|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

IPO công nghệ quay trở lại nhưng chưa rộng mở

16:26 | 24/09/2023
Chia sẻ
Dù thị trường chứng kiến sự xuất hiện của ba công ty công nghệ sau hai năm vắng bóng nhưng cánh cửa IPO vẫn chưa thực sự rộng mở.

Trong hai tuần qua, ba cái tên gồm nhà thiết kế chip Arm, công ty dịch vụ giao hàng tạp hoa Instacart và Klaviyo - một công ty tự động hóa tiếp thị đã trở thành tâm điểm của thị trường IPO. Ba thương vụ này xuất hiện trong bối cảnh thị trường IPO vắng bóng các tên tuổi công nghệsuốt hai năm qua, theo Financial Times.

Theo FT, ba cái tên này mở cửa để các công ty công nghệ và các công ty trong lĩnh vực khác tiếp cận thị trường đại chúng một lần nữa. Tuy nhiên, cánh cửa IPO này chưa rộng mở.

Cả ba đợt IPO đều có những đặc điểm hơi khác thường. Chủ sở hữu của các công ty đã bán không quá 10% cổ phiếu, ít động lực tối đa hóa đợt chào bán lần đầu hơn và họ dường như quan tâm đến việc đảm bảo cổ phiếu được giao dịch tốt khi chúng được thả nổi.

 Nhà thiết kế chip Arm là một trong ba tên tuổi công nghệ gây chú ý ở những đợt IPO vừa qua. (Ảnh: Reuters).

Tỷ lệ thả nổi tự do trung bình đối với các đợt IPO của Mỹ trong 5 năm qua là khoảng 20%. Trong khi, Sở giao dịch chứng khoán London yêu cầu mức tối thiểu là 10% và cả ba công ty cũng phân bổ một lượng lớn cổ phiếu cho các nhà đầu tư chính của họ.

Đối với Arm, những nhóm này bao gồm các nhóm công nghệ như Apple và Google, trong khi Instacart "ưu ái hơn" cho quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital và một số nhà đầu tư khác đã vào từ những vòng gọi vốn trước.

Instacart chỉ định giá công ty ở mức 9,9 tỷ USD, thấp hơn nhiều so mức định giá 39 tỷ USD vào năm 2021. Với việc lãi suất có dấu hiệu đạt đỉnh, điều đó cho thấy thị trường đang có nhu cầu mới đối với cổ phiếu của các công ty công nghệ nhưng trong giới hạn nghiêm ngặt.

Tờ FT nhận định, đây không phải là sự quay trở lại năm 2021, khi mức định giá của ngành công nghệ tăng vọt đến mức chóng mặt. Nhà đầu tư hiện muốn có lợi nhuận và dòng tiền dương chứ không chỉ là những lời hứa tăng trưởng trong tương lai.

Điều đó khiến cho nhóm công ty công nghệ được VC (quỹ đầu tư mạo hiểm) hậu thuẫn và các công ty khởi nghiệp khác đang "khô hạn", phải chờ đợi nhu cầu thị trường quay trở lại để họ có thể huy động tiền.

Một số công ty như Instacart có mục đích cụ thể hơn khi họ phải tìm cách huy động 500 triệu USD để trả thuế liên quan đến bồi thường cổ phiếu cho nhân viên. Do đó, họ chọn chấp nhận IPO ở mức định giá thấp hơn. Tuy vậy, mức này vẫn đủ để những nhà đầu tư ở các vòng cấp vốn trước, bán được cổ phần với mức giá cao hơn.

Điều này ít nhất sẽ cho phép việc định giá công nghệ chưa lên sàn trở nên rõ ràng hơn. Các nhà đầu tư mạo hiểm bán cổ phần hiện có để giải phóng vốn đầu tư vào các dự án kinh doanh mới. 

Trong thời kỳ tiền rẻ, các công ty khởi nghiệp có xu hướng ít lên sàn hơn và việc đưa nhóm này sang các thị trường đại chúng sẽ giúp sự giám sát diễn ra chặt chẽ hơn, cho phép các nhà đầu tư chia sẻ việc tạo ra giá trị tiềm năng.

"Các công ty tăng trưởng năng động phải là huyết mạch của thị trường đại chúng. Nếu chu kỳ đó bắt đầu lại, với sự thực tế hơn của các nhà đầu tư, thì đó là điều tốt", tờ FT nhận định.

Như đã đưa tin trước đó, kỳ lân công nghệ của Việt Nam là VNG có thể sẽ chưa tiến hành IPO theo dự kiến và hiện chưa rõ nguyên nhân tại sao kế hoạch IPO lại bị hoãn. Tuy vậy, việc niêm yết trên Nasdaq bị chậm trễ thường do hai nguyên nhân: Vấn đề ở hồ sơ và thời điểm chưa phù hợp.

Theo báo cáo từ Ernst & Young, các hoạt động niêm yết trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra chậm chạm và chưa thể sôi động trở lại. Dù vậy, 6 tháng đầu năm, đã có 63 đợt IPO tại Mỹ, huy động tổng cộng hơn 10 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 115% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những yếu tố gây ra sự trì trệ trên thị trường IPO chủ yếu là do lạm phát dai dẳng, bất ổn địa chính trị và lãi suất tăng cao. Báo cáo phân tích nhận định thị trường IPO có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với dự báo của nhiều người trước đó. 

Cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ diễn ra trong nửa đầu năm 2023 đã gây ra sự bất ổn trên thị trường. Hiện tại, nỗi lo lắng lây lan dường như đã giảm bớt và thị trường có thể khởi sắc khi qua năm 2024.

Không chỉ tại Mỹ, trên thế giới, đầu năm nay đã chứng kiến hơn 600 đợt IPO huy động được khoảng 60 tỷ USD lần lượt giảm 5% về số lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ. Những kết quả khiêm tốn này tiếp tục phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp, chính sách tiền tệ thắt chặt và căng thẳng địa chính trị gia tăng. 

Lãi suất cao và hiệu suất giá cổ phiếu kém sau IPO cũng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các loại tài sản đầu tư khác.

Thùy Trang