|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam –Trung Quốc

17:22 | 08/11/2017
Chia sẻ
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu trên phương diện tổng thể.
ket noi giao thuong giua cac doanh nghiep viet nam trung quoc
Kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam –Trung Quốc. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc có cơ hội kết nối giao thương và hợp tác kinh doanh trực tiếp, ngày 8/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam) và Vụ Thương mại Đối ngoại (Bộ Thương mại Trung Quốc) phối hợp tổ chức Hội nghị giao thương và Lễ ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo hai đơn vị đồng tổ chức, các cơ quan nghiên cứu thuộc các bộ, ban, ngành, hiệp hội ngành hàng cùng sự góp mặt đông đảo của hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong các ngành hàng: thanh long, chuối, nhãn, hạt điều, tinh bột sắn, các loại gạo thành phẩm, hạt cà phê (thô), tiêu, cá tra, cao su, nhựa, gỗ sồi tấm, bột giấy, than đá, các sản phẩm may mặc như dệt sợi, bông...

Tại hội nghị, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã, đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu trên phương diện tổng thể và cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất.

Kim ngạch hai chiều luôn có những đột biến - nhiều lần vượt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. Với những điểm tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi đối với Việt Nam, Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và đầy tiềm năng của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt - Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,97 tỷ USD, tăng 28,4%, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 49,93 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 27,9 tỷ USD, giảm 13,67% so với 2015.

Hết tháng 9 năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 22,2 tỷ USD, tăng 62,2%, nhập khẩu 41,7 tỷ USD, tăng 15,9%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 63,98 tỷ USD, tăng 25,1%.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2016, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới.

Đáng chú ý, trong bối cảnh ngoại thương Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm từ đầu năm và chưa có dấu hiệu phục hồi, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm (kim ngạch nhập khẩu khẩu bình quân của Trung Quốc từ khối ASEAN giảm 1%) thì kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận ở mức 2 con số.

Ông Chi Lục Tốn, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đối ngoại, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, tiềm năng, cơ hội và không gian hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ không ngừng mở ra trong thời gian tới vì một số điều kiện thuận lợi như môi trường quan hệ song phương tiếp tục được củng cố, phát triển và ngày càng tốt đẹp.

Những chuyến viếng thăm chính thức liên tục của lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2016 và 2017 cùng các tuyên bố, thông cáo chung cũng như các văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai nước là những minh chứng cụ thể và rõ ràng. Đó là cơ hội tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh đến từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong vòng chưa đầy 2 thập niên, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập quốc tế tích cực nhất trên thế giới. Đây là môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc có mặt tại đây chủ động, sáng tạo, sớm biến những ý tưởng, cơ hội hợp tác thành các chương trình, dự án hợp đồng cụ thể.

Kết thúc hội nghị các doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc đã ký kết các hạng mục đầu tư. Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tăng cường khả năng xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, cũng như thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.

Hằng Trần