|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Kế hoạch kinh doanh 2023 nhóm chứng khoán: Ông lớn thận trọng, nhóm vừa và nhỏ kỳ vọng khởi sắc

14:20 | 14/03/2023
Chia sẻ
Sau năm 2022 đầy biến động, các công ty chứng khoán đang dần công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong đó có sự trái chiều khi có những công ty đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi. Tuy nhiên, vẫn có những cái tên đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực.

Phần lớn các công ty chứng khoán nhận định bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 còn ảm đạm và đối diện với rủi ro suy thoái, thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Với viễn cảnh này, nhiều công ty chứng khoán đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đi lùi 5 - 35% so với năm trước, như CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (mã: CSI), CTCP Chứng khoán Bản Việt (mã: VCI) và CTCP Chứng khoán FPT (FPTS). 

Ở chiều ngược lại, nhiều công ty chứng khoán khác đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023 tăng trưởng so với năm 2022, trong đó có tăng bằng lần như CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS, mã: VIG) cao hơn 19 lần; hay CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tăng gần gấp đôi.

Kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của các công ty chứng khoán. (Nguồn: Diệu Nhi tổng hợp từ tài liệu ĐHCĐ).

Công ty chứng khoán lớn thận trọng, mục tiêu lợi nhuận đi lùi

Từ năm 2023, Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng nhờ dịch COVID-19 được kiểm soát tại các nước lân cận là thị trường ngách của công ty hướng tới, đặc biệt là từ các nước nói tiếng Hoa; cùng với việc sử dụng nguồn vốn, phần lợi nhuận chưa phân phối trong năm 2022 cho hoạt động kinh doanh, các chiến lược và chính sách môi giới.

Bên cạnh đó, đánh giá về bối cảnh năm nay, ban lãnh đạo của CSI cho rằng nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trong nỗ lực tìm kiếm sự phục hồi và phát triển. 

Tuy vậy, công ty vẫn đặt chỉ tiêu kinh doanh đi lùi so với năm trước, cụ thể chỉ tiêu doanh thu 23,5 tỷ đồng, giảm 39% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, thấp hơn 5%. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 38,36 tỷ đồng và lãi sau thuế 12,7 tỷ đồng, thực hiện 32% và 29,5% kế hoạch đề ra.

Tương tự, với kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023, Chứng khoán Bản Việt đặt chỉ tiêu doanh thu 3.246 tỷ đồng, giảm 12,4% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, thấp hơn 5,5%. Năm 2022, VCI đạt doanh thu 3.707 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.059 tỷ đồng, thực hiện 114% và 55,7% kế hoạch đề ra.

Đánh giá về bối cảnh năm nay, với mục tiêu GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 của chính phủ, ban lãnh đạo của VCI cho rằng mức tăng trường này là khả thi nhờ một loạt các yếu tố hỗ trợ như ngành du lịch phục hồi; giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh; Trung Quốc mở cửa; và sự ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ phận phân tích của công ty dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index sẽ đạt khoảng 10% cho năm 2023 tương ứng với P/E dự phóng cho năm 2023 là 9,5 lần.

Tuy nhiên, VCI cũng không loại trừ những rủi ro nhất định có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam như tăng trưởng toàn cầu giảm tốc cao hơn dự kiến; lạm phát cao hơn dự kiến; các vấn đề tài chính của các công ty phát triển bất động sản ảnh hưởng đến các ngân hàng và nền kinh tế; chính sách tài khoá thắt chặt hơn dự kiến; và các rủi ro khác như xung đột Nga- Ukraine tiếp tục leo thang. 

Với Chứng khoán FPT, căn cứ vào kết quả kinh doanh năm 2022 và dự báo tình hình thị trường năm 2023, Ban Tổng giám đốc FPTS đề xuất kế hoạch kinh doanh của công ty năm 2023 doanh thu đạt 770 tỷ đồng, giảm 26,54% so với năm trước đó, lãi trước thuế 420 tỷ đồng, giảm 34,18%. Năm 2022, doanh thu 1.048 tỷ đồng, lãi trước thuế 638 tỷ đồng, hoàn thành 96,17% và 93,84% kế hoạch.

