Kế hoạch tiết kiệm của các nhà sản xuất dầu Mỹ phá sản vì chi vượt thu
Khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng xấu tới nhu cầu sử dụng năng lượng của thế giới và khiến giá dầu thô của Mỹ rớt xuống dưới 0 trong tháng 4, những nhà khai thác đã cho dừng hoạt động các giàn khoan, sai thải nhân viên và thậm chí ngừng sản xuất dầu.
Tuy nhiên, tất cả đều chẳng đáng kể gì và đã là quá muộn, theo các chuyên gia phân tích tại viện Phân tích Kinh tế và Tài chính Năng lượng (IEEFA).
Theo nghiên cứu của IEEFA, trong quí II, 34 công ty dầu khí đá phiến đã chi vượt doanh thu kiếm được từ bán dầu và khí đốt vào khai thác, cũng như các dự án khác là 3,3 tỉ USD. Đây là kết quả tệ nhất của ngành suốt những năm qua.
Ông Clark Williams-Derry, tác giả của bản báo cáo, cho biết các doanh nghiệp cốt lõi của cuộc bùng nổ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ đã hoạt động kém hiệu quả trong nhiều năm về mặt tài chính; nhưng quí vừa rồi là tồi tệ nhất cả về giá dầu thấp, doanh thu giảm, cắt đầu tư và cảm nhận của nhà đầu tư đi xuống.
Doanh thu toàn ngành giảm 64% so với quí trước do giá dầu lao dốc. Để giải quyết vấn đề nhiều công ty đã giảm vốn chi tiêu trung bình 45%, theo Financial Times.
Một trong những nhà sản xuất lớn nhất của mảng dầu đá phiến, EOG Resources đã giảm 70% vốn đầu tư nhưng vẫn phải chi nhiều hơn 360 triệu USD so với số tiền họ thu được trong quí II.
Doanh nghiệp Continental Resources, do người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump là Harold Hamm lãnh đạo, đã chi nhiều hơn 334 triệu USD so với doanh thu thu về.
Kết quả kinh doanh khó khăn trong quí II đã đánh dấu một "vận đen" mới cho ngành công nghiệp đang được giới đầu tư biết tới nhiều hơn về lợi nhuận kém.
Dầu khí đã được góp mặt trong top 500 lĩnh vực hoạt động kém nhất của S&P 500 từ năm 2010 và đã mất 46% giá trị trong giai đoạn đầu 2020 so với mức tăng gần 5% của ngành năng lượng.
Kết quả tài chính không tốt trái ngược so với sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của lĩnh vực này trên thị trường khai thác trong những năm gần đây, khi các nhà khai thác dầu đá phiến chấm dứt việc sản lượng dầu và khí đốt của Mỹ giảm trong hàng thập kỉ và đưa quốc gia này trở thành sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự lao dốc của giá dầu đã phá hỏng thành tựu đó. Sản lượng dầu của Mỹ, đạt mức cao kỉ lục gần 13 triệu thùng/ngày vào đầu năm nay, đã xuống thấp hơn 11 triệu thùng/ngày vào tháng 7, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Theo công ty tư vấn Rystad Energy, hơn 100.000 người trong ngành dầu mỏ đã mất việc vì hoạt động bị đình trệ. Còn theo Enverus, một nhà cung cấp dữ liệu, số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ hôm 14/9 đã giảm khoảng 70% so với một năm trước đó.
Haynes and Boone, một công ty luật chuyên về các vụ phá sản trong ngành dầu mỏ, cho hay đã có 36 nhà sản xuất bị phá sản kể từ đầu năm, bỏ lại những khoản nợ lên tới 50 tỉ USD và số lượng các doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản đang tăng lên đáng kể.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư (16/9), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 3,2% lên 39,52 USD/thùng nhờ lượng dầu thô tồn kho của Mỹ bất ngờ giảm và hoạt động sản xuất ngoài khơi tại Mỹ phải dừng lại vì cơn bão Sally, theo Reuters.
Giá dầu thô Brent cũng tăng 2,7% lên 41,64 USD/thùng.
Thoả thuận giảm nguồn cung kỉ lục của OPEC và các đồng minh, nhóm liên minh được gọi là OPEC+, và việc nới lỏng các biện pháp phong toả biên giới để chống COVID-19 đã giúp giá dầu thô Brent phục hồi từ dưới 16 USD, mức thấp nhất trong 21 năm, hồi tháng 4.