|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

JPMorgan rơi vào chảo lửa vì tài trợ giải đấu ly khai European Super League

09:22 | 22/04/2021
Chia sẻ
Tài trợ cho một sáng kiến mới luôn là một quyết định kinh doanh đầy rủi ro và JPMorgan Chase - một trong các ngân hàng lớn nhất thế giới hiện đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề khi giải đấu European Super League "chết yểu".

JPMorgan Chase đã đồng ý tài trợ ít nhất 4 tỷ euro (tương đương 4,8 tỷ USD) cho giải bóng đá ly khai European Super League. Đây là giải đấu quy mô thu nhỏ cho nhóm 20 câu lạc bộ (CLB) hàng đầu châu Âu, trong đó có 15 đội chắc suất và 5 đội khách mời.

Theo Bloomberg, European Super League sẽ tạo ra một giải đấu mới, đảm bảo cuộc chơi và doanh thu cho các CLB tham gia trong nhiều năm tới; đồng thời nó còn giúp JPMorgan tiến sâu hơn vào trung tâm của môn thể thao vua.

Ban đầu, giải đấu mới có 12 CLB sáng lập gồm Manchester United, Liverpool, Manchester City, Arsenal, Chelsea, Tottenham, Barcelona, Real Madrid, Atlético Madrid, Inter Milan, AC Milan và Juventus.

Nếu thương vụ tài trợ thành công, JPMorgan có thể nhận được hàng triệu USD tiền phí. Thế nhưng, giải đấu mới dường như đã "chết yểu" sau khi các đội lần lượt rút lui vì bị người hâm mộ, giới cầu thủ và chính trị gia chỉ trích. Giờ đây, JPMorgan phải ngồi lại đánh giá hậu quả từ một đề xuất tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

"Ý tưởng về European Super League được đưa ra mà chưa được cân nhắc thấu đáo hay nhận được sự phối hợp nhịp nhàng từ các bên. Sáng kiến này chỉ đơn thuần dựa trên ý tưởng kinh doanh, chứ không hề quan tâm đến những ý nghĩa thể thao trong bóng đá", ông Steve Greenfield - giáo sư luật thể thao tại Đại học Westminster (Anh), nhận xét.

European Super League sụp đổ có thể không hề hấn gì với JPMorgan, một ngân hàng vừa báo cáo lợi nhuận kỷ lục 14,3 tỷ USD trong quý I năm nay. Tuy nhiên, sai lầm của JPMorgan lại xảy ra ở một thời điểm rất khó xử.

JPMorgan đang có kế hoạch xây dựng một ngân hàng số ở Anh trong năm nay. Đây là lần đầu tiên JPMorgan có tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh tiêu dùng bên ngoài thị trường Mỹ. Tờ Guardian cho biết, JPMorgan đã tuyển dụng khoảng 400 nhân viên cho ngân hàng số dự kiến đặt trụ sở tại khu Canary Wharf, thủ đô London.

Sợi dây liên kết

Gã khổng lồ Phố Wall đã dành nhiều năm để vun đắp mối quan hệ với ngành công nghiệp bóng đá châu Âu. JPMorgan đóng vai trò tư vấn trong các thương vụ thâu tóm CLB và giúp tài trợ tân trang sân bóng ở nhiều nơi.

Khá nhiều CLB muốn tham gia giải đấu ly khai European Super League là khách hàng của JPMorgan. Mối quan hệ khắng khít nhất là với CLB Real Madrid, "bố già" Florentino Perez - Chủ tịch CLB Real Madrid, chính là người chủ trương khởi xướng giải đấu mới.

JPMorgan rơi vào chảo lửa vì tài trợ giải đấu ly khai European Super League - Ảnh 1.

Hàng trăm người hâm mộ biểu tình trên đường phố Anh để phản đối giải đấu ly khai European Super League. Họ yêu cầu các câu lạc bộ "tôn trọng người hâm mộ hơn cái lợi tài chính". (Ảnh: AFP).

Phát ngôn viên của JPMorgan tại Anh, nơi đặt trụ sở của một nửa trong 12 đội dự định ly khai, từ chối bình luận về sự "chết yểu" của giải đấu mới và vai trò của ngân hàng Phố Wall này trong thương vụ.

Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết kỳ thực JPMorgan biết thành bại của European Super League sẽ phụ thuộc vào phản ứng của thế giới bóng đá. Hiện giờ, một số lời chỉ trích nhắm vào JPMorgan có vẻ rất khó phớt lờ. Ít nhất hai banker của JPMorgan đang lo ngại về sự an toàn của cá nhân họ nếu làn sóng giận dữ leo thang.

Cơn điên của thế giới bóng đá

JPMorgan đã từng đối mặt với cơn giận của người hâm mộ bóng đá trước đây. Khi ông lớn Phố Wall này hỗ trợ gia đình tỷ phú Glazer tiếp quản Manchester United vào năm 2005, những người hâm mộ giận dữ đã tập trung về các văn phòng của JPMorgan để phản đối.

Năm 2011, khoảng 50 người hâm mộ bóng đá đã đột kích vào một buổi tiệc rượu của JPMorgan ở thành phố Manchester, tờ Independent đưa tin. Họ ném rượu vào khách hàng của JPMorgan để phản đối nhà Glazer.

Giám đốc điều hành của Manchester United, Ed Woodward từng làm việc dưới trướng JPMorgan khi ông tư vấn cho nhà Glazer về việc mua lại "Quỷ đỏ". Trong một tuyên bố hôm 20/4, ông Woodward - người cực lực ủng hộ European Super League, dự kiến sẽ từ chức vào cuối năm nay.

JPMorgan rơi vào chảo lửa vì tài trợ giải đấu ly khai European Super League - Ảnh 2.

Một đám đông biểu tình khác tố nhà tổ chức và các đội tham gia European Super League "tham lam tột độ". (Ảnh: Bloomberg).

Chính trị gia cũng vào cuộc

Giải đấu European Super League hẳn sẽ khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Mỹ, khi mà họ ngày càng rót thêm vốn vào ngành công nghiệp bóng đá châu Âu và không thích rủi ro khi các CLB lớn không đủ điều kiện tham dự Champions League, bị xuống hạng ở các giải đấu quốc gia, nhưng chi phí và tiền lương thì cứ tăng dần lên.

Song, lần này làn sóng phản đối không chỉ đến từ những nhóm người hâm mộ nhỏ lẻ, mà còn khiến hàng chục CLB lớn bậc nhất trên khắp châu Âu, giới chính trị gia, hoàng gia Anh và một số khách hàng lớn của JPMorgan bất bình.

Paul Marshall, đồng sáng lập của quỹ đầu cơ khổng lồ Marshall Wace và là người hâm mộ Manchester United, đã chia sẻ lại một bài viết chỉ trích JPMorgan do ông Nigel Farage - cựu lãnh đạo Đảng Độc lập Anh, đăng tải. JPMorgan lại chính là nhà môi giới chính cho Marshall Wace.

Giải đấu ly khai thậm chí còn thu hút làn sóng chỉ trích từ nội bộ JPMorgan. Trong vài năm qua, ông lớn Phố Wall này là một trong các ngân hàng tích cực tuyển dụng các chính trị gia Anh nhất, trong đó có cựu Thủ tướng Tony Blair và cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Sajid Javid. Dù vậy, hai ông đều lên tiếng phản đối European Super League.

Thậm chí, ông Javid còn chia sẻ với tờ Daily Telegraph rằng hành động của JPMorgan dường như "xuất phát từ động cơ lợi nhuận" và kêu gọi áp thuế mới đối với các CLB tham gia giải đấu ly khai.

Trong khi cơn thịnh nộ chưa có dấu hiệu chấm dứt, một cựu giám đốc của JPMorgan cho biết ngân hàng phố Wall không quá lo lắng về danh tiếng bị ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ưu tiên những khách hàng béo bở như nhà Glazer, những người ủng hộ đề xuất tổ chức giải European Super League.

"Cơ sở khách hàng của JPMorgan chủ yếu là doanh nghiệp chứ không phải cá nhân, vì vậy tôi không nghĩ ngân hàng này sẽ tổn hại nhiều", ông Kieran Maguire - giảng viên về tài chính bóng đá tại Đại học Liverpool, cho hay.

Yên Khê

Dự kiến cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách vay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đến hết năm 2025
Theo dự thảo, việc xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện từ ngày Thông tư có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2025 và không giới hạn về số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thời điểm trả nợ cuối cùng của số dư nợ được cơ cấu lại không vượt quá ngày 31/12/2026.