|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khi nào Fed sẽ rút lại các chương trình hỗ trợ kinh tế?

15:14 | 22/06/2021
Chia sẻ
Theo tờ Wall Street Journal ngày 21/6, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khu vực New York, ông John Williams, cho biết ông chưa sẵn sàng rút lại các biện pháp hỗ trợ đối với nền kinh tế trong bối cảnh không chắc chắn về sự phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19.
Khi nào Fed sẽ rút lại các chương trình hỗ trợ kinh tế? - Ảnh 1.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khu vực New York, ông John Williams. (Ảnh: Bloomberg).

Ông William phát biểu: "Rõ ràng là kinh tế Mỹ đang được cải thiện với tốc độ nhanh và triển vọng trung hạn là rất tốt. Nhưng các dữ liệu và điều kiện vẫn chưa đủ tiến triển để Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - thay đổi lập trường chính sách tiền tệ về việc hỗ trợ mạnh mẽ đối với sự phục hồi của nền kinh tế".

Đây là nhận xét công khai đầu tiên của ông Williams kể từ cuộc họp bàn về lãi suất vào tuần trước của FOMC. Trong cuộc họp đó, các quan chức Fed đã quyết định giữ mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức gần bằng 0, vốn đã được áp dụng từ hồi tháng 3/2020 khi đại dịch bắt đầu bùng phát trên toàn nước Mỹ và tiếp tục thúc đẩy việc mua 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD trái phiếu thế chấp hàng tháng.

Mặc dù vẫn duy trì quan điểm chính sách của mình, trước viễn cảnh sự phục hồi kinh tế nhanh và áp lực lạm phát gia tăng, Fed đã thay đổi thời điểm dự kiến tăng tỷ lệ lãi suất, dự kiến vào năm 2023, cũng như hé lộ khả năng rút lại các biện pháp kích thích kinh tế bằng việc mua trái phiếu.

Theo ông Williams, quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi nhiều sự gián đoạn và thay đổi. Việc tắc nghẽn và thiếu hụt nguồn cung đang làm gia tăng lạm phát. Chỉ số này có thể tăng lên 3% trong năm nay trước khi quay trở lại mục tiêu mà Fed đề ra là 2% vào năm tới. Ông William cho biết, nhu cầu về lao động rất cao, đồng thời nói thêm: "Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến mức tăng việc làm mạnh mẽ trong tương lai".

Trước đó, hai quan chức hàng đầu khác của Fed là Chủ tịch Fed khu vực Dallas, Robert Kaplan, và Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, cũng tuyên bố rằng thời điểm để rút lại chương trình kích thích kinh tế thông qua các chương trình mua trái phiếu đang ngày càng đến gần, nhưng không nêu rõ thời điểm cụ thể.

Ông Kaplan nhắc lại quan điểm khi cho rằng ông ủng hộ việc giảm bớt một cách từ từ các biện pháp kích thích để có thể kiểm soát những rủi ro xung quanh quá trình phục hồi của nền kinh tế, nhằm tránh phải "phanh gấp" với sự thay đổi đột ngột của chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, khi đề cập đến việc mua tài sản, ông Bullard cho rằng: "Cuộc tranh luận vẫn đang diễn ra và tôi nghĩ điều đó là phù hợp khi Fed đang xem xét thời điểm rút lại các chính sách nới lỏng". Theo ông Bullard, quá trình này sẽ không diễn ra quá nhanh chóng.

Đồng quan điểm này, ông Kaplan cũng nhất trí khi cho rằng: "Ở giai đoạn hiện nay, chúng tôi đang đặt câu hỏi liệu thị trường nhà ở có thực sự cần sự hỗ trợ 40 tỷ USD mỗi tháng (trong việc mua trái phiếu thế chấp) của Fed hay không".

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào cuối tuần trước, ông Bullard nói rằng, Fed sẽ cần phải tăng lãi suất vào cuối năm tới. Phát biểu của ông Bullard đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell sau đó đã phát biểu rằng các quan chức Fed vẫn chưa thảo luận về thay đổi lãi suất, mà chủ yếu bàn thảo về triển vọng mua tài sản.

Khắc Hiếu

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.