|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi hàng xóm bán hàng trong chung cư: Tôi tưởng sống cạnh cái chợ

16:51 | 08/06/2023
Chia sẻ
Việc bán hàng trong khu chung cư đã gây ra những bất tiện và phiền toái cho những người hàng xóm gần đó.

Khi Candice Goh chuyển đến căn hộ ở Yishun (Singapore) của mình vào năm 2019, người hàng xóm sống kế bên của cô đang kinh doanh dịch vụ mua hàng theo nhóm. Thời điểm đó, cô không mấy bận tâm và cũng không phàn nàn gì vì không muốn làm ảnh hưởng tới công việc của hàng xóm.

Nhưng đến đầu năm nay, số lượng hàng hoá của người hàng xóm đã tăng đến mức shipper đến giao hàng 3-4 lần/ngày, và 4-5 ngày/tuần. Chỉ trong một ngày, camera bên ngoài cửa của cô đã ghi lại được khoảng 40 người đến căn hộ nhà hàng xóm để giao hàng hoặc thu tiền mua hàng theo nhóm.

Người hàng xóm để đồ trong các thùng giấy dọc hành lang chung cư, và thường để ngay dưới cửa sổ nhà cô. Điều này có nghĩa những ồn ào từ việc lục tìm đồ sẽ lọt qua khe cửa vào nhà cô từ lúc sáng sớm tới tối muộn. 

“Đáng lẽ đây phải là nơi yên bình để nghỉ ngơi nhưng thay vào đó, giờ đây hàng ngày chúng tôi có rất nhiều người đi lên và đi xuống”, cô nói với tờ CNA. “Đã có lúc tôi thực sự nghĩ rằng mình đang ở cạnh một cái siêu thị”.

 Hành lang chung cư nơi cô Goh sống. (Ảnh: CNA).

Đặt mua theo nhóm là hình thức những người sống gần nhau tập hợp chung lại để mua hàng với số lượng lớn nhằm giảm chi phí giao hàng và hưởng chiết khấu từ nhà cung cấp. Cô Goh cho biết hàng xóm của cô lúc thì mua rau, trứng và sầu riêng, khi lại là quần áo, sổ sách. Vào dịp Tết, những giỏ hàng quýt xếp đầy hành lang.

Mua theo nhóm đã thu hút được nhiều người tiêu dùng tham gia trong những năm gần đây, và được đẩy mạnh hơn trong đại dịch COVID-19. Tìm kiếm trên Instagram có thể thấy 50 tài khoản mua theo nhóm. Số lượng này còn nhiều hơn trên Telegram hay WhatsApp.

Chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình này phát triển. Cô Goh thất vọng vì điều này. Cô cho biết mặc dù Chính phủ đang cố gắng hỗ trợ những người kinh doanh nhỏ lẻ nhưng khu vực nhà ở không nên bị lạm dụng trở thành kho chứa hay siêu thị mini.

Mua theo nhóm có những lợi ích như khuyến khích sự tương tác giữa các cư dân và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đang tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà mua theo nhóm gây ra. Chẳng hạn tình trạng lộn xộn tại hành lang có nguy cơ hoả hoạn, hay việc thường xuyên sử dụng thang máy để vận chuyển hàng hoá.

Bằng trải nghiệm của mình, cô Goh cho biết chỉ riêng lượng người qua lại quá đông cũng khiến cô đau đầu. “Đó là việc có rất nhiều người đi lại ở hành lang và bạn không biết họ là ai. Sau đó, mọi người cứ đi ngang qua nhà bạn, thậm chí còn gõ nhầm cửa”, cô nói. 

“Có lẽ những nhà sống cạnh thang máy họ đã quen với điều đó. Nhưng chắc chắn với tôi thì không. Nó thực sự là một phiền toái”, cô Goh nói thêm.

Trong đoạn video mà đài CCTV ghi lại được, có thể thấy khách hàng đứng bên cạnh cửa sổ nhà cô Goh và nói chuyện với người hàng xóm khi họ lấy hàng từ các thùng giấy dọc hành lang. Cô cho biết bản thân bị làm phiền bởi những người nói chuyện qua điện thoại bên ngoài hành lang và tiếng gõ cửa nhà hàng xóm. Một số khách hàng đến lấy hàng muộn cũng làm ảnh hưởng tới giấc ngủ bởi cô có thể nghe thấy tiếng ồn từ phòng ngủ.

Lượng người đi lại nhiều cũng dẫn tới tình trạng xả rác bừa bãi, hay một sự việc khi một khách hàng vừa đi vừa bấm điện thoại đã suýt va phải một người hàng xóm lớn tuổi trong tháng máy, và một số người thậm chí còn trộm đồ bên ngoài.

Sự ức chế tích tụ cho đến khi chồng của người hàng xóm gây gổ với bạn trai cô. Sau đó cảnh sát đã đến. Cô hy vọng cơ quan chức năng sẽ xem xét quy định về mua hàng theo nhóm. “Có lẽ có thể tính cho họ một khoản phí để họ để hàng dưới sảnh toà nhà. Vì vậy, người giao hàng, khách hàng đều ở dưới mà không cần phải lên tận căn hộ”, cô nói.

Chí Dũng