|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khi 'cơn lốc' đầu tư BOT qua đi

22:13 | 18/03/2018
Chia sẻ
Tháng 10-2017, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành sau nhiều tháng giám sát tại các dự án đầu tư BOT ghi rõ: Chấm dứt đầu tư các dự án BOT qua hình thức cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện có để đảm bảo quyền lợi của người dân. Sau quyết định này, nhiều dự án BOT giao thông thuộc trường hợp nói trên bị hủy bỏ hoặc ngừng trệ.
khi con loc dau tu bot qua di Chủ đầu tư BOT Bắc Giang – Lạng Sơn sẽ 'dừng thi công nếu không được thu phí'
khi con loc dau tu bot qua di Hủy hợp đồng với nhà đầu tư BOT Hòa Lạc - Hòa Bình?

Cách đây hơn hai tháng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thông báo với chủ đầu tư dự án BOT nâng cấp cải tạo quốc lộ 30 dài 32,8 ki lô mét là dừng thực hiện hợp đồng này. Chủ đầu tư - liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Phương Nam và Công ty TNHH Xây dựng hạ tầng Phú Mỹ - đã triển khai thi công dự án. Nếu tính các chi phí từ khi chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, lãi suất... thì số tiền đã đưa vào sử dụng khoảng hơn 50/1.130 tỉ đồng tổng vốn đầu tư cho dự án (khoảng 4,42%). Lý do, theo Bộ GTVT, vì đây là tuyến đường độc đạo, không còn thích hợp với việc xã hội hóa đầu tư.

khi con loc dau tu bot qua di

Nếu chỉ xét riêng về mặt giao thông, các dự án BOT đã đưa vào khai thác mang lại hiệu quả rõ rệt, thay đổi diện mạo giao thông nhiều vùng miền. Ảnh: LÊ ANH.

Dự án thứ hai Bộ GTVT đề nghị dừng đầu tư theo hình thức BOT là dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 31 đoạn thành phố Bắc Giang - thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang), dù dự án này đã chuẩn bị đầu tư hai năm nay, với lý do tương tự.

Dự kiến, đoạn đường theo kế hoạch trước đây đầu tư bằng hình thức BOT với mức đầu tư 1.319 tỉ đồng do liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư khai thác cảng và Công ty cổ phần Đầu tư tập đoàn Đông Á thực hiện, sẽ được Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2016-2020, bao gồm cả các khoản chi phí mà chủ đầu tư BOT đã bỏ ra.

Danh sách các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ hiện có theo hình thức BOT đã được phê duyệt đầu tư có khả năng bị dừng sẽ còn tiếp tục kéo dài. Đã có những cái tên được nêu ra tiếp theo, như dự án BOT cải tạo nâng cấp quốc lộ 53 (dự án này cũng đã có chủ đầu tư).

Không chỉ dừng các dự án BOT theo kiểu “nâng cấp, cải tạo”quốc lộ, tại cuộc làm việc với Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết hai năm qua, không có dự án BOT mới nào được khởi công. Lý do ông Đông đưa ra là trong chừng ấy thời gian, bộ phải tập trung giải trình các vấn đề liên quan đến BOT.

Không thể phủ nhận rằng, nếu chỉ xét riêng về mặt giao thông, các dự án BOT đã đưa vào khai thác mang lại hiệu quả rõ rệt, thay đổi diện mạo giao thông nhiều vùng miền. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách đầu tư vào các dự án còn lỏng lẻo, thiếu minh bạch nên đây là vùng đất để các nhóm lợi ích hoành hành, gây thiệt hại quyền lợi của người dân.

Việc dừng đầu tư các dự án BOT “cải tạo, nâng cấp” quốc lộ đã được phê duyệt là một hướng đi đúng nhưng cách thức giải quyết những hệ lụy mà nó để lại chắc chắn còn kéo dài.

Do hiện nay chưa có luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) nên các dự án BOT (một hình thức của PPP) chỉ được căn cứ vào Nghị định 15/2015 (nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư). Theo nghị định này, việc giải quyết tranh chấp (nếu có) giữa cơ quan quản lý với nhà đầu tư sẽ qua hình thức thương lượng hoặc theo phán quyết của tổ chức trọng tài. Trong trường hợp thương lượng được với nhà đầu tư hoặc theo phán quyết của trọng tài thì Bộ GTVT - đơn vị ký hợp đồng đầu tư - sẽ dùng nguồn tiền nào để đền bù cho thiệt hại của nhà đầu tư, ngoại trừ lấy từ ngân sách? Hiện nay, ngay cả ngân sách để tiếp tục đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ dang dở do dừng hình thức đầu tư BOT cũng còn chưa có. Liệu việc đền bù nói trên có khả thi? Và quy định nào cho phép giải ngân trong trường hợp này?

Ngân sách những năm tiếp theo không thể thế chỗ các nhà đầu tư BOT tại các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ và càng không thể thay thế hình thức xã hội hóa các dự án BOT mới. Chỉ tính riêng hệ thống quốc lộ được đưa vào danh mục phải nâng cấp trong giai đoạn 2016-2020, ước tính dài khoảng 3.600 ki lô mét, thì tổng mức đầu tư đã lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Vấn đề hiện nay không phải là thực hiện các quyết định mang tính tình thế như dừng cải tạo, nâng cấp quốc lộ bằng hình thức BOT hay BOT “vỡ” đến đâu thì “vá” quy định ở đó như việc Bộ GTVT đang sửa Thông tư về giá dịch vụ sử dụng đường bộ (hay là sửa quy định về thu phí BOT).

Luật về PPP phải sớm được ban hành để không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả các nhà đầu tư nước ngoài thấy rằng “thị trường BOT” bớt dần rủi ro. Có như vậy họ mới có thể chia sẻ những gánh nặng mà ngân sách từ lâu đã không còn kham được.

Lan Nhi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.