KBSV: Lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn có thể tăng từ 0,5-1 điểm % ngay trong quý IV
Theo báo cáo triển vọng thị trường mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn sẽ nhạy cảm hơn và có thể tăng từ 0,5-1 điểm % ngay trong quý IV/2022, các kỳ hạn dài sẽ ghi nhận mức tăng cao hơn là từ 1-1,5 điểm %. Từ đó, lãi tiền gửi bình quân toàn ngành dự báo tăng mạnh 1,14 điểm % so với đầu năm, đạt 4.56%.
Trước đó, nhiều công ty chứng khoán khác cũng có dự báo tương tự về mức tăng của lãi suất huy động. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng 1,5-2 điểm %, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.
Trong khi CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5 điểm % từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.
Thực tế, sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng đã ngay lập tức điều chỉnh tăng lãi suất huy động như ACB, SHB, KienlongBank, Ngân hàng Bản Việt, BacABank, VPBank, Eximbank hay HDBank với mức tăng dao động trong khoảng 0,5-1 điểm % chủ yếu với các kỳ hạn ngắn.
Vẫn có một đợt nới room nữa từ 0,5-1,2%
Về lãi suất cho vay, chuyên gia cho rằng mức độ tăng của lợi suất cho vay sẽ chậm lại vào các tháng cuối năm nhằm đẩy mạnh giải ngân room tín dụng mới, ngoài ra việc các ngân hàng chuyển dịch danh mục cho vay sang các ngành nghề ít rủi ro hơn cũng sẽ làm giảm lợi suất đầu ra bình quân. Biên lãi thuần (NIM) toàn ngành, do đó, được dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm trong năm nay.
Theo ước tính của KBSV, trong trường hợp các ngân hàng sử dụng hết mức room mới thì tín dụng toàn ngành sẽ tăng khoảng 13,2% so với đầu năm. Do đó, NHNN vẫn có thể một đợt nới room nữa từ 0,5-1,2% để đạt mục tiêu cả năm 14%. Nhưng công ty chứng khoán không quá kỳ vọng vào đợt nâng này do NHNN vẫn rất kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát và tỷ giá.
Về chất lượng tài sản, chuyên gia đánh giá tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm dần vào quý IV do động lực tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn từ room tín dụng mới khiến các ngân hàng mạnh tay trong việc trích lập dự phòng và đẩy mạnh xử lý nợ (thường vào quý IV) và cũng là để tạo dư địa tăng trưởng cho những năm tiếp theo với kỳ vọng kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
Lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm liên tục tăng khoảng 1 điểm % trong quý III và đạt đỉnh 4.31% trong tháng 9, từ đó các ngân hàng sẽ phải đánh giá giảm giá trị danh mục chứng khoán đang nắm giữ. Nguồn thu từ mua bán chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tác động này.