|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khả năng phòng vệ trước rủi ro nợ xấu của các ngân hàng

06:53 | 16/01/2018
Chia sẻ
Thu nhập tăng trưởng mạnh, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng được coi là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 10 ngân hàng niêm yết vào khoảng 32.815 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 43% YoY.
kha nang phong ve truoc rui ro no xau cua cac ngan hang VAMC công bố lãi suất mới cho các khoản nợ xấu
kha nang phong ve truoc rui ro no xau cua cac ngan hang Xử lý 705 nghìn tỷ nợ xấu, cơ chế mới giúp hơn 50 nghìn tỷ

Tăng cường trích lập dự phòng rủi ro

Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Theo công ty này, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết thấp hơn ngưỡng 3% và giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2016 (ngoại trừ STB đang trong giai đoạn tái cơ cấu theo đề án của NHNN). Sau STB thì EIB là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu cộng trái phiếu đặc biệt cao thứ hai trong nhóm.

Ngoại trừ VCB có chi phí dự phòng rủi ro không tăng, chi phí dự phòng rủi ro của STB giảm mạnh có thể liên quan đến đề án tái cơ cấu của ngân hàng này, thì chi phí trái phiếu đặc biệt tín dụng của các ngân hàng còn lại tăng mạnh. Cụ thể: Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh so với cùng kỳ ở một số ngân hàng như ACB (+165% year on year – YoY), BID (+71% YoY), CTG (+34% YoY), và MBB (+72% YoY).

kha nang phong ve truoc rui ro no xau cua cac ngan hang
ảnh minh họa

Dù vậy, trong khi phần lớn chi phí dự phòng rủi ro của ACB và BID là trích lập cho các khoản nợ xấu nội bảng thì CTG và MBB tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) của ACB và BID đã cải thiện đáng kể so với thời điểm cuối năm 2016, lần lượt ở mức 131% và 84% trong khi LLR của MBB và CTG có xu hướng giảm, lần lượt còn 87% và 101%.

Đối với VCB, mặc dù chi phí trích lập dự phòng rủi ro không tăng so với cùng kỳ nhưng khoản chi phí này trích lập toàn bộ cho nợ nội bảng (cùng kỳ trích lập cho trái phiếu đặc biệt). Do vậy, LLR của VCB cũng tăng mạnh lên xấp xỉ 165% (cuối 2016: 117%). Tỷ lệ LLR cao cho thấy khả năng phòng vệ trước rủi ro nợ xấu của các ngân hàng đang tốt hơn so với các năm trước.

Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2017, các ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro. Ngoài ra, tiếp sau VCB thì ACB, CTG và MBB sẽ là các ngân hàng tiếp theo có thể xử lý dứt điểm trái phiếu đặc biệt, muộn nhất là trong nửa đầu năm 2018.

Kịch bản lạc quan hơn, VDSC cho rằng, nếu tiến độ thu hồi nợ trong nửa cuối năm 2017 tương đương giai đoạn đầu năm, khả năng ACB và MBB có thể hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt ngay trong năm 2017.

Đối với BID, công ty chứng khoán này nhận thấy ngân hàng đang có động thái tăng cường trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu nội bảng, với chi phí tăng gấp đôi cùng kỳ. Tiến độ trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt của BID vẫn theo kế hoạch của ngân hàng song kỳ vọng tiến độ sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm 2018. Với giả định tỷ lệ thu hồi nợ khoảng 3-5%/năm thì BID có thể hoàn thành việc trích lập dự phòng rủi ro trái phiếu đặc biệt vào đầu năm 2019.

Chi phí hoạt động duy trì xu hướng tăng

Tiếp nối giai đoạn 2015-2016, chi phí hoạt động của các ngân hàng tăng mạnh mà nguyên nhân chủ yếu do chi phí nhân viên và chi về tài sản. Cụ thể, nửa đầu năm 2017, tăng trưởng chi phí hoạt động của 9 ngân hàng niêm yết là 23%, trong đó riêng chi phí cho nhân viên tăng hơn 27% và chi về tài sản tăng hơn 30%. Diễn biến này là tất yếu và hoàn toàn trong kỳ vọng, do các ngân hàng đang trong giai đoạn nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, cũng như đầu tư hạ tầng ngân hàng số.

VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng chi phí hoạt động của các ngân hàng sẽ chậm dần trong các năm tiếp theo, ngoại trừ BID. Bởi lẽ, trong các năm vừa qua, khi mà các ngân hàng cùng nhóm đã tập trung triển khai đầu tư hạ tầng công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ thì BID vẫn phải tập trung bồi đắp tỷ lệ an toàn vốn, an toàn thanh khoản, và xử lý nợ xấu.

"Khi các vấn đề trên từng bước được khắc phục, BID sẽ bắt đầu tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển mạng lưới. Do đó, chúng tôi cho rằng chi phí hoạt động của BID sẽ bắt đầu tăng mạnh từ năm 2018" - đơn vị này nhận định.

Linh Nga