|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Khi nào Warren Buffett bán cổ phiếu?

05:09 | 14/10/2018
Chia sẻ
Warren Buffett nổi tiếng với việc ôm danh mục cổ phiếu trong hàng chục năm, ông còn nói ông thường muốn ôm cổ phiếu cả đời. Nhưng trong thực tế có không ít lần ông bán ra. Vậy khi nào ông bán? Và tại sao ông bán?
khi nao warren buffett ban co phieu [Phần 2] Warren Buffett lựa chọn siêu cổ phiếu như thế nào: Trường hợp La-Z-Boy

Warren Buffett nổi tiếng với một danh mục cổ phiếu giữ kéo dài hàng chục năm, và ông dường như muốn giữ trọn nó cả đời. Ông cũng từng nói: “Nếu bạn không cảm thấy thoải mái khi nắm giữ cổ phiếu trong 10 năm, bạn không nên nắm giữ nó trong 10 phút. Khoảng thời gian mà tôi thích nắm giữ cổ phiếu là mãi mãi.”

Nhưng trong thực tế, đã không ít lần Warren Buffett bán ra các cổ phiếu trong danh mục của mình. Vậy tại sao và khi nào thì ông quyết định bán? Thường Warren Buffett bán vì ba lý do: Giá cổ phiếu đã đủ cao; Một cơ hội mới tốt hơn xuất hiện; hoặc Mô hình kinh doanh thay đổi theo hướng tiêu cực

Thế nào là giá cổ phiếu đã đủ cao? Buffett cho rằng cổ phiếu thường được bán đi khi P/E của cổ phiếu rơi vào khoảng 10-25 lần; có khi thị giá còn cao gấp 40 lần EPS.

Hãy quan sát trường hợp của cổ phiếu Coca Cola năm 1998 dưới đây:

● Cổ phiếu được giao dịch quanh mức giá 88 USD/cổ phiếu

● P/E là 62, cao hơn ngưỡng Buffett cảnh báo là 40

● EPS là 1,42 USD và tăng trưởng bình quân 12% /năm

Sau 10 năm, mỗi cổ phiếu dự kiến thu về một khoản lãi gộp là 24,88 USD. Buffett so sánh mức thu nhập này với một trái phiếu doanh nghiệp trả lãi 6% hàng năm. Sau 10 năm, trái phiếu sẽ trả về 52,8 USD - rõ ràng hấp dẫn hơn nhiều so với 24,88 USD - có nghĩa ông sẽ thích thú với trái phiếu hơn cổ phiếu Coca-Cola.

Khi một trong các biến số trên thay đổi, các biến số khác cũng thay đổi theo, cụ thể:

● P/E càng thấp, cổ phiếu càng hấp dẫn và ngược lại.

● Một số trường hợp P/E giảm khiến cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn trái phiếu, và ngược lại.

● Nếu EPS tăng, cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn và ngược lại

Quay trở lại trường hợp của Coca Cola, nếu lợi nhuận doanh nghiệp tăng với tốc độ đủ nhanh, khoảng 30-40% thì mức định giá P/E = 62 lần có vẻ hợp lý. Tuy nhiên Warren Buffett hiểu rằng một công ty có lợi thế cạnh tranh dài hạn như Coca Cola ít khi đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy.

Trước thời điểm năm 2002, Buffett đã thực hiện hai cuộc thoái vốn lớn. Cuộc thoái vốn lần đầu xảy ra vào năm 1969 sau khi thị trường đạt đỉnh sau một thập kỷ tăng trưởng liên tiếp, và cũng đồng thời trước cú sập năm 1973- 1974. Buffett đã dự đoán trước được điều này, ông bán đi các cổ phiếu có P/E cao hơn 50, và đúng chỉ một thời gian ngắn sau chúng chỉ còn ở ngưỡng một con số. Buffett đã thông báo với nhiều nhà đầu tư lúc đó rằng thị trường đang quá đắt, và thật đáng tiếc cho những ai không bán hết mọi thứ đi.

Cuộc thoái vốn thứ hai vào năm 1998, khi bong bóng dot-com đưa mọi thứ trên thị trường trở nên đắt giá, bao gồm cả cổ phiếu Coca-Cola với thị giá 88 USD/cổ phiếu. Lúc đó, một số cổ phiếu trong danh mục Berkshire Hathaway được giao dịch với P/E lớn hơn 50, như Coca-Cola được giao dịch với P/E lớn hơn 62. Cổ phiếu American Express có P/E bằng 54, cổ phiếu Gillette có P/E bằng 108.

Bán những cổ phiếu đó đi lại gây ra một rắc rối: Buffett định mua thấp và bán cao để tạo ra lợi nhuận lớn, nhưng lợi nhuận lớn đồng nghĩa với nộp thuế lớn. Hơn nữa, bán ra khối lượng cổ phiếu lớn cũng sẽ làm cho giá giảm, gây ảnh hưởng không tốt đến lượng cổ phiếu còn lại trong danh mục của Berkshire.

Tuy nhiên, Buffett lại nảy ra một ý tưởng vô cùng sáng tạo. Ông muốn dùng cổ phiếu của Berkshire để mua lại một công ty bảo hiểm đang sở hữu khối lượng trái phiếu khổng lồ. Tại sao lại là trái phiếu? Vì trái phiếu có thể dễ dàng được quy đổi ra tiền mặt mà không lo bị định giá quá cao hay quá thấp như cổ phiếu. Điều tuyệt vời nhất là giao dịch này không bị đánh thuế.

Công ty bảo hiểm General Reinsurance lọt vào tầm ngắm của Buffett. Ông gọi một cú điện cho CEO của General Reinsurance và đề nghị mua cả công ty với giá 22 tỉ USD tính theo giá trị cổ phiếu tương đương của Berkshire. Thương vụ tỏ ra khá hấp dẫn đối với ban lãnh đạo của General Insurance vì giá cổ phiếu của công ty khi đó là khoảng 220 USD/cp trong khi giá cổ phiếu Berkshire là 283 USD/cp. Giao dịch xong, Buffett sở hữu 82% công ty bảo hiểm lớn này, chưa kể những lợi ích kinh tế khác.

Xem thêm

Lê Quang