Nhiều bang ở Mỹ muốn lôi Apple ra tòa vì cố tình làm chậm điện thoại iPhone
Reuters đưa tin họ có nhiều tài liệu cho thấy bang Arizona đang cùng nhiều bang tại Mỹ điều tra về việc Apple cố tình giảm tốc độ hoạt động của điện thoại iPhone - một hành động vi phạm luật cạnh tranh thương mại.
Một nhóm theo dõi công nghệ cho biết, Tổng chưởng lý bang Texas có thể kiện Apple ra tòa vì những vi phạm tương tự, liên quan đến cuộc điều tra ở nhiều bang.
Quá trình điều tra, theo Reuters, đã diễn ra từ tháng 10/2018. Giới chức yêu cầu Apple cung cấp dữ liệu về tình trạng iPhone tắt đột ngột, hoạt động chậm và sự can thiệp của Apple thông qua phần mềm quản lý năng lượng.
Chưởng lý Arizona và Texas từ chối bình luận về cuộc điều tra. Như mọi khi, Apple cũng không phản hồi mọi đề nghị của giới truyền thông.
Apple từng lâm vào bê bối nghiêm trọng vào năm 2017 khi Primate Labs, doanh nghiệp sản xuất phần mềm đo tốc độ bộ xử lý của điện thoại, tiết lộ rằng một số iPhone sẽ hoạt động chậm hơn sau một thời gian.
Trước sức ép của công chúng, Apple công khai thừa nhận họ cố tình giảm mức tiêu thụ năng lượng - một tình trạng có thể làm chậm bộ xử lí - khi pin điện thoại cũ, khó đáp ứng yêu cầu cung cấp của máy. "Táo khuyết" lí giải rằng cách ấy ngăn chặn hiện tượng iPhone đột ngột tắt khi pin gần hết điện.
Không tin lập luận ấy, người dùng nhận định Apple cố tình giảm tốc độ hoạt động của iPhone cũ và giấu diếm hành vi ấy nhằm thôi thúc họ mua điện thoại mới.
Để chữa thẹn, Apple công khai xin lỗi và triển khai chương trình giảm giá thay pin iPhone trong 12 tháng.
Hồi tháng 2, Apple chấp nhận bồi thường 500 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể liên quan đến những sự cố kĩ thuật của pin iPhone. Tập đoàn bồi thường 25 USD cho mỗi chiếc iPhone, có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào số lượng iPhone đủ điều kiện.
Tổng số tiền bồi thường tối thiểu là 310 triệu USD. Khoản còn lại bao gồm chi phí thuê luật sư lên đến 93 triệu USD (30% của thỏa thuận). Các chi phí khác lên tới 1,5 triệu USD.
Song Apple vẫn chưa thoát khỏi phiền toái. Sau đó Hạ viện Mỹ chất vấn tổng giám đốc Tim Cook của họ về hoạt động mua bán ứng dụng trên App Store. Các nghị sĩ cũng yêu cầu "Táo khuyết" giải thích hành vi chèn ép các nhà phát triển khi tập đoàn vừa thu phí hoa hồng 30%, vừa triển khai dịch vụ cạnh canh trên cùng nền tảng và phân khúc thị trường.