|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khắc phục điểm nghẽn để kinh tế tư nhân cất cánh

08:15 | 30/04/2019
Chia sẻ
Doanh nghiệp tư nhân khó có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong một môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khó dự báo. Vì vậy, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhiệm vụ quan trọng là phải khắc phục những điểm nghẽn về thể chế nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và an toàn.
Khắc phục điểm nghẽn để kinh tế tư nhân cất cánh - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tư nhân nhiều nhưng còn chậm lớn - Ảnh minh họa: TD

DN tư nhân nhiều nhưng chưa lớn

Nghị quyết số 10 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Nghị quyết đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế tư nhân, trong đó có 3 nội dung có ý nghĩa cốt lõi xuyên suốt. Thứ nhất là thay đổi nhận thức, tư tưởng và hành động trong phát triển kinh tế tư nhân. Thứ hai là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ ba là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.

Với nhiều giải pháp được đưa ra, sau 2 năm thực hiện nghị quyết khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển đáng kể. Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có gần 28.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 1-2019, với tổng vốn đăng ký là trên 375.000 tỉ đồng, giảm 6,2% về số doanh nghiệp nhưng tăng 34,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, với tốc độ tăng trưởng như vậy, mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp năm 2020 theo Nghị quyết 10 đề ra là có cơ sở.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đều qua các năm nhưng sức khỏe của khối này đang là vấn đề đáng quan tâm. Theo các số liệu thống kê, xétvề cơ cấu doanh nghiệp, hiện nay, đa phần doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tới 95-97%, chỉ 1,7% có quy mô vừa và 2% có quy mô lớn.

“Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm doanh nghiệp vừa (chưa đầy 2%) chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn”, ông Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng nói.

Tình trạng “li ti hoá" doanh nghiệp tư nhân cũng là một trong những thách thức được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong báo cáo mới đây. Từ khi bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986, Việt Nam đã không ngừng hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt gấp đôi GDP, và luồng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2018 đạt tương đương 8% GDP.

Việt Nam cũng đã ký 12 hiệp định thương mại tự do, đưa nền kinh tế hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, việc tham gia vào chuỗi giá trị này chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước, chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, rất ít cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khó lớn nếu môi trường thiếu ổn định

Nghị quyết 10 đặt ra một loạt giải pháp, trong đó mục tiêu trọng tâm là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.

“Đến thời điểm này, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã có những kết quả đáng khích lệ”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói. “Tuy nhiên, so với khu vực và thế giới, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập”.

Thực tế, môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn. Hơn nữa, một trong những rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp chính là sự thiếu ổn định và tính khó dự báo của hệ thống pháp lý, dẫn tới sự thiếu hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kéo theo tình trạng “còi cọc” của doanh nghiệp nội.

Vì vậy, trong thời gian tới, theo ông Lộc, nhiệm vụ quan trọng hàng là khắc phục được điểm nghẽn trong thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh đủ “minh bạch”, “thuận lợi” và “an toàn” cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới theo chuẩn quốc tế thông qua Nghị quyết 19 và và mới đây là Nghị quyết 02.

Nhưng người đứng đầu VCCI cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn chưa đạt được yêu cầu. Việc cắt giảm thủ tục hành chính còn mang tính hình thức, đối phó và kỷ luật trong việc thực hiện cũng chưa nghiêm.

Nếu không cải thiện được môi trường đầu tư thông qua điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, giao dịch thương mại biên giới của Việt Nam sẽ càng lùi xa so với các nước. Thực tế, theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thời gian và thủ tục thực hiện giao dịch qua biên giới của Việt Nam gấp 2 lần của Thái Lan, gấp 3 lần của Malaysia và lâu hơn nhiều so với Singapore. Chi phí xuất nhập khẩu của Việt Nam tương đương của Indonesia nhưng cao hơn gấp 2 lần của Thái Lan và Malaysia.

“Cần thực thi kỷ luật chặt chẽ hơn trong việc thực hiện những nhiệm vụ được giao về công tác cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, cần phải có những chế tài cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cá nhân”, ông Lộc đề xuất.

Bên cạnh đó, người đứng đầu VCCI đề xuất, cần giải phóng các cơ quan làm chính sách ra khỏi hoạt động dịch vụ công, đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền và chuyển giao hoạt động dịch vụ công cho xã hội và thị trường.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường trong quá trinh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì mới góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

"Chúng ta phải tạo dựng được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chúng ta phải xây dựng được một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ phát triển và chúng ta phải xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút đầu tư tư nhân để cho tư nhân có thể phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng,  lành mạnh của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động. Chúng ta phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đó là nội dung cụ thể trong tạo dụng môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển", ông Nguyễn Văn Bình nói.

Vũ Dung