|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi nhu cầu găng tay cao su tăng vọt vì COVID-19, các ông chủ hưởng món lợi kếch sù, còn công nhân khổ hơn

18:37 | 13/09/2020
Chia sẻ
Dường như sự tăng vọt về nhu cầu đối với găng tay cao su không dẫn tới sự cải thiện về thu nhập và điều kiện làm việc của công nhân sản xuất găng tay.

Nhu cầu về găng tay dùng một lần - loại thường gắn với các phòng vô trùng của bệnh viện - đã tăng cao trong đại dịch COVID-19 khi các nhân viên y tế cố gắng trang bị đầy đủ những thứ mà họ cần để điều trị bệnh và bảo vệ bản thân.

Hiệp hội các nhà sản xuất găng tay cao su Malaysia (MARGMA) khẳng định, Top Glove (có trụ sở tại Malaysia) và các doanh nghiệp cùng ngành ở Malaysia đã hưởng lợi rất nhiều từ nhu cầu đó: Khoảng 60% nguồn cung găng tay dùng một lần trên thế giới đến từ Malaysia.

Hơn một phần ba số găng tay được xuất khẩu sang Mỹ, nơi trong nhiều tháng đã dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19. Nhưng nhu cầu tăng lên lại tỉ lệ nghịch với cách mà các doanh nghiệp găng tay Malaysia đối xử với công nhân của họ, đặc biệt là người lao động mà họ tuyển từ các nước láng giềng.

Khi nhu cầu găng tay cao su tăng vọt vì COVID-19, các ông chủ hưởng món lợi kếch sù, còn công nhân khổ hơn - Ảnh 1.

Một số cơ quan quản lí đã gây áp lực để Top Glove và các nhà sản xuất găng tay dùng một lần khác đối xử tốt với người lao động. Ảnh: CNN

Các nhà hoạt động vì quyền lao động đã nói với CNN rằng nhiều cựu công nhân tố cáo các nhà sản xuất găng tay cao su ở Malaysia cưỡng bức lao động. Một số cơ quan quản lí đã lưu ý những lo ngại đó, và họ gây áp lực lên Top Glove và các nhà sản xuất khác để đảm bảo họ đối xử tốt với người lao động.

Ví dụ, vào tháng 7, Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã cấm phân phối các sản phẩm do Top Glove và một trong các công ty con của họ, TG Medical, sau khi tìm thấy "bằng chứng hợp lý" rằng các doanh nghiệp ấy đang sử dụng lao động cưỡng bức.

Các bằng chứng cho thấy nhiều công nhân sản xuất găng tay cao su thường xuyên làm thêm giờ quá mức, không được phép giữ các giấy tờ tùy thân, sống và làm việc trong các điều kiện tồi tệ, theo một e-mail mà CBP gửi cho CNN.

Hồi tháng 8, Top Gloves tuyên bố họ đã đạt nhiều kết quả tích cực trong quá trình phối hợp với các cơ quan quản lí để giải quyết vấn đề ngược đãi người lao động.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội nhận định các vấn đề về ngược đãi người lao động trong ngành sản xuất găng tay cao su ở Malaysia sẽ không biến mất dễ dàng. Họ lo ngại về việc đối xử với công nhân nước ngoài. 

Các công ty môi giới việc làm hứa hẹn người lao động nước ngoài về mức lương cao khi họ sang Malaysia, để rồi nhiều người trong số họ ngập trong nợ nần.

Trong những thập kỷ gần đây, Malaysia đã nổi lên như một nước cung cấp găng tay dùng một lần hàng đầu nhờ vô số đồn điền cao su rộng mênh mông và sự hỗ trợ của chính phủ cho một ngành tạo ra hàng tỉ USD doanh thu mỗi năm.

Doanh thu từ xuất khẩu găng tay dự kiến đạt 5,2 tỉ USD vào năm 2020, theo MARGMA, do COVID-19 thúc đẩy nhu cầu đối với găng tay do Malaysia sản xuất tăng khoảng 30%, từ 170 tỉ lên 220 tỉ chiếc.

Top Glove thông báo họ sản xuất khoảng 1/4 số găng tay được sử dụng trên toàn thế giới tại 46 nhà máy, chủ yếu ở Malaysia. Vào ngày 11/ 6, lợi nhuận ròng hàng quí của tập đoàn đạt 84 triệu USD, cao hơn gấp 4 lần mức lợi nhuận cùng quý năm ngoái và là mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn.

Nhà sản xuất găng tay lớn nhất Malaysia thông báo đơn đặt sản phẩm hàng tháng đã tăng 180% do nhu cầu về găng tay cao su tăng trong đại dịch COVID-19.

Nhạc Phong