|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khách sạn càng nhiều sao... càng cạnh tranh

15:40 | 01/08/2017
Chia sẻ
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư khách sạn hạng sang (chỉ tính từ bốn đến năm sao và bao gồm cả cả khu nghỉ dưỡng) đang phải có không ít kế sách để đối mặt với nhiều xu hướng của thị trường, từ chuyện nguồn khách đến việc ứng dụng công nghệ... Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì Việt Nam vẫn là một thị trường đầy tiềm năng để tiếp tục đầu tư.
khach san cang nhieu sao cang canh tranh
Khách tại một resort 4 sao ở Đà Lạt. Ảnh: Lam Anh

Khách Hàn, khách Nhật, khách Việt...

Báo cáo khảo sát ngành dịch vụ khách sạn 2017 vừa được Công ty Grant Thornton Việt Nam công bố chia sẻ một thông tin đáng chú ý. Đó là trong ba năm liên tục vừa qua (2014-2016), tỷ lệ khách nội địa (thường là các thương nhân) lưu trú tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp liên tục tăng.

Gần nhất, năm 2016, tỷ lệ khách Việt Nam chiếm đến 20,4% trong tổng số khách đặt phòng tại các khách sạn hạng sang, tăng 3,4 điểm phần trăm so với năm 2014. Nếu phân chia cụ thể hơn theo vùng miền thì tỷ lệ khách Việt Nam tăng nhiều nhất ở các khách sạn khu vực miền Trung (tính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và miền Nam (TPHCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ...).

Riêng các khách sạn ở miền Bắc có giảm hơn so với năm ngoái. Bà Trịnh Kim Dung, Giám đốc bộ phận tư vấn của Grant Thornton, nhận định thực tế này cho thấy người Việt ngày càng có khả năng chi trả tốt hơn. Giá khách sạn 5 sao năm 2016 bình quân ở mức 104,4 đô la Mỹ/phòng/đêm; giảm nhẹ so với năm trước đó còn khách sạn 4 sao lại tăng nhẹ lên mức 75 đô la Mỹ/phòng/đêm.

Một xu hướng khác dù không được đề cập trong báo cáo nhưng ông Kent Atkinson, Chủ tịch của Grant Thornton Việt Nam, vẫn lưu ý là xu hướng gia tăng khá mạnh mẽ của các nhà đầu tư, khách thương gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam. Đây là cơ hội cho các khách sạn cao cấp dù những vị khách này có khuynh hướng chọn dịch vụ nhà cho thuê.

Ông John Gardner, Tổng giám đốc Công ty liên doanh hữu hạn Khách sạn Chains Caravelle (Caravelle Saigon Hotel), cho rằng một trong những lý do khiến giá phòng khách sạn 5 sao giảm trong năm 2016 chính là vì nhóm đối tượng khách đến từ các nước đang đầu tư mạnh vào Việt Nam. Đặt phòng với số lượng lớn nên những người này gây áp lực về giá để có thể thương thảo mức giá tốt hơn bình thường. “Bản thân tôi từng phải từ chối một đoàn khách lớn vì giá”, ông John Gardner nói và cho biết các hệ thống khách sạn thì dễ ứng xử với các nhóm khách lớn hơn là các khách sạn đơn lẻ.

Ông Tony Chisholm, Tổng quản lý khách sạn Pullman Saigon Centre, Tổng quản lý các khách sạn trong tập đoàn Accor khu vực phía Nam Việt Nam, chia sẻ xu hướng này đang ảnh hưởng quan trọng tới các khách sạn. Chẳng hạn, tập đoàn Samsung từng đặt tại Accor 4.000 phòng trong một đêm. Thậm chí, có khách sạn mới mở của Accor tại Hà Nội có đến 50% lượng khách là từ Samsung.

Với những xu hướng và thay đổi về nguồn khách như vậy, các chủ đầu tư và quản lý khách sạn hạng sang đang phải có những điều chỉnh chính sách kinh doanh. Chẳng hạn với nhóm khách Hàn Quốc, Nhật Bản, theo ông Tony, cần đặt ra câu hỏi là họ có nhu cầu sử dụng số lượng phòng lớn như thế, nếu 18-20 năm nữa họ có ý định tự xây khách sạn thì sao? Samsung đã làm điều này ở một số nước. Do vậy, cần phải quan sát thật kỹ để có bước đi phù hợp.

Trong khi đó, với xu hướng khách thương gia Việt Nam tăng dần lên, tập đoàn Accor cũng đang tìm cách học hỏi để thu hút khách Việt Nam nhiều hơn và có mục tiêu rất rõ ràng. Đó là đến năm 2019, khi số lượng khách sạn trong hệ thống này tăng lên từ 40-45 thì phân nửa trong số này là các khu nghỉ dưỡng, nhắm đến khách người Việt. Khách Việt cũng được kỳ vọng sẽ nằm trong tốp 3 các nước có công dân lưu trú nhiều nhất (trong khi những năm trước đây, con số chỉ là 3-4%).

