Khách mua sắm tại siêu thị vẫn tăng lên từng ngày dịp cận Tết
Nhiều siêu thị đồng loạt giảm giá nhằm kích cầu mua sắm cuối năm (Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Giáp tết, nhiều siêu thị đồng loạt giảm giá nhằm kích cầu mua sắm cuối năm. Mới đây, Hệ thống 34 siêu thị Big C trên cả nước đã triển khai chương trình “Mừng Xuân Mới” giảm giá từ 20 – 49% hàng ngàn mặt hàng bánh kẹo, mứt, bia rượu, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, thời trang…
Theo thông tin ban đầu, chương trình giúp sức mua tại các siêu thị trong hệ thống tăng đến 30% trong những tuần giáp tết. Mặc dù không tiết lộ kết quả của đợt khuyến mãi này nhưng bà Nguyễn Thanh Huyền – đại diện truyền thông của Big C cho biết, số lượng khách hàng mua sắm tại siêu thị vẫn đang tăng lên từng ngày.
Trước đó, siêu thị này đã chuẩn bị hơn 500 mặt hàng bánh kẹo phục vụ nhu cầu Tết âm lịch, con số này tăng khoảng 30% so với Tết năm ngoái. Trong đó, khoảng 95% sản phẩm bánh kẹo được cung cấp từ các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, hệ thống bán lẻ đã thực hiện chương trình “Khóa giá”, không thay đổi mức giá niêm yết của các mặt hàng bánh kẹo cho đến tận 30 Tết.
Trong 6 tuần trước Tết Đinh Dậu 2017, Big C dự kiến cung ứng ra thị trường 5.000 tấn rau củ các loại, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016; Các sản phẩm thịt heo, thịt vịt, thịt gà cũng đã được tăng cường cung ứng, ước đạt hơn 600 tấn trong 4 tuần trước Tết, tăng 20% so với Tết năm trước. Dự kiến, giá thịt heo năm nay sẽ không có biến động. Mặt hàng thịt heo dán tem truy xuất nguồn gốc cũng được triển khai tại một số siêu thị Big C và các cửa hàng tiện lợi C Express tại TP HCM.
Tương tự, Lotte Mart Việt Nam cũng cam kết tăng 30% thực phẩm thiết yếu dự trữ và rau củ quả so với cùng kỳ năm trước, đồng thời áp dụng chương trình giảm giá từ 5 - 49% đối với hàng nghìn mặt hàng khác. Khẳng định này được ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc Lotte Mart Việt Nam đưa ra tại buổi làm việc cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa diễn ra hồi đầu tháng 1/2017.
Về rau củ quả, hệ thống cho biết sẽ tăng lượng hàng từ 50 - 70% so với ngày thường và tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; Mặt hàng thịt và cá được truy xuất nguồn gốc theo chương trình truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm theo công nghệ Te-Food của ngành Công Thương TP HCM.
Ngoài ra, hệ thống Lotte Mart đã có kế hoạch tăng thời lượng phục vụ ngay cả những ngày Tết.
Các siêu thị đều cam kết bình ổn giá cả hàng hóa, không những thế, Hà Nội công bố chi 20.500 tỷ đồng và TP HCM chi 17.000 tỷ đồng hàng hóa phục vụ Tết. Dù vậy, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội vẫn kiến nghị Chính phủ phải quan tâm hơn nữa đến hệ thống phân phối giá cả.
Theo ông, giá cả hiện nay tuy ổn định nhưng cao vô lý, cần xác định nhiệm vụ hiện nay là kéo giá xuống chứ không phải ổn định giá. Chính phủ thực tế chỉ quản lý được 30% quỹ bình ổn giá, 70% còn lại địa phương nắm. Tức là, phần lớn quyền quyết định giá thịt thuộc về các chủ sạp hàng ngoài chợ. Minh chứng là Tết Bính Thân 2016, Chính Phủ công bố có 32.000 tấn rau phục vụ Tết nhưng giá cà chua lại tăng lên đến 4 lần.
Mặt khác, các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng (bánh kẹo, gia vị…) quá nhiều, trong khi các mặt hàng lương thực thực phẩm tươi sống lại khan hiếm trong siêu thị. Vì vậy, ông Phú dự đoán, cận Tết, các mặt hàng gà ta, giò không lạnh, thủy hải sản tươi sống và cao cấp… sẽ tăng giá đến 20 – 30% vì thời điểm đó siêu thị không thể có các mặt hàng này.