Khách hàng mất 400 tỷ đồng tiết kiệm ở OceanBank có được 'đền'?
Truy nã 3 đối tượng chiếm đoạt tài sản tại OceanBank Hải Phòng | |
Vụ 400 tỷ tiền gửi tại OceanBank Hải Phòng 'biến mất': NH sẵn sàng trả lại tiền cho khách |
Sau vụ việc một số khách hàng của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) Chi nhánh Hải Phòng mất hơn 400 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm từ năm 2012 đến nay mới phát hiện, trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Lương Hữu Bàng- Giám đốc điều hành Công ty Luật Diệu Pháp (DPLAW) cho rằng nếu tiền gửi đã đến được ngân hàng hợp pháp, sau đó các cán bộ ngân hàng mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình, thì chắc chắn Ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn tiền cho người gửi tiền.
Luật sư Lương Hữu Bàng- Giám đốc điều hành Công ty Luật Diệu Pháp (DPLAW).
Về vụ việc tại Ngân hàng OceanBank Hải Phòng, theo anh các đối tượng đang bị truy nã có phải phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không?
Sự việc diễn ra tại Ocean Bank Hải Phòng vừa rồi có nội dung và diễn biến phức tạp. Theo thông tin báo chí thì tôi được biết hiện tại Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án hình sự đối với các bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ Luật hình sự. Để kết luận các đối tượng này có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không thì vụ việc còn đợi kết luận của cơ quan điều tra và quyết định cuối cùng của Tòa án.
Trong nhiều vụ án tương tự, nếu dấu hiệu hành vi phạm tội được xác minh khác đi thì Cơ quan có thẩm quyền có thể kết luận về một tội danh khác. Ví dụ: Nếu khách hàng gửi tiền đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Pháp luật và quy trình của Ngân hàng, tiền gửi đã đến được Ngân hàng theo một cách hợp pháp.
Sau đó, các cán bộ Ngân hàng mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình, thì các đối tượng này có thể bị truy tố về hành vi trộm cắp (lén lút chiếm đoạt của Ngân hàng), hoặc hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ngân hàng đối với các Ngân hàng mà Nhà nước không có vốn góp chi phối trên 50% ; hoặc truy tố hành vi tham ô đối với các Ngân hàng mà Nhà nước có vốn góp trên 50%. Thời điểm năm 2012, vốn Nhà nước ở OceanBank là dưới 50% (Nhà nước chưa mua lại 0 đồng).
Nếu các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì với số tiền chiếm đoạt hơn 400 tỷ khung hình phạt sẽ là bao nhiêu?
Theo Khoản 4, Điều 139 Bộ Luật hình sự: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/ b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trách nhiệm của Ngân hàng trong những sự vụ tiền gửi “bốc hơi” như thế nào? Trường hợp bắt hết được các bị can thì phần dân sự trong vụ án giải quyết thế nào? Nếu tiền của các bị hại vẫn còn thì có bị kê biên hay được trả luôn cho họ, nếu tiền bị tiêu hết thì bao giờ các bị can mới trả lại?
Cho dù các đối tượng có phạm tội danh gì, lừa đảo, trộm cắp, hay lạm dụng tín nhiệm…, thì một vấn đề quan trọng đó là chúng ta phải xem xét Ngân hàng có trách nhiệm dân sự như thế nào?
Các Ngân hàng có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy trình và tổ chức cơ chế kiểm soát rủi ro, kiểm soát tuân thủ chặt chẽ đối với các nghiệp vụ của tổ chức mình, đặc biệt là nghiệp vụ giao dịch kho quỹ, nhận tiền gửi. Thực tế, cho dù người gửi tiền có lỗi hay không, thì người gửi tiền vẫn thường ở “thế yếu” so với Ngân hàng (nhiều tình huống, họ không thể biết hoặc không buộc phải biết mình có thể là nạn nhân, bị hại - PV), nên về nguyên tắc họ cần được Pháp luật ưu tiên bảo vệ. Hơn nữa các giao dịch được thực hiện bởi những người có trách nhiệm của Ngân hàng, có giấy tờ và con dấu xác nhận của Ngân hàng đó.
Như đã ví dụ, giả sử tiền gửi đã đến được Ngân hàng theo một cách hợp pháp, sau đó các cán bộ Ngân hàng mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trong phạm vi trách nhiệm quản lý của mình, thì chắc chắn Ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn tiền cho người gửi tiền (trách nhiệm đi đòi tiền cán bộ là thuộc về chính Ngân hàng).
Các bị can đã bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu vụ án vẫn đi theo hướng tội danh này thì về dân sự, theo lẽ thông thường thì kẻ phạm tội có trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn lại tiền cho người bị hại (là người gửi tiền). Việc tịch thu, kê biên, phong tỏa tiền, tài sản (do hành vi phạm tội mà có) được thực hiện theo trình tự tố tụng hình sự. Cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định trả lại tài sản (vật chứng) cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
Nếu “tiền gửi” đã tiêu hết, thì người phạm tội có trách nhiệm bồi thường cho người bị hại phần còn thiếu. Căn cứ bản án, quyết định của Tòa án để tiến hành kê biên, thu giữ, phong tỏa tài sản của người phạm tội để bảo đảm thi hành án (bồi thường cho người bị hại).
Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân của tôi là luôn bảo vệ phía ‘yếu thế’ - Người gửi tiền. Đối những vụ án, vụ việc mà tội phạm, người vi phạm là người của tổ chức khi thực hiện nghiệp vụ của chính tổ chức đó và đã gây thiệt hại cho bên thứ ba, về nguyên tắc chung khi giải quyết, xử lý hậu quả thì tổ chức trước tiên phải có trách nhiệm đứng ra bồi hoàn về mặt dân sự cho bên thứ ba. Hơn nữa, tiền gửi là một mảng cốt yếu, quan trọng liên quan đến hoạt động bình thường của các tổ chức tín dụng. Đảm bảo được nguyên tắc xử lý này sẽ bảo vệ được tâm lý, tránh giao động, hoang mang và người dân sẽ tuyệt đối yên tâm khi mang tiền đi gửi tại các tổ chức tín dụng.
Hiện nay có tình trạng nhân viên ngân hàng mời khách hàng gửi tiền ngoài để lấy lãi suất cao và xảy ra rất nhiều tình trạng lừa đảo cũng như rủi ro. Anh có khuyến cáo gì?
Khách hàng cần tìm hiểu quy trình mở thẻ tiết kiệm, gửi tiền và trực tiếp giao dịch tại quầy, trụ sở Ngân hàng; không nên giao dịch, làm việc ngoài trụ sở ngân hàng nếu chưa rõ quy trình giao dịch ngoài trụ sở Ngân hàng. Là những luật sư lâu năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chúng tôi khuyên khách hàng nên hiểu kỹ quy trình nhận tiền gửi dưới đây khi gửi tiền ngân hàng:
- Giao dịch viên tiếp nhận đề nghị của Khách hàng;
- Kiểm soát viên tiến hành thẩm định, kiểm soát;
- Nộp tiền vào kho quỹ (nếu chuyển khoản thì phải chuyển khoản vào Tài khoản đứng tên Ngân hàng, không chuyển tiền vào tài khoản đứng tên nhân viên Ngân hàng); nếu số tiền nhỏ theo hạn mức Ngân hàng cho phép, thì giao dịch viên có thể nhận tiền tại quầy một cửa của Ngân hàng;
- Người đại diện (có ủy quyền từ Người đại diện theo Pháp luật của Ngân hàng) ký Thẻ tiết kiệm, đóng dấu.
Theo thông tin vụ việc OceanBank, cả bộ ba Giám đốc Chi nhánh – Trưởng phòng Kế toán kho quỹ - Kiểm soát viên có dấu hiệu câu kết để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nếu đúng như thế thì quả thật Người gửi tiền rất khó để bảo vệ mình trong tình huống này!? Đến lúc này thì những người gửi tiền càng phải cẩn trọng hơn, cần thực hiện theo khuyến cáo như OceanBank đã đưa là đăng ký dịch vụ SMS Banking, InternetBanking để cập nhật xem tiền gửi của mình đã đi vào Hệ thống Ngân hàng hay chưa.
Ngày 15/9, tại buổi làm việc với các khách hàng có sổ tiết kiệm gửi tại chi nhánh OceanBank Hải Phòng nhưng không có tiền trong hệ thống, lãnh đạo OceanBank xác nhận, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Kim Chi, nguyên quyền giám đốc chi nhánh OceanBank Hải Phòng cùng hai thuộc cấp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một nguồn tin cho biết buổi làm việc giữa lãnh đạo OceanBank và khoảng 20 khách hàng có sổ tiết kiệm nhưng không có tiền trong hệ thống diễn ra tại nhà khách Hải Quân (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) từ 9h tới tận 17h cùng ngày. Tại cuộc họp, các khách hàng đặt các câu hỏi làm rõ vì sao họ gửi tiền vào ngân hàng, có sổ tiết kiệm được ngân hàng phát hành nhưng khi kiểm tra lại được thông báo tiền gửi không có trong hệ thống của OceanBank. Đại diện OceanBank đề nghị các ý kiến của khách hàng trong buổi đối thoại sẽ được ghi nhận trong biên bản làm việc để đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến. Đại diện OceanBank cho rằng khi nào có kết quả điều tra từ cơ quan chức năng, xác định trách nhiệm, phía ngân hàng sẽ tiến hành giải quyết theo quy định. Đỗ Hoàng |
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo pháp chế một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, phôi Thẻ tiết kiệm được ngân hàng in sẵn và quản lý chặt chẽ theo quy trình quản lý ấn chỉ quan trọng, giấy tờ có giá. Khi phát hành thẻ tài tiết kiệm thì mới xuất phôi để ký phát cho khách hàng. Vị này cũng cho biết thêm, nếu người dân không sai trong quá trình gửi tiền, tiền đã vào ngân hàng theo một cách hợp pháp, ngân hàng sẽ là bên phải chịu trách nhiệm trả tiền cho người gửi. Khi đó, ngân hàng sẽ đi đòi cán bộ, những người gây ra hậu quả chứ không phải khách hàng đi đòi; Trừ trường hợp nhân viên ngân hàng đi làm ăn ngoài, đến nhà vay mượn... rồi lợi dụng uy tín, đồng phục, giấy tờ của ngân hàng... mà lừa đảo M.H |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/