|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các nghị sĩ phê phán CEO Google, Twitter, Facebook trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ

23:03 | 28/10/2020
Chia sẻ
Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ chỉ trích Tổng giám đốc của Facebook, Google và Twitter sau khi nhiều người cáo buộc các tập đoàn này thể hiện định kiến trong quá trình lựa chọn nội dung để đưa lên các nền tảng của họ.

Buổi điều trần hôm 28/10 liên quan tới Điều 230, một phần trong Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông mà Quốc hội Mỹ phê chuẩn năm 1996, theo CNN.

Điều 230 qui định các doanh nghiệp, tổ chức không phải chịu trách nhiệm về nội dung mà người dùng tạo ra, đồng thời kiểm duyệt nội dung mà họ cảm thấy phù hợp. 3 vị Tổng giám đốc điều trần trực tuyến.

Động thái của Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trong vòng chưa đầy một tuần nữa, và các mạng xã hội có nguy cơ đối mặt làn sóng chỉ trích vì sự lan truyền của tin giả trên nền tảng của họ.

Vài ngày gần đây, cả Facebook và Twitter đều đã hành động để cản đà lan truyền của một số nội dung, khiến nhiều người cáo buộc họ có định kiến với nội dung họ kiểm duyệt, và thậm chí một số người cáo buộc hai mạng xã hội can thiệp vào cuộc bầu cử.

Các nghị sĩ phê phán CEO Google, Twitter, Facebook trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ - Ảnh 1.

Ông Mark Zuckerberg (Tổng giám đốc Facebook) và ông Jack Dorsey (Tổng giám đốc Twitter) đều nhấn mạnh về tầm quan trọng của Điều 230. (Ảnh: NPR)

Mở màn phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Roger Wicker chỉ trích các tập đoàn công nghệ đã áp dụng tiêu chuẩn kép để loại những nội dung mang tính bảo thủ trên mạng xã hội. Ông nhận định Điều 230 phải thay đổi.

Nữ Thượng nghị sĩ Maria Cantwell, một thành viên của Ủy ban Thương mại Thượng viện, nói rằng bà hi vọng buổi điều trần sẽ không tạo ra ảnh hưởng xấu đối với nỗ lực chặn tin giả, đặc biệt là tin liên quan tới bầu cử và COVID-19, của Google, Facebook, Twitter.

Ông Sundar Pichai, Tổng giám đốc Google, khẳng định tập đoàn không hề có định kiến chính trị trong lựa chọn nội dung.

"Chọn nội dung dựa trên định kiến chính trị là hành vi trái ngược với lợi ích kinh doanh và sứ mệnh của chúng tôi", ông Pichai nhấn mạnh.

Jack Dorsey, Tổng giám đốc Twitter, cảnh báo rằng việc sửa đổi Điều 230 sẽ cản trở sự sáng tạo và làm tăng mức độ thống trị của các tập đoàn công nghệ lớn. Ông đề nghị Quốc hội mở rộng Điều 230 để yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp lời giải thích rõ ràng về cách họ chọn lựa nội dung và một số yêu cầu khác.

Tỉ phú Mark Zuckerberg, Tổng giám đốc Facebook, nhắc lại tầm quan trọng của Điều 230, song nhấn mạnh rằng các nhà lập pháp cũng có vai trò trong việc quyết định những nội dung phù hợp.

"Đó là lí do tôi kêu gọi Quốc hội tăng mức độ kiểm soát pháp lí trong quá khứ. Facebook luôn muốn công bằng và nhất quán trong mọi chính sách và quá trình ra quyết định", ông nói.

Nhạc Phong