|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Khi nhà giàu giữ tiền!

08:30 | 22/09/2019
Chia sẻ
Khi nhiều doanh nghiệp khát vốn, phải phát hành trái phiếu huy động vốn (đi vay) hoạt động kinh doanh, thì một số doanh nghiệp lại dư ra một khoản tiền lớn.

Trên sàn chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết có số dư tiền (tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) lên đến hơn nghìn tỷ. Những ông lớn đầu ngành như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM); CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC); CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) đã hoạt động rất hiệu quả trong những năm qua, thể hiện qua lợi nhuận tốt đồng thời dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cũng luôn dương. Điều giúp các công ty này tích lũy được một khối tiền mặt lớn.

Nhiều tiền như 'vua sữa'

Xét trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm sữa, Vinamilk là cái tên đầu tiên được nghĩ đến với tổng tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Tính đến 30/06/2019, tổng tiền (gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) của Vinamilk đạt gần 11 nghìn tỷ đồng, chiếm 27% so tổng tài sản của Công ty trong nửa đầu năm 2019. Tính đến hết quý 2/2019, tổng nợ ngắn hạn của Vinamilk là hơn 10.800 tỷ đồng. 

Tỷ lệ tiền/nợ ngắn hạn tại thời điểm 30/06/2019 đạt trên 100% và luôn duy trì trên mức 100% mỗi năm từ 2016 đến nay.

Khi nhà giàu giữ tiền! - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC hợp nhất các năm của VNM. Đơn vị tính: Tỷ đồng, %

Nguồn tiền mặt khổng lồ như vậy có thể sẽ giúp ích nhiều cho Vinamilk trong quá trình tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.  Trong báo cáo thường niên 2018 được công bố vào tháng 03/2019, Vinamilk đặt mục tiêu tăng trưởng tự thân về sản lượng đạt 5%/năm trong giai đoạn 2019-2021. 

Bao gồm ưu tiên đầu tư để củng cố các dòng sản phẩm chính trong khi từng bước phát triển các dòng sản phẩm mới như các loại đồ uống nguồn gốc thực vật, tung ra các thương hiệu mới nhắm vào thanh thiếu niên, cao cấp hóa danh mục sản phẩm và mở rộng phân khúc chính tại nông thôn. 

Ngoài ra, công ty cũng sẽ đẩy mạnh (M&A) trong ngành và mở rộng mới quan hệ hợp tác cũng sẽ được đẩy mạnh. Trong đó, đặc biệt ưu tiên tìm kiếm các cơ hội M&A với các công ty sữa tại các quốc gia để mở rộng thị trường. Mới nhất, công ty đã mua để sở hữu gần 41% cổ phân của GTN Foods, công ty sở hữu Sữa Mộc Châu.

'Vua cá' đầu tư thông minh

Đối với ông lớn ngành sản xuất thủy sản CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), những giai đoạn trước, từ năm 2016-2018, tỷ lệ tiền/tổng tài sản của Vĩnh Hoàn luôn quanh quẩn ở mức 10%.  

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, tổng tiền mặt của Vĩnh Hoàn đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng tỷ lệ tiền/tổng tài sản từ dưới 10% giai đoạn trước lên 18,9%. 

Nguyên nhân khoản mục tiền tăng đột biến là nhờ việc hoàn tất thoái vốn tại Vạn Đức Tiền Giang, thể hiện trong khoản thu hồi đầu tư vốn góp, vào đơn vị khác lên tới 409 tỷ đồng, trong báo cáo dòng tiền của VHC trong nửa đầu năm 2019.

Trong báo cáo thường niên 2018, Vĩnh Hoàn cho biết, mục tiêu của công ty trong năm 2019 là tiếp tục mở rộng năng lực nuôi và sản xuất, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, chi phí cạnh tranh và chất lượng sản phẩm. 

Trong năm 2019, Vĩnh Hoàn đặt trọng tâm đầu tư vào việc xây dựng vùng nuôi mới và mở rộng, gia tăng công suất chế biến của nhà máy Vĩnh Phước và nhà máy Vĩnh hoàn Collagen. Chi phí đầu tư trong năm 2019 được Vĩnh Hoàn dự kiến ở mức 800 tỷ đồng.

Khi nhà giàu giữ tiền! - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC hợp nhất các năm của VHC. Đơn vị tính: Tỷ đồng,%

Cũng theo báo cáo, với mục tiêu tự chủ về con giống để giải quyết những vấn đề về kỹ thuật trên thị trường như kiểm soát dư lượng kháng sinh, thuốc cấm trên sản phẩm. 

Vĩnh Hoàn cho biết sẽ triển khai giai đoạn 1 của dự án giống sau khi hoàn tất các thủ tục, đồng thời mở rộng năng suất chế biến, năng lực nuôi cá giống, đảm bảo yếu tố then chốt con giống cho sự cạnh tranh về chất lượng và hiệu quả sản xuất.

 Trong tương lai xa hơn, Vĩnh Hoàn đặt tham vọng đầu tư hợp tác nghiên cứu để sở hữu được những thế hệ cá bố mẹ với gen chọn lọc tốt, hoàn chỉnh bộ chuỗi sản xuất.

Còn 'vua xây dựng' Coteccons thì sao?

Nhắc tới ngành xây dựng, không thể không nhắc tới ông lớn CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD).

Trong giai đoạn 2016-2018, Coteccons luôn duy trì tỷ lệ tiền/tổng tài sản ở mức trung bình trên 30% mỗi năm. Tính đến ngày 30/06/2019, Coteccons có số dư tiền hơn 4.400 tỷ đồng, và không có sự thay đổi nhiều so với con số đầu năm. 

Công ty chứng khoán ACB (ACBS) đánh giá, Coteccons là một công ty xây dựng lớn có cơ cấu tài chính lành mạnh khi không vay nợ và lượng tiền mặt luôn duy trì ở mức cao.

Khi nhà giàu giữ tiền! - Ảnh 3.

Nguồn: BCTC hợp nhất các năm của CTD. Đơn vị tính: Tỷ đồng, %

Trong năm 2019, Coteccons có kế hoạch sáp nhập với Ricons, tuy nhiên, do mâu thuẫn lợi ích giữa các cổ đông trong ĐHĐCĐ năm 2019, đề xuất sáp nhập này đã không được thông qua.

Với nguồn tiền lớn như vậy, ngoài việc có thể thực hiện M&A các công ty con (nếu muốn), CTD cũng có nhiều điều kiện để hoạt động trong ngành bất động sản. Cụ thể, trong một lá thư gửi cổ đông, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương có đề cập, với nền tăng tài chính vững chắc, CTD sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư bất động sản. 

Theo ông Dương, việc đầu tư này sẽ không mang lại kết quả ngay, làm giảm lợi nhuận tài chính trong ngắn hạn nhưng sẽ tạo ra nguồn thu ổn định trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, theo ông Dương, CTD cũng sẽ nghiên cứu việc sáp nhập một số doanh nghiệp xây dựng nhằm chiếm lĩnh thị phần và mở ra giai đoạn tăng trưởng mới…

Việc sở hữu một khoản tiền mặt lớn được ví như 'một cơn đau đầu dễ chịu' với các doanh nghiệp. Họ có nguồn lực để phát triển kinh doanh, đồng thời phải cân đo đong đếm để sử dụng số tiền trên một cách có hiệu quả và làm hài lòng cổ đông.

Vũ Hoài

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.