|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Khi các startup 'ngáo giá' và phản ứng của nhà đầu tư

07:34 | 27/09/2023
Chia sẻ
"Ngáo giá" là một thuật ngữ khá nổi tiếng trong Shark Tank, dùng để ám chỉ những dự án kinh doanh có phần tham vọng, định giá cao ngoài sức tưởng tượng.

Mới đây, khi được hỏi về cách đối phó khi gặp các nhà sáng lập startup có biểu hiện "ngáo giá" (định giá doanh nghiệp quá cao so với thực lực) trình bày ý tưởng chưa sát với thực tế, các thành viên hội đồng đầu tư của Shark Tank Việt Nam mùa 6 đã chia sẻ nhiều cách ứng xử với tình huống này.

Trong lần đầu tham gia "bể cá mập", bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam, cho biết nếu gặp trường hợp này, bà thường sẽ chọn cách phân tích và nêu chứng để các nhà sáng lập hiểu vấn đề đang gặp phải. Tuy vậy, Shark Tuệ Lâm thừa nhận việc này quá mất thời gian và một vài nhận xét chưa đủ sức thay đổi ý chí của nhà sáng lập.

"Để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ chúc họ thành công. Còn sau đó, thị trường có dạy cho họ bài học hay không thì đó là câu chuyện khác. Tôi không phán xét tại thời điểm đó. Bởi một lời khuyên đưa ra chưa chắc khiến họ thay đổi mô hình kinh doanh", bà nói.

Ông Bùi Quang Minh lại thể hiện sự đồng cảm với các nhà sáng lập khi mới bắt đầu hành trình này. Nhà đầu tư mới của Shark Tank Việt Nam bày tỏ: "Thời điểm mới tập tành khởi nghiệp, tôi cũng ngốc nghếch, có câu hỏi, tư duy chẳng giống ai.

Nên trong mọi tình huống, tôi sẽ cố gắng hiểu tại sao người ta nghĩ và nói như thế, đưa ra góc nhìn tốt nhất để giúp họ điều chỉnh mọi thứ. Nhưng, nói vài ba lần mà không được thì đành buông tay, chứ không đi theo họ mãi được".

Lần đầu tham gia với tư cách là một nhà đầu tư, Shark Bùi Quang Minh hướng tới những doanh nghiệp sẽ bổ trợ thêm cho hệ sinh thái của Beta Group trong lĩnh vực giải trí, giáo dục và nhà ở.

Shark Lê Hàn Tuệ Lâm là vị "cá mập" trẻ tuổi nhất hội đồng đầu tư Shark Tank Việt Nam mùa 6. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Là một nhà đầu tư tích cực vào mùa trước, Shark Lê Hùng Anh nêu quan điểm rằng các dự án khởi nghiệp chia thành hai nhóm. Đầu tiên là những startup gây mất thời gian khi trình bày khó hiểu và phần còn lại là nhóm startup có niềm tin lớn, có cách làm nhưng lại nói quá năng lực của mình, viễn tưởng quá lớn.

Ông Hùng Anh cho biết bản thân đã nhiều lần than phiền với ban tổ chức về vấn đề này.

"Với startup thực sự có tâm trong việc gọi vốn, tôi sẽ cho lời khuyên chân thành nhất, còn những bạn nói chuyện gây mất thời gian thì tôi không bàn nữa, làm lơ luôn", Shark Hùng Anh chia sẻ.

Trong khi đó, Shark Phạm Thanh Hưng lại thể hiện quan điểm khá mềm mỏng. Ông cho biết: "Thầy của tôi dạy rằng phải từ bi, nói năng nhẹ nhàng. Khi gặp các trường hợp đó, tôi sẽ tìm hiểu động cơ, chẳng hạn như họ không biết cách định giá hay cố tình, lợi dụng cơ hội để quảng cáo, chứ không tìm cơ hội đầu tư.

