|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khách thuê phòng giảm mạnh vì dịch corona, nhiều chủ kinh doanh homestay lo lỗ nặng

15:51 | 06/02/2020
Chia sẻ
Nhiều chủ kinh doanh homestay tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do ảnh hưởng từ dịch virus corona khiến lượng khách thuê phòng sụt giảm mạnh.

Dịch viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) đã và đang có những tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng Việt Nam, theo đó công việc làm ăn của nhiều chủ kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Khách thuê phòng giảm 70% vì dịch corona, nhiều chủ kinh doanh homestay đứng trước nguy cơ thua lỗ - Ảnh 1.

Bên trong một căn homestay cao cấp ở Hà Nội. (Ảnh: Hà Lê)

Anh Hải, chủ hai căn homestay tại khu vực quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, đây là khoảng thời gian anh vô cùng lo lắng bởi lượng khách thuê phòng sụt giảm mạnh tới 70% do dịch virus corona.

Anh cho biết, thời điểm trước dịch tỉ lệ lấp đầy luôn đạt mức trên 90% (khoảng 28 ngày/tháng). Còn hiện nay, tỉ lệ lấp đầy chỉ còn khoảng 6 - 13% (2 - 4 ngày/tháng).

"Chúng tôi đang bàn bạc tìm các phương án để duy trì lượng khách từ bây giờ cho đến khi hết dịch", anh Hải nói.

Theo anh Hải, Việt Nam đã có phương án cấm du khách Trung Quốc nhập cảnh ngay từ cửa khẩu. Ngay cả du khách Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng nhận thấy tình trạng dịch virus corona đang diễn biến phức tạp nên rất nhiều người đã hủy phòng.

"Tình hình dịch bệnh đang bùng phát tại một số địa phương nên chính du khách nội địa cũng không muốn đi du lịch. Họ ngừng toàn bộ các hoạt động du lịch. Do đó, khách du lịch hiện nay chủ yếu đến từ các nước phương Tây", anh Hải nói.

Được biết, anh Hải mới đầu tư homestay khoảng gần một năm, chi phí thuê mỗi tháng dao động từ 8- 9 triệu đồng/căn. Cộng thêm việc mới đầu tư, chưa thu hồi được vốn, anh đã chấp nhận giảm giá phòng của mình xuống để kích cầu.

 "Hoạt động kinh doanh homestay trong thời điểm này của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Không kể, thị trường đang bị bão hòa, tình trạng loạn giá cũng nhiều… Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán để mình phải vượt qua", anh Hải chia sẻ.

Liên quan đến tình trạng hiện nay đang có những doanh nghiệp phải bù hàng chục tỉ đồng để hỗ trợ khách hủy tour, anh Hải cho biết, anh chưa gặp phải tình trạng khách hủy đặt phòng.

Theo anh Hải, các trang web bán hàng rất tạo điều kiện cho các chủ kinh doanh khi đưa ra các điều khoản như khách hủy phòng trước bao nhiêu ngày sẽ phải bồi thường… Tuy nhiên, cũng có những chủ kinh doanh không áp dụng điều khoản này nhằm thu hút được nhiều khách hàng hơn. Chính vì thế sẽ có rủi ro cho phía các chủ kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Bắt đầu kinh doanh dịch vụ lưu trú từ năm 2017 đến nay, chị Ngọc Anh hiện đang cho thuê hai cơ sở homestay cao cấp tại Hà Nội và một cơ sở khách sạn tại Hạ Long (Quảng Ninh).

Chị chia sẻ, từ khi dịch virus corona bùng phát, hoạt động kinh doanh trở nên tồi tệ, tất cả các cơ sở gần như không có khách. Nếu như trước thời điểm dịch, tỉ lệ lấp đầy luôn duy trì ở mức trên 90% (25 - 26 ngày/tháng) thì thời gian gần đây, tỉ lệ này giảm xuống khoảng 10 - 30% (dưới 10 ngày/tháng).

Theo chị Ngọc Anh, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, đối với khách du lịch, họ sẽ có xu hướng thay đổi lịch trình chuyến đi, thay vì đến các nước Châu Á thì họ sẽ đến các nước Châu Âu,… Còn đối với khách công tác, thời điểm đầu năm lịch trình của họ thường không có nhiều, thông thường phải từ tháng 3 trở đi.

