Tổ chức trong nước giao dịch thế nào khi VN-Index thành công lấy lại mốc 1.050 điểm sau hai tuần điều chỉnh liên tục?
VN-Index đã có một tuần giao dịch 6 – 10/3 khởi sắc khi đón dòng tiền khối ngoại trở lại. Mặc cho đà giảm diễn ra trong phiên đầu tuần nhưng lực mua từ nhóm đầu tư ngoại đã nhanh chóng trở lại kể từ phiên sau đó để giúp chỉ số chung liên tục tăng điểm.
Kết tuần, VN-Index có thêm 28,23 điểm, tương đương tăng 2,75% so với tuần trước, đạt mức 1.053 điểm. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên toàn thị trường đạt 8.790 tỷ đồng, tăng 20% so với tuần trước.
Diễn biến dòng tiền tại các ngành đồng loạt hồi phục sau tuần suy giảm trước đó. Trong đó, chỉ số giá ngành nhóm dịch vụ tài chính và hóa chất tăng lần lượt 4,7% và 3,12%, tài nguyên cơ bản tăng 2,97%, ngân hàng tăng 2,87%, …
Trong khi đó, cá nhận trong nước chuyển sang vị thế bán ròng 639 tỷ đồng cùng tự doanh quay đầu rút ròng 596 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng trở lại hút tiền, nhóm bán lẻ bị bán ròng mạnh nhất
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì cán cân giao dịch của các tổ chức trong nước nghiêng nhẹ về bên bán với 10/18 nhóm ngành bị rút ròng.
Tuy nhiên xét về giá trị thì không có lĩnh vực nào bị bán ròng trên trăm tỷ đồng. Trong đó, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bán lẻ với 92 tỷ đồng.
Một số ngành khác cũng chịu áp lực bán ròng là bất động sản (61 tỷ đồng), hóa chất (46 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (31 tỷ đồng), …
Chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô lên tới gần 167 tỷ đồng, dù tuần trước đó ngành này tiếp tục là tâm điểm rút vốn.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có giá trị giao dịch tiếp tục tăng lên 22,28% toàn thị trường, chỉ số giá ngành tăng 2,87% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này có lực mua vào. Tính từ đầu năm, nhóm này tăng 6,23% nhưng trong vòng một năm giảm 14,67%.
Chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng trong tuần tăng cho thấy so với thị trường chung dòng tiền vào nhóm này mạnh hơn.
Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm dịch vụ tài chính (118 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (77 tỷ đồng). Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm công nghệ thông tin, thực phẩm & đồ uống, dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng, … với giá trị thấp hơn.
Dòng tiền tổ chức nội tập trung gom E1VFVN30, song ACB bị rút ròng mạnh nhất
Thống kê giá trị cụ thể theo từng mã, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất là 69,1 tỷ đồng.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 57,7 tỷ đồng mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Không chỉ có HPG, cổ phiếu ngành thép trong những phiên giao dịch gần đây đang có dấu hiệu khởi sắc khi liên tiếp tăng giá mạnh với thanh khoản cao trước thông tin tích cực về thị trường thép thế giới. Vận động của nhóm này thu hút sự chú ý của thị trường, trong đó có nhóm NĐT tổ chức trong nước.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép, Chứng khoán SSI cho rằng nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm. Do đó, nhóm phân tích SSI cho rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ nhu cầu tăng lên ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các đại diện còn lại trong top 5 mua ròng là các cổ phiếu nhóm ngân hàng, lần lươt là MBB (56,1 tỷ đồng), VCB (53,8 tỷ đồng), CTG (47,8 tỷ đồng), …
Dù mua ròng nhiều cổ phiếu của các nhà băng, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị bán ròng 55,4 tỷ đồng.
Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi các cổ phiếu ngành bán lẻ như MWG (50 tỷ đồng), DGW (37,9 tỷ đồng). Danh mục top 5 bán ròng còn có hai đại diện là HAH (27,8 tỷ đồng) và PHR (26,1 tỷ đồng).