Sức hút của ngành du lịch, khách sạn

Hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến thị trường khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của Việt Nam. Năm 2016 đã đánh dấu nhiều thương vụ M&A thành công trong lĩnh vực này, nổi bật là thương vụ chuyển nhượng Sofitel Metropole Legend Hanoi, Novotel Saigon Center, Kumho Asiana Plaza Saigon... Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2017.

Nhiều nhà đầu tư đang yêu cầu chúng tôi tìm kiếm các dự án khách sạn đầu tư mới và khách sạn đang hoạt động. Họ nhìn thấy tiềm năng của thị trường này. Thứ nhất là triển vọng phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Trong năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận cả số lượt khách quốc tế đến và doanh thu ngành tăng cao kỉ lục (khách quốc tế tăng 26% và doanh thu tăng 18,4% so với năm 2015). Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam đang là một trong những nước có tăng trưởng kinh tế tốt, với tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 24,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2016 - tăng 7% so với năm 2015, và 19,2 tỉ đô la Mỹ trong sáu tháng đầu năm 2017 - tăng 54,8% so với cùng kỳ năm trước. Ngành dịch vụ khách sạn nhờ đó cũng được tiếp đón lượng khách thương gia đến với mục đích thương mại, đầu tư ngày một tăng.

Hơn thế nữa, thị trường khách du lịch nội địa cũng đang phát triển mạnh với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm rất tích cực, từ 57 triệu lượt khách năm 2015 đến 62 triệu lượt khách năm 2016. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang phát triển mạnh và họ sẵn sàng chi trả để nghỉ ở các khách sạn cao cấp. Đây là một trong những động lực quan trọng của du lịch Việt Nam.

Kết quả kinh doanh của ngành trong những năm gần cùng với những xu hướng vừa phân tích làm cho nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng phát triển của ngành dịch vụ du lịch và khách sạn của Việt Nam.

Ông Kent Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam

Kinh doanh phục hồi

Theo bà Trịnh Kim Dung, 2016 là một năm phục hồi của ngành khách sạn khi công suất thuê phòng ở cả hai hạng sao đều tăng so với năm trước đó. Mức tăng bình quân là 5,6%. Doanh thu trên số phòng có sẵn (RevPar) theo đó tăng 8%, một con số rất đáng mừng khi các năm trước đó đều giảm. Qua đây, chỉ số quan trọng của ngành khách sạn là EBITDA (lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế và khấu hao) của năm 2016 đạt mức 32,5% và tăng 1,7 điểm phần trăm so với năm 2015. Điều này cho thấy lợi nhuận của các khách sạn cao cấp đã tốt hơn, không phải do cơ cấu chi phí thay đổi mà do tỷ suất giữa các chi phí đã thay đổi (chi phí bộ phận, chi phí hoạt động không phân bổ giảm so với năm 2015).

Nếu phân tích cụ thể vào doanh thu và chi phí thì báo cáo của Grant Thornton Việt Nam đưa ra một số lưu ý đáng tham khảo. Doanh thu của khách sạn đến từ ba mảng chính là bộ phận phòng, dịch vụ nhà hàng (F&B) và các dịch vụ khác (spa, tiệc, hội nghị...). Tỷ lệ “đẹp” thường là (lần lượt): 60-30-10. Và theo khảo sát ở trên, doanh thu từ bộ phận phòng tăng lên mức 61,5%; nhà hàng lại giảm gần một điểm phần trăm còn 31,1% trong khi các dịch vụ khác giảm còn 7,4%.

Các khách sạn ở miền Nam, thì có doanh thu F&B cao hơn hẳn miền Bắc. Điều đó cho thấy khách ở các khách sạn này sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các dịch vụ. Nhưng nhìn chung, theo bà Dung, thực tế kinh doanh F&B của các khách sạn cao cấp đang khó khăn hơn vì ngày càng có nhiều lựa chọn nhà hàng ở bên ngoài thu hút khách nghỉ.

Bình luận về thực tế này với TBKTSG, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ, cho rằng các khách sạn cao cấp ở Việt Nam có lẽ cần nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về mảng F&B. Đã qua rồi cách suy nghĩ nhà hàng trong khách sạn hạng sang là để phục vụ khách du lịch. Khi thu nhập tăng lên thì khách địa phương sẽ có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, mong muốn trải nghiệm mới lạ hơn và nhà hàng trong các khách sạn cao cấp là một trong những lựa chọn.

Vì vậy, các khách sạn cần đầu tư đúng mức để khai thác được nhu cầu này. Cách làm của các khách sạn ở các thị trường phát triển chủ yếu dựa vào đối tượng khách địa phương. Vấn đề là, dịch vụ ẩm thực sẽ là câu trả lời cho khách sạn trong các mùa thấp điểm. Ngoài ra, kênh tiệc công ty và cá nhân dành cho khách hàng địa phương cũng là nguồn doanh thu đóng góp không nhỏ vào tổng doanh thu khách sạn.