Về chi phí, số vốn ban đầu mà chị bỏ ra để đầu tư vào một căn hai phòng ngủ rơi vào khoảng 150 -160 triệu đồng. Còn một căn một phòng ngủ dao động từ 80 - 90 triệu đồng.

Dù không tiết lộ về giá thuê hàng tháng phải bỏ ra nhưng hầu hết các căn homestay của chị đều thuộc phân khúc cao cấp, giá thuê hàng tháng chắc chắn không hề rẻ.

"Đây là một khoảng thời gian thách thức đối với những người làm homestay. Phải chấp nhận chứ không thể làm gì khác", chị nói.

Tương tự, chị Hoa, quản lí một homestay tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, tình hình kinh doanh tại cơ sở của chị bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch virus corona. Lượng khách thuê và tỉ lệ lấp đầy đều giảm mạnh từ khoảng 60 - 70%.

Tuy chưa gặp trường hợp khách hủy đặt phòng sát ngày nhưng chị Hoa cho biết, tình trạng nhiều khách đoàn trước đó đã liên hệ để thuê phòng nhưng cuối cùng lại hủy thì có.

Không chỉ các chủ kinh doanh homestay lao đao vì dịch corona, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng bị thiệt hại lớn.

Báo Tiền phong dẫn lời đại diện Công ty Du lịch Vietravel cho biết, dịp Tết vừa qua, công ty này đã hủy tới 60 đoàn khách (khoảng 1.000 khách) Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty cũng thông báo, tất cả các tour từ Trung Quốc sang Việt Nam từ nay đến hết tháng 3/2020 đều bị hủy. 

Đại diện công ty này cho hay, ước tính mức thiệt hại trong dịp Tết Nguyên đán khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng khiến doanh nghiệp này thiệt hại vài chục tỉ đồng.

BĐS nghỉ dưỡng ngấm đòn

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, du khách Trung Quốc chiếm tới 1/3 tổng lượng khách quốc tế tới thăm Việt Nam trong năm 2019.

Báo Thanh niên dẫn thông tin từ ngành du lịch TP Đà Nẵng cho biết, hầu hết các khu du lịch, khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng từ các nhóm khách đoàn, khách công tác và cả các đối tượng khách lẻ.

Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch kết hợp hội nghị từ nước ngoài và đến từ các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Tại Nha Trang, tình cảnh cũng diễn biến tương tự khi lượng khách du lịch sụt giảm thê thảm bởi 3 năm trở lại đây, khách đến Khánh Hòa chủ yếu là Trung Quốc và khi dịch vi rút Corona bùng phát lượng khách đến Khánh Hòa giảm hẳn, đặc biệt là khách Trung Quốc.

Phân tích về ảnh hưởng của dịch virus corona tới thị trường bất động sản (BĐS), một số chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn BĐS du lịch nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu du lịch giảm mạnh.

Trong đó, BĐS du lịch và condotel, đặc biệt tại các tỉnh như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận - Ninh Thuận, Hạ Long, Phú Quốc... sẽ bị ảnh hưởng.

Đưa ra nhận định mới đây, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết, sự bùng phát của virus Corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn trong thời gian tới.

Trong đó, Việt Nam cũng đang đối mặt với những hậu quả tiêu cực gây ra từ đại dịch toàn cầu này. Ông cho biết, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.

Ông Gasparotti cho rằng, dịch virus Corona gây ra 3 tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.

Đầu tiên là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam; thứ hai là là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác và thứ ba là sự sụt giảm nguồn cầu du lịch trong nước.

Ở diễn biến khác, nhiều công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định dịch virus corana chỉ ảnh hưởng đến một số phân khúc của thị trường BĐS, nhất là BĐS nghỉ dưỡng.

Còn đối với BĐS nhà ở hay BĐS khu công nghiệp gần như miễn nhiễm với đại dịch này. Bởi lẽ, hoạt động mua nhà dựa trên nhu cầu và kế hoạch sinh sống trong dài hạn.

Trong khi đó, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp được dự báo tiếp tục tăng nhờ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh và làn sóng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc.

Hà Lê - Nguyên Ngọc