Động thái tích cực đầu tiên trong thương mại Việt – Trung
Việt Nam - điểm sáng thương mại toàn cầu
Trước hết, nhìn một cách tổng quát, năm 2016 tiếp tục là một năm đầy khó khăn đối với thương mại toàn cầu. Các số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, chỉ số giá hàng hóa thế giới năm 2016 chỉ đạt 99,9 điểm phần trăm, giảm 10,1% so với năm 2015.
Không những vậy, nếu tính từ năm 2011 đến nay, đây đã là năm thứ năm liên tiếp, giá hàng hóa trên thị trường thế giới giảm và tổng mức giảm (năm 2016 so với năm 2011) đã lên tới 48%. Trong đó, nếu xét theo nhóm hàng, giá năng lượng “rơi tự do” ở mức 57,8%, giá hàng phi dầu mỏ giảm 30,9%, hàng lương thực - thực phẩm giảm khiêm tốn nhất cũng ở mức 19,6%.
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - một trong những cửa khẩu quan trọng thông thương hàng hoá giữa Việt Nam với Trung Quốc
Rõ ràng, bất chấp nỗ lực gia tăng xuất khẩu của các quốc gia, việc giá cả thế giới ngày càng tụt dốc mạnh đã làm cho thương mại thế giới “co lại”.
Các số liệu thống kê nhanh của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, trong 10 tháng năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thế giới chỉ đạt gần 12.200 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, “người khổng lồ” số 1 thế giới là Trung Quốc chỉ đạt 1.700 tỷ USD, giảm tới 8,2%; cường quốc xuất khẩu số 2 thế giới là Mỹ chỉ đạt 1.200 tỷ USD, giảm 4,6%; còn cường quốc xuất khẩu số 3 thế giới là Đức đạt 1.120 tỷ USD, hầu như giậm chân tại chỗ...
Trong bối cảnh thương mại thế giới trì trệ như vậy, Việt Nam thực sự là điểm sáng nổi bật, bởi không chỉ là quốc gia hiếm hoi có nhịp tăng trưởng dương, mà còn là quốc gia đạt kỷ lục tăng trưởng, với mức tăng 7,1%, nằm trong Top 50 quốc gia xuất khẩu hàng hoá nhiều nhất thế giới.
Việt Nam - thị trường của hàng hóa Trung Quốc
Các số liệu thống kê cho thấy, nếu như cách đây một thập kỷ, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang nước ta mới là 5,6 tỷ USD và chúng ta chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 22 của nước này, thì đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng vọt lên 66,4 tỷ USD và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc.
Trong khi nhập khẩu từ thị trường thế giới nói chung tăng 4,6%, thì nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc không tăng. Trong đó, nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện giảm tới gần 1 tỷ USD...
Nhìn từ một góc độ khác, trong khi xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc ra thị trường thế giới nói chung trong 10 năm qua chỉ tăng bình quân 11,6%/năm, xuất khẩu sang 40 thị trường lớn nhất cũng chỉ tăng bình quân 11,3%/năm, thì xuất khẩu sang Việt Nam tăng tới 28%/năm.
Trong khi đó, cho dù nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Việt Nam trong cùng kỳ cũng tăng cao gấp 2,5 lần so với nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu của 40 thị trường lớn nhất (25,7%/năm so với 9,8%/năm), nhưng do xuất phát điểm chỉ ở mức gần 2,6 tỷ USD, nên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2015 cũng chỉ đạt hơn 25 tỷ USD và nước ta khiêm tốn xếp thứ 17 trong các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc.
Chính vì xuất phát điểm thấp và lại tăng chậm hơn, nên xuất siêu của Trung Quốc sang Việt Nam trong 2 năm 2014 - 2015 đều vượt ngưỡng 40 tỷ USD/năm.
Đặc biệt, do xuất siêu của Trung Quốc sang Việt Nam có xu hướng tăng lên, nên đây đã là vấn đề không ít lần được đưa vào chương trình nghị sự của lãnh đạo hai nước, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Năm 2016 bắt đầu chuyển hướng
Câu chuyện Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc đã bắt đầu có chuyển biến từ năm 2016. Các số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 11 tháng của năm 2016 đạt 19,6 tỷ USD, tăng đột biến hơn 4,1 tỷ USD (tương đương mức tăng 26,7%), cao gấp hơn 3 lần so với nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung.
Trong đó, riêng mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng hơn 1 tỷ USD; nhóm 11 mặt hàng nông - lâm nghiệp và thủy sản xuất khẩu chủ yếu tăng 650 triệu USD (riêng mặt hàng rau quả tăng tới 450 triệu USD)…
Trong khi đó, ở đầu vào nhập khẩu, trong khi nhập khẩu từ thị trường thế giới nói chung tăng 4,6%, thì nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc không tăng. Trong đó, tuy nhập khẩu hầu hết các mặt hàng vẫn tăng, nhưng nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện giảm tới gần 1 tỷ USD; còn nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 400 - 500 triệu USD…
Chính nhờ những động thái như vậy, nên thay vì hầu như xuất 1 nhập 3 như mấy năm gần đây, tỷ lệ nhập siêu từ thị trường Trung Quốc trong 11 tháng năm 2016 đã giảm còn 25,5 tỷ USD.
Tất cả những điều nói trên cho thấy, giảm nhập khẩu và nhập siêu từ thị trường Trung Quốc là cả một chặng đường dài, phải dựa vào những nỗ lực tự thân.