Jack Ma mất gần hết khối tài sản ròng kiếm được từ đầu năm khi nhà đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng của Alibaba
Tỷ phú Jack Ma dường như đã quay về thời điểm đầu năm 2023. Khối tài sản ròng trị giá khoảng 3,4 tỷ USD mà tỷ phú Jack Ma kiếm được từ đầu năm gần như đã “bốc hơi” sau khi giá cổ phiếu của gã khổng lồ Alibaba sụt giảm do những lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng của công ty, theo Forbes.
Jack Ma, người đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của Alibaba vào năm 2019 nhưng vẫn tiếp tục kiếm được tiền từ lượng cổ phần của mình trong gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, hiện nắm giữ khối tài sản ròng trị giá khoảng 23,6 tỷ USD.
Giá trị khối tài sản ròng của ông đã giảm 3,1 tỷ USD kể từ khi giá cổ phiếu công ty Alibaba đạt đỉnh ở mức 122 HKD/cổ phiếu vào tháng 1, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài thực hiện các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và sự phê duyệt theo quy định đối với kế hoạch tài trợ của Ant Group, giúp củng cố tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sự lạc quan đó đang mờ dần khi mức độ phục hồi nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc không lớn như mong đợi. Shawn Yang, giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Blue Lotus Capital Advisors, cho biết: “Mặc dù các nhà máy đã hoạt động và mọi người đã đi làm trở lại, nhưng vẫn không có nhiều nhu cầu mua hàng hóa như quần áo và sản phẩm làm đẹp”.
Điều này, cùng với những lo ngại về khả năng suy giảm lợi nhuận do cuộc chiến giá cả mới đang diễn ra trong lĩnh vực thương mại điện tử, đang đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư.
Giá cổ phiếu của công ty thương mại điện tử này đã giảm 5,3% trong phiên giao dịch ngày 24/2, mặc dù doanh thu Alibaba trong quý cuối năm 2022 đã tăng 2% lên mức 247,8 tỷ nhân dân tệ (35,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi doanh số bán hàng từ các đơn vị quốc tế, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh thương mại cốt lõi tại Trung Quốc, bao gồm doanh thu từ các trang mua sắm Taobao và Tmall, thực tế đã giảm 1%.
Ke Yan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của DZT Research có trụ sở tại Singapore cho biết: “Thị trường thương mại điện tử Trung Quốc sẽ phục hồi vào cuối năm, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Alibaba sẽ phục hồi nhanh và mạnh mẽ. Các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như Pinduoduo, Douyin và Kuaishou, đều đang cố gắng giành lấy thị phần”.
Alibaba Cloud Intelligence, đơn vị điện toán đám mây từng phát triển nhanh chóng của Alibaba, cũng đang mất dần ánh hào quang. Doanh thu của đơn vị này chỉ nhích 3% lên 2,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong quá khứ, đơn vị này của Alibaba từng có thời điểm chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu lên tới 50%.
Đơn vị này đã bị ngừng hoạt động vào cuối năm ngoái, khi các dịch vụ đột ngột bị hỏng và ảnh hưởng đến nhiều người dùng, bao gồm cả sàn giao dịch tiền điện tử OKX ở Hong Kong. Mặc dù sau đó chúng đã được khôi phục, nhưng Alibaba hiện đang tụt lại phía sau Huawei trên thị trường điện toán đám mây.
Các tổ chức liên quan đến chính phủ của Trung Quốc, chẳng hạn như cục thuế địa phương và doanh nghiệp nhà nước, rất muốn sử dụng nhiều dịch vụ đám mây hơn như một phần trong nỗ lực phát triển thành phố thông minh, nhưng thay vào đó, họ đã hợp tác với Huawei.
Theo một bài đăng từ trang web trích dẫn dữ liệu của công ty theo dõi dữ liệu thị trường IDC, Huawei đứng số một trên thị trường điện toán đám mây cho các dịch vụ của chính phủ, một phân khúc mà Huawei nắm giữ 27% thị phần.
Giám đốc điều hành của Alibaba, Daniel Zhang, người vào tháng 12/2022 đã đích thân phụ trách đơn vị điện toán đám mây của công ty, đã hứa sẽ giành lại thị phần mà công ty đã đánh mất.
Trong cuộc họp với các nhà đầu tư vào tuần tước, ông đã chỉ ra các cơ hội trong tương lai từ các công nghệ mới như AI tổng quát, theo lý thuyết sẽ đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán hơn và nhu cầu cao hơn đối với các dịch vụ đám mây.
Ông nói: “Đối với chúng tôi, với tư cách là một nhà cung cấp dịch vụ đám mây, tôi nghĩ rằng câu chuyện đó hoàn toàn mới chỉ bắt đầu”.
Trong khi đó, công ty cũng đã tham gia cuộc đua của Trung Quốc để phát triển phiên bản tương tự công cụ chatbot ChatGPT, đặt cược rằng các chatbot đàm thoại sẽ dẫn đến các cơ hội phát triển mới.
“Tôi nghĩ rằng AI thế hệ mới chắc chắn cũng sẽ biến đổi và tạo ra những trải nghiệm mới cũng như định dạng tiêu dùng mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và thúc đẩy những đột phá công nghệ mới để mở ra những cánh cửa mới trong thương mại và kinh doanh”, ông Daniel Zhang trả lời các câu hỏi trong cuộc họp.