|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Kế hoạch 2018 doanh nghiệp cá tra niêm yết, 'ông lớn' lạc quan, 'ông nhỏ' rụt rè

13:30 | 06/04/2018
Chia sẻ
Mặc dù đã kết thúc quý I/2018 nhưng mới chỉ có 5/8 doanh nghiệp cá tra niêm yết “lên dây cót” kế hoạch kinh doanh 2018.
ke hoach 2018 doanh nghiep ca tra niem yet ong lon lac quan ong nho rut re Doanh nghiệp cá tra nào trụ vững trước 'cơn bão' thuế chống bán phá giá?
ke hoach 2018 doanh nghiep ca tra niem yet ong lon lac quan ong nho rut re Doanh nghiệp cá tra niêm yết xoay chuyển thế cờ trước khó khăn thị trường EU, Mỹ

4/5 doanh nghiệp cá tra đặt mục tiêu lãi tăng trưởng

2018 được đánh giá tiếp tục là năm khả quan đối với ngành cá tra nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2018 có thể đạt 1,85 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2017.

ke hoach 2018 doanh nghiep ca tra niem yet ong lon lac quan ong nho rut re

Xuất khẩu cá tra trong tháng 3 ước đạt 165 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 3 tháng đầu năm đạt gần 430 triệu USD, tăng gần 16%. Sản lượng và giá cá tra tăng là nhân tố giúp xuất khẩu cá tra có đà tăng trưởng.

Thống kê của người viết ghi nhận có 5/8 doanh nghiệp niêm yết cá tra xây dựng kế hoạch kinh doanh 2018, trong đó có đến 4 doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi tăng trưởng.

Lạc quan với với thị trường, “nữ hoàng” cá tra Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đặt mục tiêu đặt kế hoạch kinh doanh 2018 với doanh thu 9.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 10% so với năm 2017. Vĩnh Hoàn cũng nâng mục tiêu xuất khẩu năm nay 17% lên 350 triệu USD.

Năm qua các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào ba thị trường chính Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đạt 1,8 tỷ USD. Trong đó, Vĩnh Hoàn chiếm thị phần lớn nhất với 15%, Hùng Vương chiếm 7%, những cái tên sau đó là Biển Đông (6%), Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI và Nam Việt (ANV) cùng 5%.

Riêng với Vĩnh Hoàn, thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Mỹ chiếm 51%, kế đến là Trung Quốc chiếm 17%. Trong năm 2018, công ty sẽ đẩy mạnh ở các thị trường chiến lược là Trung Quốc, Hong Kong và Nhật Bản.

Từng lừng lẫy một thời trên thương trường cá tra, “vua” cá tra Hùng Vương (Mã: HVG) dự kiến đóng cửa 11 nhà máy chế biến thủy sản, thanh lý tài sản, thỏa thuận khoanh nợ với ngân hàng… nhằm đảm bảo mục tiêu lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng cho niên độ tài chính 2018 (1/10/2017 – 30/9/2018) sau khoản lỗ trước thuế gần 423 tỉ đồng năm trước đó.

Không được may mắn như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương phải đối mặt với loạt vấn đề tồn đọng về vùng nguyên liệu, giá bán thành phẩm, chi phí lãi vay… Kết thúc năm tài chính 2016-2017, Hùng Vương lỗ lũy kế hơn 423 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn vượt tài sản gần 820 tỷ đồng.

Phía kiểm toán cho rằng, tình hình kinh doanh liên tục lao dốc dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Lý giải về kết quả kinh doanh sa sút, ban lãnh đạo Hùng Vương cho rằng hai nguyên nhân chính khiến thua lỗ ngày càng nghiêm trọng là do thiếu hụt nguyên liệu và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dang dở.

Ngoài hai doanh nghiệp cá tra lớn, còn có các doanh nghiệp khác cũng đã đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng trong năm 2018 đó là Thủy sản Bến Tre và Thủy sản MeKong.

Cụ thể, năm 2018 Thuỷ sản Bến Tre (Mã: ABT) dự kiến sản lượng thành phẩm đạt 8.000 tấn, doanh thu 400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 21% so với thực hiện năm 2017.

Năm 2017 doanh thu thuần của Thủy sản MeKong (Mã: AAM) đạt gần 229 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,18 tỷ đồng, giảm lần lượt 18% và 38% so với kết quả thực hiện được năm 2016 và chỉ hoàn thành 82% và 27% kế hoạch năm đề ra. Bước sang 2018, Thủy sản MeKong mạnh dạn trình cổ đông kế hoạch doanh thu 220 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5 tỷ đồng.

Khác với các doanh nghiệp kể trên, Thuỷ Sản An Giang (Mã: AGF) lại xây dựng kế hoạch kinh doanh 2018 thận trọng với kỳ vọng kinh doanh hòa vốn khi doanh thu và chi phí đều dự kiến đạt ở mức 1.800 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cũ lợi nhuận trước thuế đề ra là 50 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, Công ty sẽ giảm 43% sản lượng cá tra phi lê xuất khẩu xuống còn 17.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu giảm về 51.000 USD thay vì 60.000 USD. Kim ngạch nhập khẩu vẫn giữ nguyên kế hoạch 2 triệu USD. Trong khi đó, tăng sản lượng tiêu thụ nội địa từ 2.600 tấn lên 11.000 tấn, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch trước đó.

Mặc dù mục tiêu là đẩy mạnh nhập khẩu so với năm trước nhưng Công ty vẫn duy trì xuất siêu ở mức 48 triệu USD.

Ngành cá tra liệu có gặp thế khó trước thuế chống bán phá giá ?

Theo VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 - 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Mỹ.

Mặc dù sản xuất nguyên liệu năm nay thuận lợi hơn so với năm ngoái, nhưng xuất khẩu cá tra trong quý gặp một số khó khăn về thị trường như thuế chống bán phá giá ở mức quá cao.

Mức thuế 3,87 USD/kg trong kết quả cuối cùng POR13 đối với cá tra Việt Nam có thể khiến số doanh nghiệp cá tra xuất khẩu sang Mỹ vốn đã rất ít nay càng khó trụ vững trên thị trường này.

Bên cạnh đó, chương trình thanh tra cá da trơn và thẻ vàng EU có thể tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu nếu tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do với EU (dự kiến hiệu lực từ tháng 6/2018) và với Hàn Quốc, đồng thời mở rộng và chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác.

Minh Anh