Khaisilk: Tiếng để đời khó gột
Nhiều người nói, Khaisilk có vẻ như muốn vứt bỏ luôn mảng kinh doanh mặt hàng lụa nên mới tự “khai” tuốt tuột “bí mật” kinh doanh ra như thế. Và rằng, Tập đoàn Khaisilk nay chủ yếu thu lợi từ các mảng kinh doanh khác như ăn uống, nhà hàng, bất động sản chứ lụa giờ chỉ còn là thứ yếu nên doanh nghiệp sẽ dễ dàng vượt qua cú sốc này.
Sự việc đâu đơn giản như thế! Cứ cho là mảng kinh doanh lụa không còn là nguồn thu chính của doanh nghiệp nhưng lụa chính là xuất phát điểm, là “suối nguồn” tạo nên thương hiệu Khaisilk. Ông Hoàng Khải sở hữu vài chục công ty, kinh doanh trải dài trên nhiều lĩnh vực nhưng người ta chỉ biết đến cái tên Khaisilk như một biểu tượng, sự đảm bảo bằng vàng cho tất cả hệ thống đó. Giờ, sau bê bối Khaisilk bán khăn lụa Tàu gắn mác Việt, cái gốc Khaisilk đang bị lung lay dữ dội; vàng bị “kết luận” là vàng giả; thậm chí, có tờ báo đã giật tít “sụp đổ một tượng đài...”. Thử hỏi, gốc đã bật trơ rễ thì cành lá làm sao không ảnh hưởng?
Ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk, từng có nhiều phát ngôn ấn tượng về kinh doanh. |
Hành vi gian lận thương mại của Khaisilk đang được soi xét dưới khía cạnh pháp luật và doanh nghiệp sẽ phải nhận chế tài tương xứng. Nhưng cái “tiếng để đời” thì đúng là quá khó để gột rửa. Bị lừa dối trắng trợn, người ta đã yêu Khaisilk bao nhiêu thì giờ lại căm ghét nó bấy nhiêu. Mức phạt của cơ quan quản lý Nhà nước là hữu hạn nhưng “sự kết án” của người tiêu dùng lại vô hạn. Muốn lấy lại niềm tin của họ - những gì Khaisilk đã tự tay tước bỏ - là điều vô cùng gian nan.
Không thể không thừa nhận, Khaisilk là một thương hiệu Việt có chỗ đứng nhất định trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Được xây dựng trong gần 30 năm, câu chuyện về sự thành công của Khaisilk từng được nhắc tới rất nhiều, thậm chí như một điển hình về khởi nghiệp cho giới trẻ bây giờ. Người Việt không có nhiều thương hiệu kinh doanh lớn. Sự thất bại của thương hiệu Khaisilk sẽ là điều vô cùng đáng tiếc.
Nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn để đứng dậy sau khủng hoảng. Một vài thương hiệu lớn từng khuất bóng hàng chục năm vẫn có thể quay trở lại. Khaisilk có rút ra kinh nghiệm gì từ việc xử lý khủng hoảng của các thương hiệu lớn trước đây để áp dụng cho mình? Liệu Khaisilk có đủ năng lực để bước qua “cửa tử” hôm nay để tiếp tục “sống”?
Ông Hoàng Khải đã nhận sai, đã cúi đầu xin lỗi, tuyên bố thu hồi sản phẩm, bồi thường. Nhưng từng đó là chưa đủ làm dịu sự tổn thương quá lớn của người tiêu dùng. Dư luận đang đòi hỏi ông Hoàng Khải phải có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để người ta thấy được trong đó sự hối lỗi chân thành. Chẳng sai lầm nào giống sai lầm nào, lúc này, chỉ có ông Hoàng Khải mới là người quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của Khaisilk!