từ cửa hàng Google Play, bao gồm các ứng dụng quan trọng như bản đồ, email và thanh tìm kiếm. Trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói Google Assistant cũng là một phần trong các thiết bị Android.
Ngay cả khi người dùng sở hữu một chiếc iPhone của Apple, sự hiện diện của Google vẫn rất lớn. Google là thanh tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari của iPhone từ năm 2007.
Gmail là dịch vụ email phổ biến nhất trên thế giới với hơn 1,5 tỷ người dùng, vì vậy nhiều người vẫn sử dụng nó trên iPhone của mình. Và người dùng rất khó tìm được một ứng dụng khác ngoài YouTube để xem video.
Ngoài smartphone, Google cũng là một thế lực thống trị trên máy tính cá nhân. Theo một số ước tính, hơn 65% người dùng Internet sử dụng trình duyệt web Chrome của Google, chưa kể đến ứng dụng trực tuyến khác của “đại gia” này.
Google cũng có sự hiện diện không hề nhỏ trên thị trường thiết bị kết nối Internet cho nhà ở thông mình. Công ty này có Google Home, một trong những sản phẩm loa thông minh phổ biến nhất và được tích hợp trợ lý ảo Google Assistant.
Đồng thời, Google cũng sở hữu Nest, công ty chuyên sản xuất camera an ninh, báo động cháy và bộ điều nhiệt được kết nối Internet cho các ngôi nhà thông minh.
Người dùng cũng tương tác với Google ngay cả khi họ dùng một ứng dụng không có kết nối rõ ràng với công ty. Đó là bởi Google cung cấp cơ sở hạ tầng điện toán đám mây hoặc công nghệ máy chủ cho phép truyền phát video trực tuyến và tải dữ liệu.
Như với ứng dụng TikTok ở Mỹ, những video của họ được lưu trữ trên đám mây của Google (dù TikTok có thể sớm chuyển sang dịch vụ khác theo thỏa thuận với Oracle.)
Vị thế thống trị bị thách thức
Sức mạnh thống trị của Google đã đưa công ty đến một thời điểm quan trọng: Vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ. Lập luận của phía Chính phủ Mỹ tập trung vào công cụ tìm kiếm của Google và cách công ty này xây dựng vị thế độc quyền thông qua các hợp đồng và thỏa thuận kinh doanh nhằm chặn bước các đối thủ.
Trong một bài đăng trên Twitter ngay sau đó, Google cho rằng vụ kiện là một "sai lầm sâu sắc." Công ty nói thêm: "Mọi người sử dụng Google vì lựa chọn của họ, không phải do bị ép buộc hay họ không thể tìm ra các lựa chọn thay thế."
Không thể phủ nhận rằng Google cung cấp các dịch vụ được đánh giá cao trên toàn thế giới mà không yêu cầu trả phí trực tiếp từ người dùng. Nhưng theo giới chức, các dịch vụ "miễn phí" này vẫn có thể gây hại.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, bằng cách hạn chế sự cạnh tranh, Google đã gây hại cho người dùng một phần bằng cách giảm chất lượng dịch vụ tìm kiếm, bao gồm cả các khía cạnh như quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu và sử dụng dữ liệu của họ. Đây là một phần quan trọng, cho thấy rằng giá cả không phải là vấn đề duy nhất cần được chú ý.
Logic đằng sau tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ là các công cụ tìm kiếm khác có lịch sử bảo vệ quyền riêng tư người dùng tốt hơn Google, ví dụ DuckDuckGo đáng lẽ đã thành công hơn.
Hoặc nói theo cách khác, Google vốn phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn về mặt bảo vệ quyền riêng tư cho khách hàng, thay vì áp đặt các điều khoản làm suy giảm quyền lợi nêu trên theo cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ.
Nếu Google bị phát hiện vi phạm lệnh cấm độc quyền theo Đạo luật Sherman, “đại gia” này có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt và yêu cầu bồi thường thiệt hại đáng kể tại Mỹ. Nhưng có lẽ mối quan tâm lớn hơn đối với Google sẽ là viễn cảnh Bộ Tư pháp tìm cách phân tách các hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Google sở hữu một loạt các dịch vụ rất thành công, bao gồm công cụ tìm kiếm Google Search, trình duyệt web Google Chrome, hệ điều hành Android và nhiều dịch vụ công nghệ quảng cáo khác. Vị thế của Google và quyền truy cập vào dữ liệu của một doanh nghiệp được cho là mang lại lợi thế lớn cho Google trong các hoạt động kinh doanh này.
Các luật sư của Chính phủ Mỹ đã nhắc lại vụ kiện Microsoft từ hai thập kỷ trước đó. Mặc dù khi đó Washington đã thất bại trong việc buộc hãng này phân tách hoạt động kinh doanh, song vụ kiện đó đã mang đến một môi trường công nghệ cởi mở hơn đáng kể vì các đối thủ cạnh tranh không còn phải hoạt động dưới cái bóng của Microsoft nữa.
Giới quan sát cho rằng vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm và hiện chưa rõ Chính phủ Mỹ sẽ tìm kiếm giải pháp nào cho vụ kiện này. Nhưng dù kết quả ra sao, giới phân tích hy vọng vụ kiện sẽ giúp mở ra một giai đoạn mới cho thị trường công nghệ, nơi những “người khổng lồ” phải học cách cạnh tranh lành mạnh hơn.