Khi Fed hạ lãi suất, thị trường chứng khoán lao dốc chứ không đi lên
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 10/7 đã gợi ý về khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách cuối tháng này. Một số quan chức khác của Fed cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ giảm lãi suất.
Thông tin này được cho là đã có tác động tích cực đến tâm lí nhà đầu tư, đưa các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ như S&P 500, Nasdaq Composite và trung bình công nghiệp Dow Jones liên tục lập đỉnh mới.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường chứng khoán Mỹ đang kì vọng chắc chắn Fed sẽ giảm lãi suất, vấn đề là giảm cụ thể bao nhiêu. Theo đó, khả năng giảm lãi suất 25 điểm cơ bản là 78% và khả năng giảm 50 điểm cơ bản là 22%.
Tuy nhiên trên tạp chí Forbes, ông Bert Dohmen – Giám đốc công ty nghiên cứu Dohmen Capital Research lại đặt câu hỏi: Lãi suất giảm có thực sự giúp cổ phiếu đi lên?
Nhiều nhà phân tích cho rằng giảm lãi suất sẽ giúp cho nhà đầu tư thêm hưng phấn và thị trường cổ phiếu thêm sôi động, nhưng rồi sẽ đến lúc nhà đầu tư nhận ra rằng lãi suất giảm là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đi xuống.
Theo ông Dohmen, tùy vào biến động của nền kinh tế, Fed có thể xem xét cắt giảm lãi suất từ 2 đến 4 lần trong năm nay. Nếu giảm tới 4 lần chứng tỏ Fed đang hoảng loạn và sẽ có tác động rất xấu tới giá cổ phiếu.
Ông Dohmen cho biết từ cuối năm 2018 ông đã kì vọng Fed sẽ giảm lãi suất, mức giảm cụ thể trong cuộc họp ngày 31/7 tới nhiều khả năng là 0,25 điểm %. Nếu không giảm lãi suất hay giảm nhiều hơn, thị trường đều sẽ bị sốc.
Động thái này của Fed có thể khiến tâm lí thị trường lạc quan tức thời, nhưng điều quan trọng là thị trường sẽ phản ứng thế nào sau đó. Trái ngược với nhận định của nhiều "chuyên gia", ông Bert Dohmen cho rằng khi Fed giảm lãi suất là lúc nhà đầu tư nên bán cổ phiếu chứ không phải mua thêm.
Nhìn vào dữ liệu lịch sử, có thể thấy lần cắt giảm lãi suất đầu tiên thường là khởi nguồn cho một giai đoạn thị trường gấu (giá giảm trên 20% từ đỉnh) nghiêm trọng. Khi Fed ngừng giảm lãi suất, đó lại là đáy của thị trường và là lúc nhà đầu tư nên mua thêm.
Theo dữ liệu của Bob Prechter từ Elliott Wave International, khi Fed giảm lãi suất, chỉ số S&P 500 cũng xuống sâu. Khi lãi suất đi ngang hoặc đi lên, chỉ số cổ phiếu lại tăng mạnh. Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với những nhận định mà các nhà đầu tư thường nghe.
Diễn biến chỉ số S&P 500 trong giai đoạn Fed thay đổi lãi suất. Nguồn: Forbes, Elliott Wave International.
Muốn thành công trên thị trường, nhà đầu tư không thể chỉ nhìn vào các thước đo quá khứ như P/E mà phải phân tích được hiện tại và đánh giá được tương lai. Muốn làm được điều này, nhà đầu tư nên nhìn vào các số liệu kinh tế và thị trường tín dụng của khu vực tư nhân, không phải của nhà nước.
Một trong các thước đo kinh tế quan trọng nhất là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Chỉ số PMI vừa được công cố tại Chicago và New York có giá trị dưới 50, cho thấy hoạt động sản xuất có dấu hiệu "thu hẹp", hay nói cách khác là báo hiệu "suy thoái".
Ông Dohmen cho rằng chỉ số PMI này có ý nghĩa hơn nhiều so với các thống kê của chính phủ vì nó đến từ các doanh nghiệp, không phải các quan chức nhà nước quan liêu.
Chỉ số PMI tháng 5 của Trung Quốc (công bố ngày 23/7) chỉ đạt 49,4 điểm, tức là cũng rơi vào vùng suy thoái. Nên nhớ Trung Quốc từng được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chỉ số PMI của khu vực EU công bố hôm 24/7 còn bi quan hơn, thậm chí là mức thấp nhất trong 7 năm qua. Hầu như tất cả đều đang cho thấy dấu hiệu suy thoái kinh tế đang đến gần, do vậy mà Fed và các ngân hàng trung ương mới tính chuyện giảm lãi suất.
"Khi thị trường đang lập đỉnh và hầu như tất cả mọi người đều lạc quan về triển vọng sắp tới, chọn vị thế trái ngược thường mang lại quả ngọt", ông Dohmen nhấn mạnh.