Ở góc độ chi phí thì báo cáo này cũng cho hay lương nhân viên ngành khách sạn đã tăng so với năm trước. Điều này được cho là do hai nguyên nhân trực tiếp, vừa là do hiệu quả hoạt động của các khách sạn cao cấp tăng lên, vừa là do nhiều dự án mới đưa vào hoạt động, cạnh tranh thu hút nhân viên khiến lương tăng bình quân 16,6% so với năm trước.

Bên cạnh đó, ghi nhận từ kênh đặt phòng cho thấy, đặt phòng trực tiếp với khách sạn tăng nhẹ trong khi qua công ty lữ hành, nhà điều hành tour (dù vẫn là kênh chính) và qua Internet (tức qua các trang web đặt phòng trực tuyến như Agoda, Trivago, Booking...) lại giảm. Điều này cho thấy các khách sạn đã chủ động hơn trong việc quản lý việc đặt phòng của khách, tìm cách thu hút khách.

Các khách sạn cũng đã phải đầu tư không nhỏ để ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ các khách sạn sẵn sàng nhận đặt phòng trực tuyến trong năm nay đã lên mức 67,3%, trong khi năm trước là chưa tới 50% số người được khảo sát. Rất nhiều khách sạn cũng xác nhận sẽ ứng dụng công nghệ trong tương lai gần. Các nhà đầu tư, quản lý đều cho rằng đây là yếu tố quan trọng tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh trên thị trường.

Nhà đầu tư còn vào, áp lực còn nhiều

Grant Thornton Việt Nam nhận định, áp lực cạnh tranh với các khách sạn cao cấp ngày càng tăng, nhất là với khách sạn 5 sao khi nguồn cung trên thị trường có xu hướng tăng và nhiều dự án dự kiến sẽ ra mắt trong thời gian tới. Bản thân các chủ đầu tư khách sạn khi được hỏi về những mối quan tâm và lo ngại chính thì đa phần đều lo lắng về áp lực cạnh tranh khi nguồn cung tăng, khó duy trì được tỷ suất phòng và giá. Tuy nhiên, cũng không ít nhà đầu tư đang ấp ủ kế hoạch mở rộng hoặc cải tạo, nâng cấp khách sạn. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của thị trường.

Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Odyssea Hospitality, đơn vị quản lý chuỗi khách sạn Liberty, nhận định chắc chắn sẽ còn nhiều nhà đầu tư, nhiều thương hiệu khách sạn vào thị trường Việt Nam dù rằng ở thời điểm hiện tại đã có nhiều thương hiệu nổi tiếng. Điều này, có những cơ sở pháp lý vững chắc đó là nghị quyết của Bộ Chính trị xác định du lịch là ngành mũi nhọn, Luật Du lịch vừa được thông qua và mục tiêu đón 20 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2020. Ngay tại TPHCM, theo thông tin mới nhất của Công ty Nghiên cứu Jones Lang LaSalle (JLL) thì cũng có trên 3.000 phòng đưa vào sử dụng vào năm 2020. “Vì vậy, cung nhiều lên nhưng điều quan trọng là phải nâng cao được chất lượng, duy trì được dịch vụ”, ông Nghệ nói.

Bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ, tập đoàn Archipelago của Indonesia vừa qua đã ký kết hợp đồng nhượng quyền ba khách sạn vào Việt Nam, dự kiến triển khai trong năm 2017. Việc các nhà đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp tiếp tục vào Việt Nam là chắc chắn xảy ra và sẽ đi theo xu hướng nhượng quyền. Bởi đây là cách phát triển của hầu hết các thương hiệu khách sạn trên thế giới như Intercontinental, Crowne Plaza, Hilton, Sofitel, Novotel... Qua hình thức nhượng quyền, doanh nghiệp chuyển nhượng thương quyền để có thể phát triển thương hiệu nhanh, rộng trong khi huy động được nguồn tài chính và nhân sự địa phương.

Tuy nhiên, bà Vân cho rằng, để đầu tư và vận hành thành công một khách sạn nhượng quyền cao cấp, ngoài đầu tư tài chính cao, nhân sự quản trị cần có năng lực và kinh nghiệm thì các nhà đầu tư cần phải chắc chắn rằng nguồn nhân lực phục vụ đã sẵn sàng và đã qua huấn luyện cơ bản về nghề nghiệp qua các trường hoặc khóa dạy nghề. Đối với ngành dịch vụ lưu trú, doanh nghiệp bán trải nghiệm chứ không phải là sản phẩm. Do đó, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra trải nghiệm. Với Việt Nam, tình trạng thiếu hụt nhân sự trong ngành là một trong những trở lực lớn nhất, có thể làm ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư.

Tâm An

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.