|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kết cục khó lường trong thương vụ khiến Apple và nhiều 'đại gia' khác trăn trở

20:30 | 05/08/2020
Chia sẻ
ARM chiếm hơn 90% thị phần cấu trúc chip di động. Có thể thị phần ấy là khía cạnh khiến NVIDIA khao khát.

Hãng viễn thông SoftBank của tỷ phú Son Masayoshi đang thể hiện những dấu hiệu cho thấy họ sắp ARM, công ty thiết kế chip có trụ sở tại Anh. Song bên mua không phải là những tên tuổi lừng lẫy nhất trên thị trường chip di động như Apple hay Qualcomm, mà là NVIDIA, một đế chế lớn trong mảng chip máy tính.

NVIDIA (có trụ sở tại Santa Clara, California, Mỹ) đang bước vào giai đoạn thoả thuận sâu hơn trong thương vụ mua ARM. Có thể hai bên sẽ chốt thoả thuận cuối cùng chỉ trong vài tuần nữa, Bloomberg dẫn lời một nguồn tin nội bộ cho biết.

Có thể vụ bán ARM sẽ là thương vụ có giá trị lớn nhất trong ngành bán dẫn. SoftBank đã sở hữu ARM vào năm 2016 với giá 32 tỉ USD, và họ sẽ bán với giá cao hơn. NVIDIA sẽ mua lại ARM bằng một thoả thuận bao gồm cả tiền mặt và cổ phần. Từ năm 2019 tới nay, giá trị cổ phiếu của NVIDIA đã tăng tới 151%, nâng tổng giá trị tập đoàn lên 261 tỉ USD, vượt qua cả Intel.

Kết cục khó lường trong thương vụ khiến Apple và nhiều 'đại gia' khác trăn trở - Ảnh 1.

Chip dùng công nghệ của ARM cũng xuất hiện trên các máy chủ dữ liệu, và cả máy Mac trong thời gian tới. Ảnh: Cnet

Giới chuyên môn nhận định NVIDIA là nhà sản xuất bán dẫn phù hợp nhất để mua lại ARM. Nếu mua ARM, mảng sản phẩm mà NVIDIA đang theo đuổi sẽ thay đổi hẳn. Họ vốn nổi tiếng với những dòng chip đồ hoạ trên máy tính và chip dành cho máy chủ. 

Vài năm gần đây, các sản phẩm của NVIDIA hiện diện nhiều hơn vào các dòng máy xử lý trí tuệ nhân tạo, xe tự lái và máy đào tiền ảo.

Đối tượng khách hàng của ARM cũng rất đa dạng. Họ bán quyền sử dụng cấu trúc cho Apple, Qualcomm, Samsung, Huawei hay MediaTek, những đế chế nắm toàn bộ thị phần chip xử lý di động. Nikkei chỉ ra rằng ARM chiếm hơn 90% thị phần cấu trúc chip di động. Có thể thị phần ấy là khía cạnh khiến NVIDIA khao khát.

Chip dùng công nghệ của ARM cũng xuất hiện trên các máy chủ dữ liệu, và cả máy Mac trong thời gian tới. Việc sở hữu ARM khiến cho NVIDIA gần như có lợi thế áp đảo trong mọi lĩnh vực công nghệ hiện nay.

Khả năng đối mặt rào cản của thương vụ mua ARM sẽ rất cao. Để bảo vệ lợi ích, rất có thể các khách hàng lớn nhất của ARM như Apple, Broadcom hay Qualcomm sẽ yêu cầu chủ sở hữu mới của ARM đảm bảo cho họ tiếp tục sử dụng công nghệ của ARM. Thậm chí các khách hàng có thể nhờ luật pháp can thiệp.

Bloomberg nhận định mọi doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân muốn mua lại ARM đều sẽ phải vượt qua quá trình thẩm định và thương vụ có thể không thành vì các rào cản về độc quyền. Ấy là lý do ARM là "kèo thơm" trong làng bán dẫn, nhưng cuối cùng lại thuộc về SoftBank, một doanh nghiệp ngoài ngành.

Dù giữ vị thế trung lập, thương vụ SoftBank mua lại ARM năm 2016 cũng hứng chịu vô số lời chỉ trích. Hermann Hauser, người sáng lập ARM, bình luận rằng đây là một ví dụ cho thấy nước Anh sẵn sàng bán những tài sản quý giá nhất cho người trả giá cao.

Vì muốn chính phủ Anh phê chuẩn nhanh, SoftBank đã phải chấp nhận nhiều điều khoản như giữ trụ sở của ARM tại Cambridge, Anh, hay cam kết tăng số lượng nhân viên của công ty.

Quyết định bán ARM cũng mâu thuẫn với tuyên bố của tỉ phú Son Masayoshi, ông chủ SoftBank. Năm 2016, ông từng tuyên bố ARM sẽ là trung tâm của đế chế đầu tư công nghệ SoftBank.

Sau khi về với SoftBank, ARM cũng không đạt những kết quả kinh doanh ấn tượng. Nhà phân tích Neil Campling của Mirabaud chỉ ra rằng doanh thu hàng năm của ARM đã tăng từ 1,2 tỉ USD vào năm 2016 lên 1,9 tỉ USD năm 2019. Cùng thời gian đó, doanh thu của NVIDIA đã tăng gấp ba lần.

Hồi tháng 7, SoftBank cũng thông báo họ tách bộ phận IoT của ARM thành một công ty riêng thuộc sở hữu SoftBank. Quyết định đó có thể ảnh hưởng lớn tới ARM, khi mà giới phân tích dự báo các thiết bị kết nối sẽ bùng nổ trong vài năm tới nhờ công nghệ 5G. Giám đốc vận hành Marcelo Claure của ARM giải thích rằng bộ phận IoT cần số tiền đầu tư lớn, tác động xấu tới tình hình kinh doanh của ARM.

ARM cũng đang gặp một số vấn đề với liên doanh tại Trung Quốc. Vào tháng 6, ARM thông báo sa thải giám đốc Allen Wu của liên doanh và thay thế bằng hai phó chủ tịch. 

Vài giờ sau ARM Trung Quốc lại thông báo trên trang WeChat chính thức rằng ông Wu vẫn đang tại vị. Công ty mẹ của ARM tại Anh một lần nữa thông báo sa thải ông Wu sau khi điều tra và xác định ông gây ra một số mâu thuẫn nội bộ.

Ngày 29/7, ARM Trung Quốc kêu gọi chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền lợi của họ. ARM đáp lại rằng họ sa thải ông Wu "hoàn toàn đúng luật" và cho rằng ông đang tổn hại cho ARM Trung Quốc.


Chí Quân