IPO Du lịch Huế, Tập đoàn BRG sẽ nắm 74% vốn
Cụ thể, vào ngày 16/9, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Du lịch Huế sẽ tiến hành chào bán lần đầu ra công chúng 2,9 triệu cp với giá khởi điểm 12.700 đồng/cp.
Bên cạnh đó, Du lịch Huế còn chào bán cho người lao động 120.400 cổ phần với giá bằng 60% giá đấu thành công thấp nhất trong đợt IPO; và bán 8.579.600 cổ phần cho CTCP Tập đoàn BRG với giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất trong đợt IPO.
Theo đó, vốn điều lệ dự kiến sau IPO sẽ là 116 tỷ đồng và Nhà nước sẽ không còn nắm cổ phần tại Du lịch Huế.
Dự kiến lệ sở hữu của Du lịch Huế sau IPO |
Công ty TNHH Du lịch Huế là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tiền thân là Công ty Khách sạn Huế thành lập vào năm 1996, có vốn điều lệ 43,7 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh tập trung khai thác du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, tham gia liên doanh với nước ngoài, kinh doanh khách sạn quốc tế và dịch vụ du lịch.
Năm 2003, Công ty được sáp nhập vào Công ty Du lịch Cố đô Huế và đến năm 2010 thì chuyển thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và Du lịch Huế.
Trong quá trình hoạt động, Du lịch Huế đã góp 50% vốn liên doanh cùng Công ty D’Elegant Holding Ltd, Hồng Kông để thành lập Công ty Liên doanh Khách sạn Bờ sông Thanh Lịch. Công ty liên danh này đã đầu tư xây dựng lại khách sạn Hương Giang 2 tại số 49 đường Lê Lợi, thành phố Huế thành khách sạn 4 sao và đổi tên thành Century Riverside Huế.
Khi hết thời hạn liên doanh, năm 2011, Công ty Liên doanh Khách sạn Bờ sông Thanh Lịch trở thành công ty con của Du lịch Huế.
Khách sạn Century Riverside có khuôn viên rộng hơn 20.000 m2, tọa lạc cạnh cầu Tràng Tiền và bên sông Hương. |
Giai đoạn 2013-2015, hoạt động kinh doanh chính là du lịch và khách sạn, chiếm từ 85% đến 97% tổng doanh thu và thu nhập khác. Doanh thu thuần bình quân đạt 50 tỷ đồng mỗi năm, biên lãi gộp khoảng 15%. Và có 2 năm bị lỗ do chi phí kinh doanh cao hơn doanh thu.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2013-2015 của Du lịch Huế |
Tổng tài sản và nguồn vốn của Du lịch Huế 2013-2015 |
Hiện Du lịch Huế được giao quản lý phần vốn Nhà nước tại Công ty Bờ sông Thanh Lịch – đơn vị sở hữu khách sạn Century Hue, tuy nhiên hoạt động và tài chính lại tương đối độc lập nhau, gây khó khăn cho việc quản lý và xây dựng chiến lược kinh doanh.
Mặt khác, kinh doanh khách sạn chưa thực sự mang lại hiệu quả tương xứng với vị thế hiện có. Kết quả lỗ trong năm 2013 và 2014.
Theo Công ty, khách sạn Century Hue có vị trí thuận lợi nhưng cơ sở vật chất đang xuống cấp, thiết bị lạc hậu do xây dựng đã lâu. Vì vậy cần có sự hỗ trợ nguồn vốn để tái đầu tư, nâng cấp hoặc xây mới khách sạn.
Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược sau IPO cũng nhằm mục đích hỗ trợ tài chính và nâng cấp khách sạn Century Hue.
Tập đoàn BRG hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và sân gôn với những sân gôn tiêu biểu như Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), BRG Ruby Tree Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).
Bên cạnh đó, BRG còn nổi tiếng với những thương vụ thâu tóm “đất vàng” trong giới bất động sản như mua lại khách sạn Hilton Opera Hà Nội năm 2012, khách sạn Thắng Lợi năm 2015. Gần đây nhất là việc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) bán 167 triệu cổ phần, tương đương 12,57% vốn điều lệ cho BRG.
Trước đó, công ty con Vinamco của BRG cũng đã chi 1.250 tỷ đồng để mua lại 97.7% vốn của Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải.
Chủ tịch BRG là bà Nguyễn Thị Nga, hiện bà còn là Chủ tịch Ngân hàng SeABank và CTCP Intimex Việt Nam, năm 2006 bà từng là chủ tịch Ngân hàng TechcomBank.