Tức là đưa ra mức giá để các Shark không thể vào được. Hay họ có một tiềm năng, một lý tưởng, một hoài bão cực kỳ lớn mà chúng ta chưa tìm thấy. Vì thế, thông thường thái độ của tôi khá bình tĩnh để đặt câu hỏi, tìm hiểu thêm chứ không phản ứng quá mãnh liệt".

Những định giá "trên trời" của các startup

Theo giới thiệu, 56 dự án khởi nghiệp sau khi qua vòng tuyển chọn sẽ được lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 6.

"Ngáo giá" - một từ khóa kinh điển được Shark Nguyễn Hòa Bình sử dụng nhiều lần trên sóng Shark Tank Việt Nam và nhanh chóng lan truyền.

Chủ tịch Tập đoàn Nextech có những phát ngôn được xem là "vỗ mặt" các nhà sáng lập lên sóng Shark Tank Việt Nam gọi vốn. Chẳng hạn "Em phải tỉnh ra, đừng ngáo giá"; "Tụi em giống anh cách đây 20 năm, rất non và xanh"; "Sản phẩm của em quá đơn giản, làm cho tôi cảm thấy rất mất thời gian"...

Khi tham gia mùa 3, ông Nguyễn Hòa Bình từng mắng nhà sáng lập của CTCP Khánh Trình là "ngáo giá" và phát ngôn này ngay lập tức gây bão. Đơn vị sản xuất khung xếp đa năng lên truyền hình gọi vốn 5 triệu USD để đổi lấy 10% cổ phần công ty, tương đương với mức định giá là 50 triệu USD.

Song, kết quả kinh doanh của Khánh Trình khiến các "cá mập" khó có thể chấp nhận. Tại thời điểm lên sóng, CTCP Khánh Trình chỉ mới xuất khẩu được 1.000 đơn hàng, doanh thu tháng đạt 1,3 tỷ đồng (1 tỷ đồng xuất khẩu và 300 triệu đồng từ thị trường nội địa). 

Tới mùa 4, dự án khởi nghiệp Medigo với ý tưởng tạo ra dịch vụ giao thuốc ban đêm đã khiến Shark Bình phải thốt lên: "Em là startup ngáo giá nhất từ đầu mùa tới giờ".

Nhà sáng lập Hồ Sỹ Duy của Medigo đến Shark Tank để gọi đầu tư 1,85 tỷ đồng cho 1% cổ phần, tương đương định giá doanh nghiệp ở mức 185 tỷ đồng. Theo Shark Bình, thị trường mà Medigo đang nhắm đến là "ngách của ngách của ngách" và thị trường đó quá bé.

Ngoài ra, ông nhận xét mức định giá của startup là quá cao so với kết quả kinh doanh.

 Shark Nguyễn Hòa Bình (phải) là nhà đầu tư nổi tiếng với từ khóa "ngáo giá". (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

"Startup của em hoạt động được 1,5 năm mà sau 18 tháng, GMV (Gross Merchandise Volume – tổng giá trị hàng hóa hay tổng giá trị giao dịch) mới được 800 triệu/tháng là quá nhỏ. Thêm vào đó, hệ số định giá một công ty thương mại điện tử dựa trên GMV thông thường là 1 lần GMV năm.

Giá trị startup của em theo công thức định giá theo GMV thì chỉ đáng khoảng 10 tỷ đồng thôi. Em chào các Shark 185 tỷ đồng là cao hơn 18,5 lần so với giá trị thực theo đúng công thức định giá của ngành", Shark Bình nói.

Tới mùa 5, Shark Bình tiếp tục "chê" ứng dụng hẹn hò Fika của nhà sáng lập Denise Sandquist (Trần Thanh Hương) kêu gọi 3 triệu USD cho 2% cổ phần. Startup này bị shark Bình đánh giá là "ngáo giá nhất 5 mùa Shark Tank", bởi chưa có doanh thu mà lại định giá lên tới 150 triệu USD. 

Thùy Trang