FPTS cho biết thị trường chứng khoán năm 2023 được dự báo kém hấp dẫn với thanh khoản giảm sút so với 2022 trong bối cảnh nền kinh tế không mấy sáng sủa, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn thách thức. Một số khó khăn khác là không có thêm sản phẩm mới và chỉ có ít cổ phiếu mới niếm yết/ đăng ký giao dịch trên thị trường; cạnh tranh về phí giao dịch giữa các công ty chứng khoán khốc liệt hơn.

Vẫn có những công ty chứng khoán kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng năm 2023

Trong năm 2023, Chứng khoán VICS đặt chỉ tiêu doanh thu 118,8 tỷ đồng, tăng 65% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng, cao hơn 19 lần. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 72 tỷ đồng và lãi trước thuế 2,64 tỷ đồng, thực hiện lần lượt 20% và 1,5% kế hoạch đề ra.

Đánh giá về bối cảnh năm nay, ban lãnh đạo của VICS dự báo lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết năm 2023 sẽ chỉ tăng trưởng 12,5%, giảm so với mức tăng trung bình 16,4% trong giai đoạn 2018 – 2021. Mức tăng dự báo hồi phục lên 14% trong năm 2024.

Bên cạnh đó, P/E forward 2023 ước tính hiện đang ở mức 9,7x, nằm sâu dưới mức – 2 lần độ lệch chuẩn quá khứ. P/E 2024F ước tính ở mức 8,5x. Đây là mức định giá thấp kỷ lục trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam và rất hấp dẫn trong trung và dài hạn.

Mức lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện tại phổ biến trong khoảng 6,7 – 9,5%/năm, tương đương P/E 10,5 – 14,9x, cao hơn mức định giá của VN-Index. Ngoài ra, xu hướng lãi suất sẽ giảm dần từ quý cuối năm 2023 trở đi trong khi tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự kiến cải thiện trong năm 2024 khiến kênh gửi tiền tiết kiệm sẽ có xu hướng trở nên sinh lời kém hơn so với đầu tư cổ phiếu.

Chứng khoán VICS cho rằng điểm tích cực ở thời điểm hiện tại là áp lực bán giải chấp đã giảm mạnh so với thời điểm cao nhất năm 2022, dù tỷ lệ cho vay margin/vốn hoá tăng lên tại vùng giá thấp.

Tương tự, Chứng khoán Phú Hưng đặt chỉ tiêu tổng doanh thu 788 tỷ đồng, tăng 47% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 145 tỷ đồng, cao hơn 97%. Năm 2022, doanh thu công ty đạt 535,6 tỷ đồng và lãi trước thuế 73,7 tỷ đồng, thực hiện 89% và 36% kế hoạch đề ra.

Đánh giá về triển vọng năm nay, PHS cho rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn ảm đạm và đối diện với rủi ro suy thoái, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là một điểm sáng. Bằng cách sử dụng phương pháp P/E, PHS cho rằng vùng định giá hợp lý cho VN-Index sẽ vào khoảng 1.535 điểm vào năm 2023 tương đương với mức P/E mục tiêu là 12 lần.

Ngoài ra, PHS kỳ vọng thanh khoản của hệ thống có thể sẽ được cải thiện hơn trong năm 2023 sau khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất cùng với việc hệ thống tài chính Việt Nam được kỳ vọng sẽ ổn định trở lại. Do đó, PHS dự báo giá trị giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2023 có thể đạt 21.191 tỷ đồng mỗi phiên (gồm cả giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh). 

Một công ty chứng khoán khác đặt kế hoạch lợi nhuận 2023 tăng trưởng là CTCP Chứng khoán MB (mã: MBS) với chỉ tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 37% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, cao hơn 36%. Năm 2022, MBS đạt doanh thu 1.978 tỷ đồng và lãi trước thuế 661 tỷ đồng, thực hiện 65% và 60% kế hoạch đề ra.

Ban lãnh đạo của MBS cho rằng trong năm nay thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ngân hàng trung ương các nước vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, nền lãi suất ở mức cao.

“Dự báo quy mô giao dịch 2023 biến động giảm so với năm 2022, giá trị giao dịch bình quân ở mức 15.000 – 18.000 tỷ đồng với chỉ số VN-Index giao động trong ngưỡng 900 – 1.200 điểm”, ban lãnh đạo MBS đưa quan điểm.

Diệu Nhi